Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, hàng loạt di tích lịch sử ở Hà Nội thông báo mở cửa miễn phí đón tiếp du khách tới tham quan.
Văn hóa

Ngày Di sản văn hóa Việt Nam: Nhiều di tích ở Hà Nội mở cửa miễn phí

Tuyết Nhung 17:40 23/11/2024

Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, hàng loạt di tích lịch sử ở Hà Nội thông báo mở cửa miễn phí đón tiếp du khách tới tham quan.

Tại Hà Nội, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Cổ Loa mở cửa miễn phí cho tất cả du khách trong ngày 23.11.

nga-di-san-viet-nam.jpg
Trống Sấm - trống lớn nhất Việt Nam năm 2000, được đặt trang trọng tại khuôn viên Thái Học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Đặc biệt, tại Hoàng thành Thăng Long, du khách có thể theo dõi chương trình múa rối nước vào các khung giờ: 9 giờ, 10 giờ, 15 giờ và 16 giờ. Tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ), sẽ diễn ra triển lãm "Đồng Ta" giới thiệu về lịch sử văn hóa Đông Sơn và nghề đúc đồng truyền thống.

Vào tối 23.11, không gian này sẽ vang lên những giai điệu đặc sắc trong đêm hòa nhạc di sản cổ truyền do nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc và Nhã nhạc Cung đình Huế biểu diễn.

Dịp này, tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, du khách có thể tham quan không gian giới thiệu nghệ thuật Trà Việt do nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn thực hiện vào các ngày 22-23.11.

Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Di sản (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch), tính đến giữa năm 2024, trên toàn quốc có hơn 40.000 di tích, trong đó có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.621 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích cấp tỉnh.

Về di sản văn hóa phi vật thể, có khoảng 70.000 di sản đã được kiểm kê trên địa bàn cả nước, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; 9 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO; 498 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 265 hiện vật, nhóm hiện vật đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Số liệu 5 năm (2016-2020) cho thấy, tổng số lượng khách du lịch tại các khu di sản thế giới ở Việt Nam năm 2016 là 14,3 triệu khách, năm 2019 tăng lên khoảng 18,2 triệu khách.

Tổng doanh thu từ bán vé tham quan, dịch vụ tại các khu di sản thế giới ở Việt Nam năm 2016 khoảng 1.776 tỉ đồng, năm 2019 đạt khoảng 2.322 tỉ đồng. Từ năm 2020, do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 nên số lượng du khách và doanh thu giảm mạnh, nhưng đang dần phục hồi.

Ngày 24.2.2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc lấy ngày 23.11 là "Ngày Di sản văn hóa Việt Nam".

Mục đích của việc tạo ngày này là phát huy truyền thống, ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam; động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đây cũng là dịp để khơi gợi, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân.

Hằng năm, vào ngày này, các điểm tham quan di sản trên cả nước thường tổ chức các hoạt động miễn phí vé, thu hút đông đảo người dân và du khách hưởng ứng, ghé thăm. Đặc biệt năm nay, ngày Di sản văn hóa Việt Nam cũng là dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản văn hóa Việt Nam (2004 - 2024).

Việc tổ chức các hoạt động này vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh di sản với bạn bè trong nước và quốc tế, thu hút du khách tham quan di sản trong thời gian tới.

Bài liên quan
Mì Quảng: Hương vị quê hương và câu chuyện di sản
Mì Quảng - món ăn đậm chất hồn quê “gốc rạ” của quê tôi, xứ Quảng Nam. Mì Quảng ngon không chỉ bởi hương vị “rất Quảng” mà còn vì sự gắn kết đặc biệt với đời sống, không gian văn hóa đậm đặc “chất” Quảng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
một giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngày Di sản văn hóa Việt Nam: Nhiều di tích ở Hà Nội mở cửa miễn phí