Không lâu sau khi các công ty khởi nghiệp ở bang California (Mỹ) bắt đầu rút tiền ra khỏi Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), các doanh nhân ở những nơi khác trên thế giới bắt đầu xôn xao vì tin tức này.

Ngân hàng Thung lũng Silicon sụp đổ ảnh hưởng đến công nghệ toàn cầu như thế nào?

Sơn Vân | 14/03/2023, 12:29

Không lâu sau khi các công ty khởi nghiệp ở bang California (Mỹ) bắt đầu rút tiền ra khỏi Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), các doanh nhân ở những nơi khác trên thế giới bắt đầu xôn xao vì tin tức này.

SVB phá sản hôm 10.3. Chỉ trong ngày 9.3, tổng số tiền bị rút ra khỏi SVB lên đến 42 tỉ USD, tương đương 1/4 tổng số tiền gửi tại đây. Cùng lúc đó, cổ phiếu SVB giảm sâu trong bối cảnh sự sụt giảm nghiêm trọng về giá trị các khoản đầu tư mà họ nắm giữ đã gây sốc cho Phố Wall và những người gửi tiền.

Khoảng 90% tiền mặt của chúng tôi là ở SVB”, Sam Franklin (28 tuổi, Giám đốc điều hành công ty tuyển dụng Otta chuyên về nhân tài công nghệ, có trụ sở tại London, thủ đô Anh), cho biết. Sam Franklin phải bỏ những công việc cá nhân cuối tuần để tìm cách trả lương cho nhân viên của mình vào cuối tháng 3.

Tại Hồng Kông, Florian Simmendinger, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty thiết bị đeo Soundbrenner, đã bỏ lỡ thời điểm bắt đầu cơn hoảng loạn của SVB Financial Group (công ty mẹ của SV) ở bang California vào tuần trước, nhưng nhanh chóng bắt kịp.

"Chúng tôi đã không còn có thể đăng nhập vào tài khoản của mình trong giờ làm việc thông thường", Florian Simmendinger nói.

Trong khi những tác động toàn cầu do Ngân hàng Thung lũng Silicon phá sản chỉ mới xuất hiện, có một điều rõ ràng: Các công ty khởi nghiệp công nghệ, dù cách xa nhau đến đâu, đều gắn bó với nhau. Nhiều công ty phụ thuộc vào một ngân hàng cỡ trung duy nhất cho các hoạt động hàng ngày của họ.

Theo sau các đồng nghiệp ở California, các công ty khởi nghiệp ở châu Âu và châu Á đã hướng tới SVB, ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ vào năm ngoái, cái tên gây tiếng vang trong giới công nghệ và cung cấp cho họ các dịch vụ tài chính chuyên biệt.

Quincy Lee, người sáng lập công ty khởi nghiệp sạc xe điện Electra Era có trụ sở tại thành phố Seattle (Mỹ), đã cố gắng chuyển hàng triệu USD ra khỏi SVB vào chiều 9.3 khi những tín hiệu cảnh báo ngày càng nhiều.

Trang web SVB đã ngừng hoạt động, tràn ngập lưu lượng truy cập. Một nhân viên dịch vụ khách hàng nói với Quincy Lee qua điện thoại rằng có thể có sự chậm trễ vì quá nhiều người đang cố gắng rút tiền. Đến chiều 13.3, Quincy Lee đã rút được tiền thành công và đang tìm kiếm một ngân hàng thay thế.

Sau một ngày cuối tuần thảo luận căng thẳng về tương lai SVB, các nhà quản lý Mỹ đã tiết lộ một kế hoạch tài trợ khẩn cấp cho phép khách hàng ngân hàng này tiếp cận với tất cả các khoản tiền gửi của họ.

Bộ trưởng Tài chính Anh - Jeremy Hunt cho biết chính phủ cùng Ngân hàng Trung ương Anh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán riêng chi nhánh SVB tại Vương quốc Anh cho HSBC. Đây là động thái nhằm bảo vệ tiền gửi mà không cần sự hỗ trợ từ ngân sách quốc gia.

Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cũng đảm bảo với người tiêu dùng rằng SVB có "sự hiện diện rất hạn chế" trong khối này. Christoph Stresing, Giám đốc điều hành Hiệp hội Các công ty khởi nghiệp Đức, cũng tỏ ra lạc quan thận trọng rằng các công ty trong nước sẽ không bị ảnh hưởng quá nặng.

Tuy nhiên, các cổ phiếu châu Âu đã giảm giá do lo ngại về ngành ngân hàng, thậm chí cả những công ty khởi nghiệp không giao dịch với SVB cũng đang đua nhau tìm kiếm giải pháp.

Rachael Crook, người sáng lập và Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe Lifted có trụ sở tại London, nói: “Thật khó để hiểu SVB có mức độ liên kết với hệ sinh thái công ty khởi nghiệp như thế nào”. Cuối tuần qua, bà Rachael Crook xoa dịu các nhà đầu tư và đảm bảo rằng các nhà cung cấp dịch vụ quan trọng sẽ không bị ảnh hưởng, sau khi những giám đốc điều hành bày tỏ lo ngại về việc một đối tác tài chính quan trọng có tiền được gửi tại SVB.

Aleksandr Volodarsky, Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp Lemon.io (Ukraine), đang sử dụng dịch vụ ngân hàng của SVB tại Mỹ, cho biết ông đã bắt đầu thảo luận về việc SVB phá sản với các doanh nhân khác trong khu vực từ ngày 9.3.

"Chúng tôi đã bắt đầu chuyển khoản vào sáng 10.3 và vẫn không có gì xảy ra. Chúng tôi đã may mắn vì vừa thanh toán cho các nhà phát triển và kỹ sư chỉ hai ngày trước đó", Aleksandr Volodarsky nói.

ngan-hang-thung-lung-silicon-anh-huong-den-cong-nghe-toan-cau.jpg
Người đàn ông xem biển báo trước cửa trụ sở chính Ngân hàng Thung lũng Silicon ở thành phố Santa Clara, bang California - Ảnh: Reuters

Các công ty khởi nghiệp Trung Quốc chuyển tiền khỏi SVB

SPD Silicon Valley Bank (SSVB), liên doanh của SVB có trụ sở tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), cho biết họ có cơ cấu doanh nghiệp lành mạnh và bảng cân đối kế toán độc lập.

SSVB luôn hoạt động ổn định theo luật pháp và quy định của Trung Quốc, với khuôn khổ quản trị tiêu chuẩn và bảng cân đối kế toán độc lập”, liên doanh giữa Shanghai Pudong Development Bank (Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải) và SVB cho biết trên tài khoản WeChat của mình hôm 11.3.

SSVB là ngân hàng công nghệ và đổi mới đầu tiên của Trung Quốc, đồng thời là ngân hàng liên doanh Trung - Mỹ đầu tiên.

SVB là một trong số ít ngân hàng giúp các công ty mới thành lập dễ dàng mở tài khoản ngân hàng để nhận vốn bằng USD. Thế nên, đây là ngân hàng nước ngoài chi phối các công ty giai đoạn đầu ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều công ty khởi nghiệp và quản lý quỹ của Trung Quốc đang tìm cách chuyển tiền ra khỏi chi nhánh SVB tại Mỹ.

Luật sư một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Trung Quốc cho biết gần như tất cả tiền mặt hoạt động các hãng trong danh mục đầu tư của họ cũng như tiền mặt hoạt động công ty này, được lưu trữ tại SVB. Công ty đầu tư mạo hiểm này dành cả cuối tuần để lên chiến lược cho các giải pháp thay thế.

Sau cuối tuần đầy biến động, Giám đốc điều hành Otta - Sam Franklin nói công ty của ông sẽ tiếp tục giao dịch với chi nhánh SVB ở Vương quốc Anh và mở thêm tài khoản tại nhiều ngân hàng hơn.

"Quá trình học hỏi lớn với nhiều người trong ngành này là: Nếu có rất nhiều tiền mặt, bạn nên phân tán nó", Sam Franklin nói.

Các hãng khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc náo động vì SVB sụp đổ

SVB phá sản đã tạo ra cảm giác hoang mang trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ và đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc. Lý do vì SVB đóng vai trò là cầu nối giữa Mỹ và các doanh nhân công nghệ Trung Quốc.

Đây là vụ ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ và lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Theo trang SCMP, các chủ đề liên quan đến sự sụp đổ của SVB, bao gồm cả “SVB phá sản đã lan rộng ra nhiều quốc gia” và “SVB phá sản ảnh hưởng đến các doanh nhân Trung Quốc”, trở thành xu hướng trên mạng xã hội Weibo, với các bài đăng nhận được hàng trăm triệu lượt xem.

Trong khi hầu hết công ty công nghệ và ngân hàng Trung Quốc đã tránh bình luận công khai về sự sụp đổ của SVB, việc đó gây lo ngại cho các nhà đầu tư mạo hiểm và các công ty khởi nghiệp ở nước này. Nhiều người trong số họ coi SVB là cơ hội vàng để tiếp cận thị trường vốn Mỹ.

"Nhiều công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã nhận được tiền từ các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon trong giai đoạn đầu", Zheng Lei, giáo sư trợ giảng tại Viện Tài chính Thâm Quyến thuộc Đại học Trung văn Hồng Kông, cho biết.

Ông nói thêm rằng SVB sụp đổ sẽ ảnh hưởng đến cơ hội của các công ty khởi nghiệp chưa niêm yết của Trung Quốc nhận được đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon.

Fu Jian, Giám đốc công ty luật Henan Zejin, nói: “SVB sụp đổ đã làm giảm niềm tin của các công ty Trung Quốc vào các ngân hàng nước ngoài, vì vậy họ sẽ thận trọng hơn khi xem xét các quỹ bằng USD”.

Với một số công ty mới thành lập, nhà đầu tư mạo hiểm và công ty cổ phần tư nhân, SVB là một lựa chọn tốt để tiếp cận thị trường vốn Mỹ vì ngân hàng này cung cấp “không chỉ nguồn lực kinh doanh dồi dào mà còn có nhiều cơ hội kết nối ở Mỹ”, theo Fu Jian.

Garry Tan, Giám đốc điều hành Y Combinator, vườn ươm khởi nghiệp nổi tiếng ở Mỹ, đã đi xa đến mức gọi "sự sụp đổ của SVB có thể gây tác động lớn đến các công ty mới muốn khởi nghiệp, làm giảm sự sáng tạo và phát triển của họ trong ít nhất 10 năm".

Meituan (Trung Quốc) đã thông báo với các nhà đầu tư rằng công ty hiện không có tiền gửi tại SVB, theo một bài viết trên Star Market Daily, ấn phẩm của phương tiện truyền thông Jiemian. Meituan là hãng công nghệ của Trung Quốc được thành lập vào năm 2010, cung cấp các dịch vụ trực tuyến, bao gồm đặt đồ ăn, đặt phòng khách sạn và vé giải trí, đặt xe taxi và dịch vụ giao hàng nhanh.

Phát ngôn này được đưa ra sau khi các cuộc thảo luận lan truyền trực tuyến rằng Wang Xing, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Meituan, đã giới thiệu khoản tiền gửi 60 triệu USD của Meituan tại SVB tại cuộc họp báo nhiều năm trước, khi công ty nhận được khoản tài trợ vòng B vào năm 2011.

Hôm 11.3, liên doanh Trung Quốc của SVB cho biết hoạt động của họ vẫn độc lập và ổn định, đồng thời tìm cách xoa dịu các khách hàng địa phương trong bối cảnh công ty mẹ ở Mỹ sụp đổ.

Đến nay, không có hãng công nghệ hay đầu tư mạo hiểm nào của Trung Quốc công khai thừa nhận chịu tổn thất do SVB phá sản.

Zhang Shule, nhà phân tích tại CBJ Think Tank, nhận xét: “Các công ty khởi nghiệp công nghệ sẽ có nhu cầu mở tài khoản tại SVB trong khi tìm kiếm nguồn tài chính bằng USD. Sự sụp đổ như vậy chắc chắn sẽ khiến các công ty khởi nghiệp công nghệ nhỏ trong nước với khả năng quản lý rủi ro kém, có mối lo ngại lớn hơn về các quỹ USD”.

Cơ sở khách hàng của SVB chủ yếu là các doanh nghiệp đổi mới khoa học và công nghệ, vốn rất nhạy cảm với thanh khoản và chu kỳ công nghệ”, China International Capital Corporation (công ty dịch vụ tài chính và quản lý đầu tư đa quốc gia thuộc sở hữu một phần của Trung Quốc), cho biết trong một báo cáo được công bố hôm 12.3.

China International Capital Corporation nói thêm rằng không nên đánh giá thấp tác động vì các ngân hàng khác có mức độ rủi ro tương tự khi các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa kết thúc.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng tác động có thể bị hạn chế ở Trung Quốc, do phạm vi các công ty khởi nghiệp công nghệ nước này không quá lớn.

Quy mô chung của các công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc còn hạn chế và họ có nhiều lựa chọn với các ngân hàng Mỹ. Trong khi đó, hầu hết họ vẫn đặt vốn ở Trung Quốc. Với những công ty lớn như Meituan, có khả năng họ đã chuyển sang SVB trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Nhưng khi đạt đến một quy mô nhất định, công ty như vậy sẽ có xu hướng gửi tiền trở lại các ngân hàng trong nước để có thể xoay vòng vốn nhanh chóng”, Zhang Shule nói.

Zheng Lei cho biết các hãng công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp nếu không gửi tiền vào SVB.

Các nhà đầu tư và chủ nợ của SVB vẫn có cơ hội thu hồi khoản lỗ vì họ có quyền tham gia vào quá trình tái cấu trúc tài sản của SVB”, Zheng Lei nói.

Bài liên quan
'Công chúa Huawei' được Mỹ bác bỏ cáo buộc lừa đảo ngân hàng
Các công tố viên Mỹ hôm 1.12 đã yêu cầu thẩm phán bác bỏ hành vi lừa đảo ngân hàng và các cáo buộc khác với bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính Huawei (Trung Quốc).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng Thung lũng Silicon sụp đổ ảnh hưởng đến công nghệ toàn cầu như thế nào?