Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) vẫn còn được lưu giữ và đang phát triển mạnh mẽ cùng với du lịch.
Văn hóa

Nét văn hóa độc đáo ở làng dệt thổ cẩm người Chăm An Giang

Tô Văn 14/07/2024 17:11

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) vẫn còn được lưu giữ và đang phát triển mạnh mẽ cùng với du lịch.

Không có ý nghĩ từ bỏ…

Đời sống của đồng bào Chăm tại tỉnh An Giang gắn chặt với thiên nhiên. Chính thiên nhiên đã che chở, ban cho họ nguồn lương thực, thực phẩm và cả những chất liệu làm nên những nông cụ phục vụ cuộc sống hay tạo ra những sản phẩm văn hóa thể hiện bản sắc riêng, độc đáo của mình.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống chính là một minh chứng cho sức sáng tạo, tư duy thẩm mỹ và đời sống tinh thần phong phú của người Chăm. Hiện nay, tỉnh An Giang có hơn 3.200 hộ với khoảng 15.000 người Chăm sinh sống, chiếm 0,61% dân số toàn tỉnh, tập trung ở thị xã Tân Châu.

Theo truyền thống, việc buôn bán của đồng bào Chăm thường do nam giới đảm nhiệm, phụ nữ chăm sóc chồng con, lo việc bếp núc và làm nghề dệt thủ công truyền thống, dần hình thành nên làng dệt.

Đồng bào Chăm ở thị xã Tân Châu cũng không biết nghề dệt có từ khi nào, nhưng một khu nghĩa địa cổ của người Chăm có bia khắc từ năm 1.700, nên nhiều người dự đoán nghề dệt thổ cẩm đã có từ rất lâu đời.

1-cham.jpg
Phụ nữ Chăm (ngụ xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) bên khung dệt thổ cẩm - Ảnh: Tô Văn

Bà Maridam (thợ dệt thổ cẩm làng Chăm, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) cho biết, bà đến với dệt thổ cẩm từ khi còn ít tuổi, khoảng 12-13 tuổi. Bà thấy mẹ mình ngồi dệt nên tò mò đến ngắm nghía và tập dệt theo. Vừa dệt mẹ vừa kể cho bà nghe những câu chuyện vui về cuộc sống và dạy bà trở thành một cô gái Chăm vừa đảm đang, vừa khéo léo và tỉ mỉ qua cách dệt mỗi tấm thổ cẩm.

Rồi cứ thế, những tấm vải dệt do bà Maridam làm ra ngày càng tinh xảo, đẹp nên được mẹ bà “đặt hàng” mang ra chợ bán cho những người có nhu cầu mua về may áo, làm quà hoặc du khách mua về làm kỷ niệm.

Bà vẫn nhớ, ngày xưa, mẹ bà tự trồng dâu nuôi tằm lấy tơ dệt vải. Chính những tấm vải được dệt bằng đôi tay khéo léo, tỉ mỉ của mẹ đã giúp gia đình có thu nhập; nuôi dưỡng từng người con như bà trưởng thành, khôn lớn. Vì vậy, hiện nay nghề dệt thổ cẩm không còn ở thời kỳ đỉnh cao như ngày trước nhưng bà chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ hẳn nghề dệt.

Nét độc đáo trong cách dệt thổ cẩm của người Chăm

Trên các sản phẩm dệt thổ cẩm, thứ tạo nên bản sắc riêng của văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm khó để nhầm lẫn với hoa văn trang trí của các dân tộc khác chính là cách phối màu. Các màu sắc sáng, tối, nóng, lạnh được xử lý rất hài hòa, khéo léo.

Ngoài ra, kỹ thuật dệt làm cho hoa văn nổi lên giữa nền vải và đường chỉ ngang mà không bị che khuất giữa các màu cũng rất độc đáo. Khung dệt có 2 loại là dệt xà rông và dệt thổ cẩm. Khung dệt xà rông khổ rộng 1,2m, gồm có các bộ phận chính: khung dệt, go, trục quấn sợi, bàn dập, thoi, văng, trục quấn vải. Khung dệt thổ cẩm nhìn giống khung dệt xà rông nhưng có kích thước lớn hơn.

Tùy theo dệt xà rông tơ hay dệt thổ cẩm mà số lượng go nhiều hay ít. Số lượng go trên khung dệt quyết định loại hoa văn trên vải. Thông thường, khung dệt xà rông và khăn choàng thì mỗi khung dệt chỉ cần 4 bàn go, còn khung dệt thổ cẩm từ 8 - 10 bàn go. Hoa văn trên vải càng phức tạp thì số go càng nhiều và ngược lại.

Riêng đối với kỹ thuật dệt thổ cẩm, người Chăm dùng những phương pháp đặc biệt, gọi là mắc canh, để tính kích thước vải, số sợi chỉ, tạo mẫu hoa văn trang trí trên vải từ cảm hứng lấy từ các hình ảnh, biểu tượng của thiên nhiên như: bông dâu, bông bứa, mặt võng, mặt đệm, mặt cưa, kẻ sọc, ô vuông, hoa văn nhà cổ, vân mây, hoa mây…

Có thể nói, cách tạo hoa văn trên vải thổ cẩm là cả một nghệ thuật và đòi hỏi người thợ phải có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật cao mới có thể thực hiện được. Làng dệt hiện chỉ có 3 người thực hiện được công đoạn này.

Điểm độc đáo trong kỹ thuật nhuộm màu tơ vải truyền thống của người Chăm là màu sắc sặc sỡ thường được lấy từ cây lá thiên nhiên. Các màu chủ đạo như: trắng, vàng, đỏ, đỏ sẫm, tím đỏ, đen, xanh được tạo ra từ vỏ và lá cây.

Đặc biệt hơn, nhuộm tơ thành màu lá cây xanh biếc có lẫn ánh vàng rực rỡ, óng ả được lấy từ vỏ cây "pà huk" mọc trên núi của vùng Thất Sơn (An Giang). Sản phẩm tơ vải của làng nghề không phai màu mà càng mặc lâu thì màu lại càng bóng. Có lẽ vì vậy mà các nước phương Tây rất chuộng sản phẩm dệt bằng màu tự nhiên của vùng này.

Theo những người thợ dệt lâu năm ở Châu Phong, ban đầu làng dệt chỉ đơn thuần sản xuất sà rông, khăn đội và nón để phục vụ cộng đồng là chính.

Thời gian sau, khi du lịch phát triển, nhiều khách tham quan đến đề nghị mở rộng thêm các mặt hàng phù hợp cho nhiều đối tượng. Thế nên các thợ dệt đã làm ra nhiều sản phẩm, trong đó, mặt hàng được du khách yêu thích nhất là khăn choàng, nón, túi xách, balo, móc khóa, ví… với đa dạng kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc, hoa văn.

2-cham.jpg
Trên các sản phẩm dệt thổ cẩm, thứ tạo nên bản sắc riêng của văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm khó để nhầm lẫn với hoa văn trang trí của các dân tộc khác - Ảnh: Tô Văn

Làng nghề trở mình một cách mạnh mẽ

Để níu giữ truyền thống và nếp văn hóa của người Chăm, UBND tỉnh An Giang đã có chủ trương hỗ trợ phục hồi nghề dệt. Các nghệ nhân tâm huyết với nghề đã thành lập HTX dệt Châu Giang tại ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, tập hợp các khung dệt của địa phương vào sản xuất. Nghệ nhân, thợ dệt được tập trung lại để khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm và bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Chăm, đồng thời UBND tỉnh An Giang cũng đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ để làng nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở xã Châu Phong phát triển trở lại như: hỗ trợ vay vốn, tăng cường giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nhiều nơi trong cả nước, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử. Vào tháng 3.2023, làng nghề dệt thổ cẩm Châu Phong được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Mohamad (chủ cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống làng Chăm Châu Phong) - người gắn bó với nghề dệt thổ cẩm đã gần 50 năm, chia sẻ: “Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của gia đình, đến nay truyền từ đời ông bà, cha mẹ, rồi đến tôi. Tôi được ba mẹ truyền nghề từ năm 14 - 15 tuổi, bắt đầu từ những việc nhỏ như phơi chỉ, xả chỉ, rồi dần dần ba mẹ truyền các kỹ thuật khác.

Trong khoảng 70 - 80 năm, gia đình chúng tôi gắn bó, trải qua rất nhiều thăng trầm, đến nay cũng không còn thịnh vượng như xưa. Những năm gần đây, sợ nghề dệt thổ cẩm cũng như những văn hóa nơi đây bị mai một nên làng Chăm chúng tôi đã có những đổi mới, sáng tạo, chú trọng văn hóa truyền thống trong làm kinh tế du lịch. Hiện tại, chúng tôi có kết hợp tổ chức các tour du lịch để du khách trải nghiệm. Tour trải nghiệm này được bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng mỗi ngày”.

Trong khi đó, bà Maridam bộc bạch: “Với mong muốn lưu giữ nghề truyền thống của cha ông để lại, việc truyền dạy và chỉ bảo nghề cho người khác tôi sẽ thực hiện miễn phí. Tôi và các học viên chỉ tranh thủ những lúc rảnh rỗi để dạy và học nên không có hóa học hay lớp học cụ thể cũng không có giấy chứng nhận mở lớp hay chứng nhận học viên".

"Ngoài ra, nếu du khách đến đây tham quan sẽ được chúng tôi tận tình hướng dẫn, chỉ dạy cho biết từng con thoi, sợi chỉ, cách nhuộm màu. Với cách làm này, chúng tôi không chỉ giúp mọi người hiểu hơn về văn hóa của dân tộc mình mà còn giúp giữ gìn, bảo tồn văn hóq của dân tộc. Đây cũng là điểm nhấn hấp dẫn, níu chân du khách quay lại với làng Chăm”, bà Maridam cho biết thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
17 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nét văn hóa độc đáo ở làng dệt thổ cẩm người Chăm An Giang