Một bài viết của giáo sư tâm lý học người Mỹ Adam Grant đăng trên New York Times gần đây đã được rất nhiều phụ huynh Mỹ chia sẻ.

Muốn con sáng tạo - Hãy lùi một bước!

11/01/2017, 06:26

Một bài viết của giáo sư tâm lý học người Mỹ Adam Grant đăng trên New York Times gần đây đã được rất nhiều phụ huynh Mỹ chia sẻ.

Có những đứa trẻ học đọc năm 2 tuổi, chơi nhạc của Bach khi lên 4, tính toán lưu loát năm lên 6, và nói tiếng nước ngoài thành thạo khi lên 8. Bạn cùng lớp rùng mình vì ghen tị, cha mẹ chúng vui mừng như trúng số. Nhưng như T. S. Eliot đã nói, sự nghiệp của chúng thường có chiều hướng kết thúc không phải với tiếng nổ giòn giã, mà là bằng tiếng rên rỉ.

Hãy xem xét giải thưởng quốc gia danh tiếng nhất dành cho học sinh trung học có năng khiếu khoa học của Mỹ, giải thưởng Tìm kiếm tài năng khoa học Westinghouse, từng được một tổng thống Mỹ ví như Super Bowl (Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ) ở hạng mục khoa học. Từ khi ra đời năm 1942 cho đến năm 1994, giải thưởng đã công nhận được hơn 2.000 tài năng trẻ lọt vào chung kết. Nhưng cuối cùng, chỉ 1 phần trăm trong số đó lọt được vào Viện hàn lâm Khoa học quốc gia và chỉ có tám trong số đó giành được giải Nobel. Cứ mỗi người như Lisa Randall, người đã tạo nên cuộc cách mạng vật lý lý thuyết, thì lại có hàng tá người đã tụt dốc rất xa so với tiềm năng của họ.

Những đứa trẻ thần đồng hiếm khi trở thành thiên tài có ảnh hưởng thay đổi thế giới. Chúng tôi cho rằng các bạn nhỏ chắc hẳn đã thiếu các kỹ năng xã hội cũng như kỹ năng về cảm xúc để thích nghi với môi trường xã hội. Tuy nhiên khi xem xét các bằng chứng, lời giải thích này là không thỏa đáng: không đến một phần tư trẻ em tài năng gặp vấn đề khó khăn về mặt tình cảm và xã hội. Đa số thích nghi tốt – nổi bật trong một bữa tiệc cocktail cũng như trong cuộc thi chính tả. Điều kìm hãm các thần đồng này là việc các em học không phải để tạo ra một cá nhân khác biệt, mà chỉ nỗ lực nhằm đạt được sự tán thưởng của cha mẹ và sự ngưỡng mộ của các giáo viên.

Nhưng, sự thật được phơi bày khi chứng kiến các bạn nhỏ biểu diễn tại Carnegie Hall hay trở thành các nhà vô địch cờ vua: Rèn luyện tạo ra sự hoàn hảo, nhưng không tạo nên điều gì mới mẻ. Có năng khiếu biểu diễn những giai điệu tráng lệ của Mozart, nhưng hiếm khi tự sáng tác được những nhạc phẩm độc đáo của riêng mình; tập trung sức lực để tiếp thu kiến thức khoa học sẵn có, nhưng không tạo nên được những đột phá mới; tuân thủ các quy tắc đã được lập ra, chứ không sáng tạo nên các quy tắc của riêng mình.

Nghiên cứu cho thấy rằng những đứa trẻ sáng tạo nhất lại là những đứa trẻ ít có khả năng trở thành học trò cưng của giáo viên nhất, và để đối phó với điều này, nhiều bạn nhỏ đã học cách khóa những ý tưởng độc đáo vào bên trong. Theo cách nói của nhà phê bình William Deresiewicz, chúng dần trở thành những “chú cừu ngoan”.

Khi trưởng thành, nhiều thần đồng lúc nhỏ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình cũng như đứng đầu những công ty, tổ chức. “Tuy nhiên, chỉ có một số rất ít các tài năng trở thành các nhà sáng tạo mang tính cách mạng”, nhà tâm lý học Ellen Winner than phiền. “Đó là những người phải trải qua một quá trình biến đổi đầy đau đớn để trở thành người được coi là tạo nên sự thay đổi sau cùng”.

Phần lớn các thần đồng không bao giờ tạo nên những bước nhảy vọt. Họ sử dụng năng lực vượt trội của mình chỉ để làm tốt công việc không chút trở ngại. Họ trở thành những bác sĩ có thể chữa lành cho bệnh nhân mà không thể sửa chữa khi hệ thống y tế gặp trục trặc, hoặc những luật sư có thể bào chữa cho thân chủ khỏi những điều lệ bất công nhưng không thể tự mình sửa đổi các điều luật.

Vậy, nên làm những gì để nuôi dạy một đứa trẻ sáng tạo? Một nghiên cứu đã so sánh giữa gia đình của 5% những học sinh nổi trội nhất trong hệ thống các trường học với gia đình của các học sinh bình thường khác. Phụ huynh của các trẻ bình thường thường có trung bình 6 nguyên tắc, như lịch trình cụ thể cho việc học hay đến giờ đi ngủ. Trong khi cha mẹ của các trẻ có khả năng sáng tạo cao có nhiều nhất chỉ 1 quy định. Sự sáng tạo có thể khó nuôi dưỡng nhưng lại rất dễ bị ngăn chặn. Bằng việc hạn chế các nguyên tắc, cha mẹ khuyến khích con cái tự suy nghĩ cho bản thân. Họ có xu hướng “chú trọng các giá trị đạo đức hơn là các nguyên tắc cụ thể”, Teresa Amabile, nhà tâm lý học của Đại học Harvard cho biết.

Song song với điều đó, cha mẹ cũng không nhồi nhét các giá trị của mình vào đầu con cái. Khi các nhà tâm lý học so sánh các kiến trúc sư sáng tạo nhất của Mỹ với một nhóm những đồng nghiệp có tay nghề cao nhưng không hề vượt trội, có điều gì đó khác lạ ở cha mẹ của các kiến trúc sư sáng tạo: “Tầm quan trọng được đặt vào việc xây dựng quy tắc đạo đức cho chính bản thân mình”. Các bậc phụ huynh khuyến khích con cái theo đuổi sự thành công nhưng đồng thời cũng cho chúng sự tự do trong việc chọn lọc các giá trị riêng của bản thân và qua đó tìm thấy niềm vui thích trong công việc. Và điều đó là nền tảng để các bạn nhỏ sau này trở thành những con người sáng tạo.

Khi nhà tâm lý học Benjamin Bloom theo đuổi một nghiên cứu lấy đối tượng là các nhạc sĩ, nghệ sĩ, vận động viên và các nhà khoa học, ông nhận ra rằng cha mẹ của những người này không nuôi ước mơ dạy con mình trở thành những con người kiệt xuất. Họ không đưa ra những kỷ luật khắt khe mà khơi dậy động lực từ bên trong con cái mình, và ủng hộ khi chúng tỏ ra hứng thú ở một lĩnh vực nào đó. Các nghệ sĩ piano hàng đầu không hề có những giáo viên ưu tú ngay từ những bước chập chững; bài học đầu tiên của họ thường bắt đầu từ những giáo viên địa phương và niềm vui thú trong việc học.

Mozart đã thể hiện niềm yêu thích âm nhạc cả trước khi tiếp xúc với các bài học, Mary Lou Williams tự học chơi piano, hay Itzhak Perlman bắt đầu tự học violin sau khi bị từ chối nhận vào nhạc viện… Ngay cả những vận động viên xuất sắc cũng không hẳn có bước đệm tốt hơn các vận động viên khác. Các tay vợt trong top 10 như Andre Agassi thậm chí phải tự đối mặt với áp lực rất lớn để hoàn thiện bản thân. Điều mà đa số các siêu thủ tennis học được từ huấn luyện viên đầu tiên của mình đó là niềm cảm hứng với bộ môn này.

Kể từ khi Malcolm Gladwell phổ biến quy tắc “10.000 giờ đồng hồ” cho thấy sự thành công phụ thuộc vào thời gian chúng ta chủ ý bỏ ra trong thực tế, một cuộc tranh luận về thời lượng cần thiết để trở thành chuyên gia của một lĩnh vực bất kỳ nổ ra. Và trong cuộc tranh luận đó, chủ yếu dấy lên 2 câu hỏi. Thứ nhất, liệu bản thân việc luyện tập có thể giúp chúng ta cải thiện các vấn đề trong học tập? Nghiên cứu chỉ ra rằng, luyện tập càng nhiều, bạn càng dễ mắc kẹt trong lối mòn tư duy. Và thứ hai, điều gì thúc đẩy một người luyện tập một kỹ năng trong hàng ngàn giờ? Câu trả lời đáng tin cậy nhất đó là niềm đam mê – được khám phá nhờ vào óc tò mò bẩm sinh và được nuôi dưỡng bằng những trải nghiệm đầu đời thú vị thông qua một hay nhiều hoạt động. Chẳng có một ai ép buộc được các nhà khoa học lỗi lạc phải quan tâm đến các hoạt động nghệ thuật. Điều đó phản ánh đầu óc tò mò của họ và đôi khi chính sự tò mò đó đưa đến những cái nhìn sâu sắc.

Albert Einstein từng nói: “Thuyết tương đối nảy ra hoàn toàn bởi trực giác của tôi. Và âm nhạc chính là động lực đằng sau trực giác ấy”. Mẹ ông đã đưa ông đến với violin từ khi ông mới 5 tuổi nhưng ông hoàn toàn không có chút hứng thú. Tình yêu với âm nhạc chỉ nở rộ khi ông bước vào tuổi thiếu nên, ngừng học violin và bắt đầu nghe nhiều những bản nhạc của Mozart. “Tình yêu là người thầy tốt hơn trách nhiệm”.

Các bạn không thể lập trình sự sáng tạo của một đứa trẻ. Cố gắng gây dựng sự thành công vững chắc, và những gì tốt nhất được tạo ra chỉ có thể là những người máy đầy tham vọng. Nếu bạn muốn con cái mình tạo ra những sáng kiến độc nhất cho thế giới, hãy để trẻ theo đuổi niềm đam mê của chính các em, chứ không phải của bản thân các bạn.

PV (theo gioibox.com)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
14 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Muốn con sáng tạo - Hãy lùi một bước!