Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) phá sản đã tạo ra cảm giác hoang mang trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ và đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc. Lý do vì SVB đóng vai trò là cầu nối giữa Mỹ và các doanh nhân công nghệ Trung Quốc.

Ngân hàng Thung lũng Silicon sụp đổ làm rung chuyển các startup công nghệ Trung Quốc

Sơn Vân | 13/03/2023, 00:39

Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) phá sản đã tạo ra cảm giác hoang mang trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ và đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc. Lý do vì SVB đóng vai trò là cầu nối giữa Mỹ và các doanh nhân công nghệ Trung Quốc.

Đây là vụ ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ và lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Theo trang SCMP, kể từ chiều 12.3, các chủ đề liên quan đến sự sụp đổ của SVB, bao gồm cả “SVB phá sản đã lan rộng ra nhiều quốc gia” và “SVB phá sản ảnh hưởng đến các doanh nhân Trung Quốc”, đang là xu hướng trên mạng xã hội Weibo, với các bài đăng nhận được hàng trăm triệu lượt xem.

Có phải cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 lại xảy ra?” là câu hỏi của người dùng Weibo có nickname MaxC.

Trong khi hầu hết công ty công nghệ và ngân hàng Trung Quốc đã tránh bình luận công khai về sự sụp đổ của SVB, việc này gây lo ngại cho các nhà đầu tư mạo hiểm và các công ty khởi nghiệp ở nước này. Nhiều người trong số họ coi SVB là cơ hội vàng để tiếp cận thị trường vốn Mỹ.

"Nhiều công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã nhận được tiền từ các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon trong giai đoạn đầu", Zheng Lei, giáo sư trợ giảng tại Viện Tài chính Thâm Quyến thuộc Đại học Trung văn Hồng Kông, cho biết.

Ông nói thêm rằng SVB sụp đổ sẽ ảnh hưởng đến cơ hội của các công ty khởi nghiệp chưa niêm yết của Trung Quốc nhận được đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon.

Fu Jian, Giám đốc công ty luật Henan Zejin, nói: “SVB sụp đổ đã làm giảm niềm tin của các công ty Trung Quốc vào các ngân hàng nước ngoài, vì vậy họ sẽ thận trọng hơn khi xem xét các quỹ bằng USD”.

Với một số công ty mới thành lập, nhà đầu tư mạo hiểm và công ty cổ phần tư nhân, SVB là một lựa chọn tốt để tiếp cận thị trường vốn Mỹ vì ngân hàng này cung cấp “không chỉ nguồn lực kinh doanh dồi dào mà còn có nhiều cơ hội kết nối ở Mỹ”, theo Fu Jian.

Garry Tan, Giám đốc điều hành Y Combinator, vườn ươm khởi nghiệp nổi tiếng ở Mỹ, đã đi xa đến mức gọi "sự sụp đổ của SVB có thể gây tác động lớn đến các công ty mới muốn khởi nghiệp, làm giảm sự sáng tạo và phát triển của họ trong ít nhất 10 năm".

Meituan (Trung Quốc) đã thông báo với các nhà đầu tư rằng công ty hiện không có tiền gửi tại SVB, theo một bài viết trên Star Market Daily, ấn phẩm của phương tiện truyền thông Jiemian. Meituan là hãng công nghệ của Trung Quốc được thành lập vào năm 2010, cung cấp các dịch vụ trực tuyến, bao gồm đặt đồ ăn, đặt phòng khách sạn và vé giải trí, đặt xe taxi và dịch vụ giao hàng nhanh.

Phát ngôn này được đưa ra sau khi các cuộc thảo luận lan truyền trực tuyến rằng Wang Xing, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Meituan, đã giới thiệu khoản tiền gửi 60 triệu USD của Meituan tại SVB tại cuộc họp báo nhiều năm trước, khi công ty nhận được khoản tài trợ vòng B vào năm 2011.

ngan-hang-thung-lung-silicon-sup-do-lam-rung-chuyen-cac-startup-cong-nghe-trung-quoc.jpg
Cánh cửa bị khóa dẫn đến một địa điểm của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở thành phố Menlo Park, California, Mỹ ngày 10.3 - Ảnh: Reuters

Hôm 11.3, liên doanh Trung Quốc của SVB cho biết hoạt động của họ vẫn độc lập và ổn định, tìm cách xoa dịu các khách hàng địa phương trong bối cảnh công ty mẹ ở Mỹ sụp đổ.

SPD Silicon Valley Bank Co luôn hoạt động ổn định theo luật pháp và quy định của Trung Quốc, với khuôn khổ quản trị tiêu chuẩn và bảng cân đối kế toán độc lập”, liên doanh giữa Shanghai Pudong Development Bank (Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải) và SVB cho biết trên tài khoản WeChat của mình

Đến nay, không có hãng công nghệ hay đầu tư mạo hiểm nào của Trung Quốc công khai thừa nhận chịu tổn thất do SVB phá sản.

Zhang Shule, nhà phân tích tại CBJ Think Tank, nhận xét: “Các công ty khởi nghiệp công nghệ sẽ có nhu cầu mở tài khoản tại SVB trong khi tìm kiếm nguồn tài chính bằng USD. Sự sụp đổ như vậy chắc chắn sẽ khiến các công ty khởi nghiệp công nghệ nhỏ trong nước với khả năng quản lý rủi ro kém, có mối lo ngại lớn hơn về các quỹ USD”.

Cơ sở khách hàng của SVB chủ yếu là các doanh nghiệp đổi mới khoa học và công nghệ, vốn rất nhạy cảm với thanh khoản và chu kỳ công nghệ”, China International Capital Corporation (công ty dịch vụ tài chính và quản lý đầu tư đa quốc gia thuộc sở hữu một phần của Trung Quốc), cho biết trong một báo cáo được công bố hôm 12.3.

China International Capital Corporation nói thêm rằng không nên đánh giá thấp tác động vì các ngân hàng khác có mức độ rủi ro tương tự khi các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa kết thúc.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng tác động có thể bị hạn chế ở Trung Quốc, do phạm vi các công ty khởi nghiệp công nghệ nước này không quá lớn.

Quy mô chung của các công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc còn hạn chế và họ có nhiều lựa chọn với các ngân hàng Mỹ. Trong khi đó, hầu hết họ vẫn đặt vốn ở Trung Quốc. Với những công ty lớn như Meituan, có khả năng họ đã chuyển sang SVB trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Nhưng khi đạt đến một quy mô nhất định, công ty như vậy sẽ có xu hướng gửi tiền trở lại các ngân hàng trong nước để có thể xoay vòng vốn nhanh chóng”, Zhang Shule nói.

Zheng Lei cho biết các hãng công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp nếu không gửi tiền vào SVB.

Các nhà đầu tư và chủ nợ của SVB vẫn có cơ hội thu hồi khoản lỗ vì họ có quyền tham gia vào quá trình tái cấu trúc tài sản của SVB”, Zheng Lei nói.

elon-musk-up-mo-viec-mua-lai-ngan-hang-thung-lung-silicon1.jpg
Một khách hàng đọc thông cáo báo chí ở lối vào trụ sở Ngân hàng Thung lũng Silicon vào ngày 10.3 - Ảnh: Bloomberg

Là ngân hàng 40 năm tuổi có trụ sở tại hạt Santa Clara (bang California), lớn thứ 16 tại Mỹ và một trong những nhà cho vay nổi bật nhất trong thế giới khởi nghiệp công nghệ, SVB phá sản hôm 10.3 buộc chính phủ Mỹ phải can thiệp.

Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ, ngày 10.3 cho biết sẽ tiếp quản SVB.

Động thái này đặt gần 175 tỉ USD tiền gửi của khách hàng tại SVB dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, vụ việc tạm thời chưa gây ra lo lắng về những tác động nghiêm trọng hơn trong lĩnh vực tài chính hoặc nền kinh tế toàn cầu.

Sự sụp đổ của SVB xảy ra 2 ngày sau khi hàng loạt khách hàng, chủ yếu là người làm trong lĩnh vực công nghệ và các công ty được hỗ trợ bởi vốn mạo hiểm, đồng loạt rút tiền tại ngân hàng này.

Chỉ trong ngày 9.3, tổng số tiền bị rút ra khỏi SVB lên đến 42 tỉ USD, tương đương 1/4 tổng số tiền gửi tại đây. Cùng lúc đó, cổ phiếu SVB giảm sâu trong bối cảnh sự sụt giảm nghiêm trọng về giá trị các khoản đầu tư mà họ nắm giữ đã gây sốc cho Phố Wall và những người gửi tiền.

Theo hãng tin AP, sức khỏe tài chính của SVB ngày càng bị nghi ngờ trong tuần này sau khi ngân hàng công bố kế hoạch huy động tới 1,75 tỉ USD để củng cố vị thế vốn của mình trong bối cảnh có những lo ngại về việc lãi suất sẽ tiếp tục tăng cũng như về hiện trạng nền kinh tế. Dù vậy, nỗ lực huy động vốn đã thất bại và SVB buộc tìm cách bán lại chính mình.

Với tài sản trị giá 209 tỉ USD vào cuối năm 2022, SVB đã làm việc cùng các chuyên gia tài chính cho đến sáng 10.3 để tìm người mua lại, theo tờ The New York Times. FDIC đã không công bố người mua tài sản của SVB, việc thường xảy ra khi có một ngân hàng ngừng hoạt động theo trình tự.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng Thung lũng Silicon sụp đổ làm rung chuyển các startup công nghệ Trung Quốc