Trong những giờ kiểm tra lịch sử, nếu đề ra ở dạng “Đề thi văn sách của khoa thi Đình năm 1876, triều Nguyễn ra: Nước Nhật Bản theo học các nước Thái Tây mà được phú cường. Vậy nước ta có nên bắt chước không?. Nếu bạn là sĩ tử trong kỳ thi ấy, bạn sẽ trả lời như thế nào?”… thì môn lịch sử sẽ trở nên hấp dẫn và lôi cuốn biết chừng nào.
Trước hết cần thưa với bạn đọc rằng, tôi - người viết bài này - không phải là một người nghiên cứu hay giảng dạy lịch sử, tức không phải người trong nghề mà chỉ là nặng lòng với lịch sử dân tộc và thực sự yêu thích bộ môn lịch sử. Lẽ ra đây phải là một trong những môn học hấp dẫn nhất trong nhà trường nhưng xót xa thay nó đang từng ngày, từng giờ bị học sinh quay lưng, chối bỏ. Những gì tôi viết ra đây cũng đơn giản chỉ là những suy nghĩ của cá nhân tôi khi bồi hồi nhớ về những giờ học lịch sử mà mình từng trải nghiệm thời trung học.
Trong trí nhớ của tôi, những giờ lịch sử ở trung học đa phần rất tẻ nhạt, đơn điệu vì lẽ trong những giờ học ấy, thầy cô giáo thì say sưa giảng theo những điều đã được mặc định sẵn trong sách giáo khoa và sách giáo viên, còn học sinh chúng tôi cứ thế chăm chú lắng nghe, thuộc nằm lòng để rồi sau đó trả bài gần như không sót một chữ nào cho thầy cô giáo trong những giờ kiểm tra.
Tôi hình dung rằng cho đến tận bây giờ môn lịch sử trong trường trung học ở Việt Nam vẫn được dạy theo kiểu người soạn chương trình, soạn sách giáo khoa độc quyền định hướng kiến thức, giáo viên tiếp thu và tiếp tục truyền đạt lại cho học trò cũng theo lối ấy. Việc giảng dạy vì thế được tuân thủ răm rắp từ trên xuống dưới theo một đường thẳng. Không một sự bứt phá, vượt rào nào được chấp nhận. Học sinh – đối tượng chính và quan trọng nhất trong quá trình giáo dục lịch sử không có quyền đối thoại, phản biện, trình bày suy nghĩ riêng của mình về những kiến thức lịch sử được nêu ra trong sách giáo khoa. Sự trao đổi, thảo luận nếu có cũng chỉ trong khuôn khổ những điều đã được mặc định chứ không bao giờ được vượt thoát ra ngoài.
Những đề kiểm tra môn lịch sử ở trung học phổ thông trong trí nhớ của tôi thường ra ở dạng “nêu”, "trình bày”. Với những đề kiểm tra như thế, học sinh hầu như không phải suy nghĩ, tư duy gì; chỉ cần mua những quyển tài liệu được soạn sẵn, học thuộc lòng rồi chép lại nguyên vẹn là được điểm cao. Cực kỳ hiếm những đề kiểm tra được ra ở dạng luận về lịch sử. Mà nếu có ra ở dạng luận thì thường cũng phải luận theo một hướng nhất định nào đó.
Tôi cho rằng học lịch sử thực chất là học về con người – con người trong một thời đại nào đó của quá khứ - để từ đó rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai theo tinh thần “ôn cố nhi tri tân”. Đã là con người thì luôn luôn đa diện, phức tạp; chứa đựng trong mỗi bản thể người là muôn vàn những mâu thuẫn, nghịch lý. Cho nên không thể dạy lịch sử bằng cái nhìn áp đặt, một chiều mà phải mở rộng đối thoại, tạo cho học sinh cơ hội trao đổi, tranh biện, trình bày quan điểm của mình về lịch sử thì mới có thể kích thích tư duy, tạo niềm đam mê học sử cho các em. Còn lối giảng dạy theo kiểu áp đặt kiến thức, yêu cầu học sinh thuộc lòng như tụng thánh thư thì sự quay lưng của học sinh với môn lịch sử là điều dễ hiểu.
Tôi chợt nghĩ rằng, giả sử trong những giờ lịch sử ở trường phổ thông, các thầy cô đặt ra những vấn đề, chẳng hạn như “về nhân vật lịch sử Trần Thủ Độ thời Trần, có người cho là có công cũng có người cho là có tội. Ý kiến của riêng bạn về nhân vật này?”, “Về việc Ngô Thì Nhậm theo nhà Tây Sơn, có người cho là thức thời nhưng cũng có người cho là phản bội. Bạn nghĩ như thế nào?”, “Công và tội của triều Nguyễn”…; hay trong những giờ kiểm tra lịch sử, nếu đề ra ở dạng “Đề thi văn sách của khoa thi Đình năm 1876, triều Nguyễn ra: Nước Nhật Bản theo học các nước Thái Tây mà được phú cường. Vậy nước ta có nên bắt chước không?. Nếu bạn là sĩ tử trong kỳ thi ấy, bạn sẽ trả lời như thế nào?”… thì môn lịch sử sẽ trở nên hấp dẫn và lôi cuốn biết chừng nào.
Có thể thấy việc tìm một hướng đi mới, tăng cường đối thoại, mở rộng tư duy cho môn lịch sử ở trường THPT là một yêu cầu vô cùng bức thiết. Điều này đòi hỏi sự quan tâm đúng mức của nhà nước, mà trước hết là Bộ Giáo dục - Đào tạo; đòi hỏi trách nhiệm của những nhà giáo dục, những nhà khoa học và cả giáo viên, học sinh khi tham gia vào quá trình dạy và học lịch sử. Phải làm sao để khi nhắc đến môn lịch sử người ta nghĩ ngay đến một môn học hấp dẫn chứ không phải là một môn học thuộc lòng nhàm chán, tẻ nhạt.
Hồ Tấn Nguyên Minh