Hệ thống y tế khủng hoảng, thiếu hụt tài chính và thông tin sai lệch là nguyên nhân dẫn đến số người chết do COVID-19 liên tục tăng cao tại Nam Mỹ.

Nam Mỹ điêu đứng do COVID-19 hoành hành

Đan Thuỳ | 19/06/2021, 10:45

Hệ thống y tế khủng hoảng, thiếu hụt tài chính và thông tin sai lệch là nguyên nhân dẫn đến số người chết do COVID-19 liên tục tăng cao tại Nam Mỹ.

Khi Mỹ và châu Âu bắt đầu thoát ra khỏi sự khủng hoảng của đại dịch COVID-19 và bắt đầu khôi phục lại nền kinh tế thì khu vực Nam Mỹ vẫn đang phải đối mặt với sự hoành hành của dịch bệnh.

Mới đây, Paraguay đã ghi nhận tỷ lệ tử vong COVID-19 hằng ngày cao nhất thế giới với 18,09/triệu người, trong khi đó ở Ấn Độ là 2,81, Nam Phi 2,2, Mỹ 1,01 ở Mỹ và Anh 0,14.

Các nước như Paraguay, Suriname, Argentina, Uruguay, Colombia, Brazil và Peru đang phải chịu đựng một cuộc tàn sát thầm lặng của đại dịch COVID-19 không giống bất bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Ngay cả ở vị trí thứ 7 là Peru, tỷ lệ tử vong vẫn ở mức cao 9,12/triệu người, nhiều gấp hơn 3 lần so với Ấn Độ.

Trong thời gian đầu bùng phát đại dịch, Paraguay và Uruguay vẫn được ca ngợi là sự thành công ở khu vực Mỹ Latinh trong việc khống chế dịch COVID-19. Nhưng kể từ tháng 3, hai quốc gia này đã phải chứng kiến sự bùng nổ của các ca mắc mới, phần lớn là do biến thể phát hiện lần đầu tiên ở Brazil gây ra và sự nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

4876.jpg

Ở Uruguay, thậm chí chương trình tiêm chủng cũng không thể ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trong khi đó Paraguay phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp khi nghèo đói kéo dài, hệ thống y tế thiếu hụt trầm trọng và những vấn đề tham nhũng của chính phủ.

Tại Argentina tình hình cũng không khả quan hơn, COVID-19 đã trở thành nguyên nhân gây tử vong chính tại nước này, vượt xa bệnh tim và ung thư với trung bình 528 ca tử vong mỗi ngày trong hai tuần qua.

Claudio Belocoppitt, người đứng đầu Liên minh Y tế Argentina (UAS) cho rằng các vấn đề về kinh tế và xã hội của Argentina là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do COVID-19 tăng cao. “Chỉ số đói nghèo của chúng tôi đã tăng lên rất nhiều trong thập niên qua, tỷ lệ lạm phát cũng ở mức cao nhất trên thế giới. Vậy tại sao lại kỳ vọng chúng tôi trở thành những thiên tài trong việc đẩy lùi dịch bệnh?”, Claudio chia sẻ.

Chương trình tiêm chủng ở Argentina đang được triển khai với sự đa dạng của các loại vắc xin như Sputnik V, Sinopharm và AstraZeneca. Cho đến nay, gần 40% dân số nước này đã được tiêm ít nhất 1 liều và gần 8% được tiêm đầy đủ 2 liều.

Brazil đang sắp chạm đến cột mốc 500.000 người chết do COVID-19. Trong ngày 18.6, nước này đã ghi nhận 74.042 ca mắc mới và 2.311 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua.

Với số người chết trung bình hằng ngày là 2.000 ca, Brazil đang trở thành nước có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất trên thế giới. Một số quốc gia, bao gồm cả nước láng giềng Argentina đã hạn chế nhập cảnh với các du khách Brazil.

“Nếu Brazil không coi trọng đại dịch, nó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực lân cận và hơn thế nữa. Đó không chỉ là vấn đề riêng của Brazil”, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

4000.jpg

Biến động chính trị và hệ thống y tế yếu kém cũng đang gây những thiệt hại nặng cho Peru. Mới đây nước này đã điều chỉnh số liệu về ca tử vong do COVID-19 lên hơn 180.000, cao gấp 3 lần dữ liệu được công bố trước đó, trở thành nước có tỷ lệ tử vong tính theo đầu người cao nhất thế giới.

Peru là một trong những quốc gia áp đặt lệnh phong tỏa sớm và nghiêm ngặt nhất ở Mỹ Latin vào tháng 3.2020, trước Anh và một số nước châu Âu khác. Lệnh phong tỏa tại Peru đã kéo dài đến cuối tháng 6.2020.

Lệnh giới nghiêm được áp đặt và người dân chỉ có thể rời khỏi nhà để mua nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, số ca nhiễm COVID-19 và số ca tử vong do dịch bệnh ở Peru vẫn tiếp tục gia tăng.

Peru đã áp đặt lệnh phong tỏa lần thứ 2 vào tháng 1.2021 ở thủ đô Lima và 9 khu vực khác sau khi số ca mắc COVID-19 tăng vọt khiến nhiều bệnh viện trở nên quá tải. Các chuyên gia cho rằng, hệ thống y tế của Peru không được chuẩn bị đầy đủ và thiếu kinh phí.

Ngoài ra, Peru còn phải đối mặt với tình trạng thiếu oxy để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Cả nước chỉ có khoảng 1.600 giường bệnh trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt, ít hơn nhiều so với một số nước láng giềng.

Chiến dịch tiêm vắc xin của Peru vẫn còn diễn ra khá chậm chạp, gần 7% dân số cả nước đã được tiêm chủng đầy đủ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nam Mỹ điêu đứng do COVID-19 hoành hành