Theo tạp chí Nature Microbiology, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm y tế Đại học Vanderbilt, Mỹ, đã thu được một kháng thể đơn dòng của người có thể trung hòa vi rút gây ra sốt West Nile (vi rút sốt Tây sông Nile). Dựa trên kháng thể này, các nhà khoa học có thể phát triển phương pháp điều trị hiệu quả chưa từng có đối với bệnh sốt.
Được biết, vi rút sốt West Nile phổ biến ở châu Phi, châu Á, vùng Địa Trung Hải vàlây lan sang Úc, Mỹ. Vi rút thường lưu hành trong quần thể chim, muỗi là những vật mang mầm bệnh. Thỉnh thoảng, sau khi bị muỗi đốt, người cũng bị nhiễm bệnh.
Theo thống kê, ở người, cứ 5 người bị nhiễm bệnh thì chỉ có 1 người có triệu chứng của bệnh. Ở hầu hết các bệnh nhân, căn bệnh này biến mất sau một vài ngày, giống như bệnh cúm. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, vi rút này lây nhiễm vào hệ thần kinh trung ương, khiến tình trạng sức khỏe sa sút rất nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân này cao. Tại Mỹ, vi rút Tây sông Nile là nguyên nhân chính gây viêm não do vi rút và gây ra khoảng 100 ca tử vong mỗi năm.
Để tìm kiếm các kháng thể có thể đối phó với vi rút, các nhà khoa học đã phân tích các mẫu huyết thanh của 13 người đã bị sốt West Nile trong một đợt bùng phát bệnh này ở Dallas vào năm 2012. Từ các mẫu đó, các nhà nghiên cứu đã chiết xuất các tế bào lympho, chịu trách nhiệm tổng hợp các kháng thể, rồi trong phòng thí nghiệm đã hợp nhất chúng với các tế bào u tủy và biến thành chúng một “nhà máy” sản xuất nhanh các kháng thể đơn dòng.
Các nhà nghiên cứu sau đó đã thử nghiệm các kháng thể thu được để chứng minh hiệu quả của chúng trong việc chống lại vi rút sốt West Nile. Kết quả, một trong số đó, kháng thể được đặt tên WNV-86, tỏ ra rất hiệu quả. Khi được thử nghiệm trên chuột thí nghiệm, một lần tiêm kháng thể WNV-86 duy nhất cho phép các con vật sống sót sau khi bị nhiễm trùng nguy hiểm.
Vũ Trung Hương