Năm 2023 nhiều trường ĐH sẽ sử dụng kết quả thi tại kỳ thi tuyển sinh riêng ở các trường chứ không còn quá phụ thuộc vào kỳ thi THPT.

Năm 2023 có hàng trăm trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi năng lực để tuyển sinh

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 30/01/2023, 16:17

Năm 2023 nhiều trường ĐH sẽ sử dụng kết quả thi tại kỳ thi tuyển sinh riêng ở các trường chứ không còn quá phụ thuộc vào kỳ thi THPT.

Nhiều trường dùng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh

Tính đến cuối tháng 1.2023, cả nước đã có gần 50 trường đại học công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm 2023 với các thông tin về phương thức xét tuyển và tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Phương thức tuyển sinh mà các trường đưa ra đều ổn định như năm ngoái, gồm: xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét tuyển kết hợp, xét tuyển theo kết quả các kỳ thi riêng…

Điểm có lợi nhất cho các thí sinh là được đăng ký thành nhiều đợt trong năm và khoảng cách nhau giữa 2 đợt thi tối thiểu là 28 ngày (gồm cả ngày thi) để thí sinh có thời gian kiểm tra, ôn tập lại các kiến thức mình còn thiếu.

Từ nhu cầu thực tế, các trường đã lựa chọn kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh một cách phù hợp, nhằm tuyển chọn được thí sinh có đủ năng lực, phù hợp với chính chương trình đào tạo mà nhà trường đưa ra. Đó cũng là lý do mà Đại học quốc gia Hà Nội vừa công bố sẽ tổ chức các đợt thi đánh giá năng lực từ tháng 3 đến tháng 6 với quy mô khoảng 100.000 lượt thi tại 8 tỉnh thành trên cả nước. Thí sinh cũng được đăng ký dự thi nhiều đợt trong năm nhưng thời gian cách nhau giữa 2 đợt thi tối thiểu 28 ngày (gồm cả các ngày thi). Khi đăng ký dự thi, thí sinh được quyền chọn đợt thi, điểm thi.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng có kế hoạch tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy trong năm 2023 vào các tháng 5, 6 và 7, tăng 2 đợt so với năm 2022. Kỳ thi đánh giá tư duy của trường sẽ thay đổi theo hướng tiệm cận với các kỳ thi của quốc tế. Đề thi gồm 3 phần: Toán, đọc hiểu, tư duy giải quyết vấn đề hoàn toàn bằng hình thức trắc nghiệm với tổng thời gian 150 phút, ngắn hơn gần một nửa so với cấu trúc cũ. Ngoài ra, thay vì diễn ra cả ngày và thi trên giấy như năm 2022, kỳ thi năm 2023 được tổ chức trên máy tính trong một buổi. Sau khi hoàn thành bài thi, thí sinh được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong 2 năm, được đăng ký xét tuyển vào bất cứ trường ĐH nào sử dụng kết quả của kỳ thi.

Đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết việc điều chỉnh cấu trúc đề thi nhằm mở rộng khả năng sử dụng kết quả bài thi cho các trường thuộc khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y dược và quan trọng hơn là phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong năm 2023, sẽ có hàng trăm trường đại học, cao đẳng cả nước sử dụng kết quả các kỳ thi này để tuyển sinh. Trong đó, riêng kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia TP.HCM đã có khoảng 140 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả để xét tuyển. Còn kỳ thi đánh giá tư duy của Trường đại học Bách khoa Hà Nội cũng dự kiến sẽ có hơn 20 trường đại học sử dụng kết quả để xét tuyển.

Các trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng sẽ có trách nhiệm phân tích, đánh giá hiệu quả của từng phương thức theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh ở kỳ thi năm 2023.

Cần có chế độ giám sát các trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng

Những ưu điểm của kỳ thi đánh giá năng lực tại các trường là không bàn cãi, thí sinh có thêm được cơ hội trúng tuyển vào các trường mình thích ở nhiều hình thức khác nhau, cũng như tăng tỷ lệ đỗ của thí sinh có đủ năng lực. Học sinh có nhiều thời gian ôn tập, cọ xát với đề thi ở các trường hơn. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo lắng chính là khi các trường tổ chức nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, chưa bàn đến việc các trường có đủ "năng lực" tổ chức hay không, thì việc học sinh đổ xô đi học thêm, luyện thêm, học nâng cao cũng là một vấn đề cần chú ý.

Theo PGS Nguyễn Hoàng Hải (Đại học quốc gia Hà Nội), hiện nay các trường có quyền tự chủ cao trong công tác tuyển sinh nhưng nếu trường nào cũng tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng để tuyển chọn thì gây lãng phí cho thí sinh, chưa kể đến kiểu "vơ bèo gạt tép" từ các trường không đủ năng lực tổ chức. "Các trường đại học lớn cần có sự trao đổi với nhau, hợp tác để cùng tổ chức hoặc rút ra kinh nghiệm, chuyển đổi địa điểm cho nhau, tạo điều kiện tối đa cho học sinh, để khi đi thi không quá vất vả và cũng không phải trải qua quá nhiều kỳ thi để vào được trường các em yêu thích".

Cùng quan điểm với ông Hải, TS Lê Viết Khuyến - Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng Bộ GD-ĐT cần có cơ chế giám sát, thẩm định trường nào có đủ điều kiện, năng lực tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh hay không. Tránh tình trạng trường nào cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng gây lãng phí cho gia đình, học sinh, xã hội.

“Các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh và tổ chức kỳ thi riêng. Tuy nhiên, quyền lợi luôn đi kèm với nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như điều kiện cần và đủ. Vì thế, không phải cơ sở nào cũng có thể tổ chức kỳ thi này. Đơn vị cần chứng minh năng lực tổ chức, phải có đo lường, đánh giá hiệu quả và tác động về mặt xã hội và phải có đơn vị giám sát, quản lý. Nếu không, việc tổ chức kỳ thi sẽ trở thành phản tác dụng”, TS Lê Viết Khuyến chia sẻ.

Kỳ thi đánh giá năng lực có mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, góp phần lựa chọn được những thí sinh đủ tiêu chuẩn và phù hợp với đặc thù của các chương trình đào tạo. Bản chất của các bài kiểm tra năng lực thường không đề cao khả năng ghi nhớ mà tập trung đánh giá khả năng vận dụng kiến thức, đánh giá kiến thức tổng hợp, mức độ hiểu biết của thí sinh về mọi mặt, hạn chế việc học tủ. Tuy nhiên, kỳ thi đánh giá năng lực riêng ở các trường vẫn có mặt hạn chế, là thí sinh vẫn bắt buộc trải qua một kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa, điều này sẽ gây áp lực và mệt mỏi cho học sinh. Các em cần tìm hiểu thật kỹ về kỳ thi mình định tham dự, những ưu điểm và nhược điểm của nó, cũng như các câu hỏi ngân hàng ôn tập để thấy mình thật sự phù hợp hay không.

GS-TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học quốc gia Hà Nội khẳng định các câu hỏi trong đề thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Hà Nội đều được thiết kế để đánh giá năng lực học sinh theo chuẩn đầu ra của chương trình THPT. 

"Ngân hàng câu hỏi, dạng thức, cấu trúc bài thi tại kỳ thi đánh giá năng lực của trường năm 2023 không thay đổi nhiều so với các năm trước. Thí sinh chỉ cần vào trang chủ http://khaothi.vnu.edu.vn/ để tìm hiểu về kỳ thi, bài thi, hướng dẫn làm bài thi, đề tham khảo, kết quả thi năm 2022 (phổ điểm, bảng thứ hạng điểm thi) để thấy được bức tranh chân thực của kỳ thi. Thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức chương trình THPT là đạt kết quả cao" - GS Nguyễn Tiến Thảo nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2023 có hàng trăm trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi năng lực để tuyển sinh