Vở kịch "Dưới bóng giai nhân" (đạo diễn Quang Thảo, cảm tác từ "Truyện Kiều" của thi hào Nguyễn Du) là một tác phẩm mượn chuyện xưa liên hệ với bối cảnh xã hội hiện đại. Tác giả đã xử lý thân phận và tính cách nhân vật theo một hướng khác: Liệu định kiến xã hội ngày xưa có thực sự công bằng khi gán cho Hoạn Thư một tội ác vô cùng xấu xa.
Văn hóa

Xem ‘Dưới bóng giai nhân’ ngẫm về phụ nữ thời nay

Nguyễn Huy 22/11/2024 17:40

Vở kịch "Dưới bóng giai nhân" (đạo diễn Quang Thảo, cảm tác từ "Truyện Kiều" của thi hào Nguyễn Du) là một tác phẩm mượn chuyện xưa liên hệ với bối cảnh xã hội hiện đại. Tác giả đã xử lý thân phận và tính cách nhân vật theo một hướng khác: Liệu định kiến xã hội ngày xưa có thực sự công bằng khi gán cho Hoạn Thư một tội ác vô cùng xấu xa.

Nỗi đau rất… đàn bà

Tác giả Quang Thảo không làm mất đi giá trị cốt lõi trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Hoạn Thư (do nghệ sĩ Thanh Thủy thủ vai) vẫn là một người đàn bà ghen tuông dữ dội, nhưng trong hành trình tìm về xuất xứ nhân vật qua tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, anh nhận ra cha của Hoạn Thư là quan đại thần quyền lực và giàu có, còn cha của Thúc Sinh chỉ là một thương gia. Như vậy, cái danh môn đăng hộ đối chỉ là cách để làm tương xứng gia thế hai họ Thúc và Hoạn. Khi cưới Hoạn Thư, Thúc Sinh như “chuột sa hũ nếp”. Ấy vậy mà, Thúc Sinh mải mê chốn lầu xanh rồi gặp Kiều và muốn cưới nàng làm vợ hai. Tác giả đặt ra câu hỏi với tất cả chị em phụ nữ ngày nay: “Nếu đặt mình vào bối cảnh đó, hỏi có ai mà không lồng lộn lên?”.

Quang Thảo đã tự trả lời rằng bất cứ người đàn bà nào trong tình cảnh chăm lo hết mực cho chồng rồi bị phản bội đều ghen hờn. Vì vậy, anh đã thông cảm với Hoạn Thư bằng cách không để cô đánh Thúy Kiều (do nghệ sĩ Hồng Ánh thủ vai) một bạt tay nào. Hoạn Thư đã thử lòng Thúc Sinh bằng cách yêu cầu chồng dùng gậy đánh Thúy Kiều, và cô đau đớn nhận ra rằng gã chồng của mình đã rất hèn hạ khi đánh đập người tình thay vì bảo vệ cô ấy. Ngay lúc ấy, Hoạn Thư thấu ngộ kiếp đàn bà, dù là thân phận cao sang hay bị cuộc đời chà đạp xuống bùn nhơ, cũng đều đau khổ trước gã đàn ông không chung thủy, không dũng cảm che chở mình. Từ đó, Hoạn Thư không “ra tay” độc ác với Kiều.

Tác giả - đạo diễn Quang Thảo đặt tiếp một câu hỏi: “Việc hai vợ chồng không có con thì có phải lỗi hoàn toàn do người phụ nữ?”.

Ngày nay, người ta hiểu rằng đàn ông mắc chứng vô sinh cũng không thể có con, thế thì vì sao định kiến ngày xưa kéo dài đến hôm nay luôn khắt khe với phụ nữ, cho rằng “đàn bà không có con là cây độc không trái”? Thúc Sinh sống đời vợ chồng với Hoạn Thư, ăn nằm bền bỉ cả Thúy Kiều, nhưng cả hai người phụ nữ ấy đều không có con. Vậy thì lỗi này tại ai? Ấy vậy mà người đời mắng chửi Hoạn Thư vì quá ác độc mà không sinh được con.

Thúy Kiều trong Dưới bóng giai nhân là cô gái tuyệt sắc, cầm kỳ thi họa tinh thông, biết cách làm xiêu lòng đàn ông. Bên cạnh đó, Kiều cũng vô cùng mạnh mẽ. Kiều đã đi qua bao thăng trầm, bão táp của cuộc đời và chốn tình trường với đủ mọi hạng đàn ông cao thấp. Cuối cùng điều nàng cần nhất vẫn là danh phận, một vị trí của một người vợ danh chính ngôn thuận. Kiều đã đặt hết niềm tin vào Thúc Sinh nhưng bị anh ta đã rũ bỏ. Và Kiều đã tột cùng hạnh phúc khi được một gã tướng cướp, quân phản nghịch triều đình Từ Hải yêu thương và chấp nhận nàng là người đàn bà giá trị nhất của đời mình.

image7.jpeg
Trịnh Minh Dũng (trái) vai Khương Cẩu là một nét mới thú vị

Tú bà Lã Thu (do nghệ sĩ Hoàng Trinh thủ vai) ghê gớm và nanh nọc ép kỹ nữ chiều chuộng đàn ông để được tiền. Nhưng đến lúc lắng lòng mình lại, bà ta cực kỳ cô đơn đối mặt với một thực tế rằng chẳng có người đàn ông nào cho bà ta một danh phận. Ngày nay, khi xã hội đã phát triển và quyền của người phụ nữ được tôn trọng hơn rất nhiều so với ngày xưa, liệu có người đàn bà nào không cần một danh phận như nàng Kiều hay tú bà Lã Thu?

Từ nỗi lòng của người đàn bà, người ta liên tưởng đến hình ảnh của người đàn ông. Vậy thế nào là người đàn ông tốt trong mắt nhìn của người phụ nữ. Một gã trai lơ, vâng lời, miệng lưỡi ngọt ngào nhưng hèn hạ như Thúc Sinh; hay là một kẻ hữu dũng vô mưu như Từ Hải. Khi yêu, Từ Hải yêu dốc hết tim mình. Thậm chí, chính vì tình yêu mà Từ Hải bị lọt vào bẫy của Hồ Tôn Hiến để nhận cái chết đau đớn.

Kịch bản hay và kịch tính

Trong kịch bản Dưới bóng giai nhân, Quang Thảo đã lược bớt hai nhân vật Kim Trọng và Thúy Vân. Nói chính xác là họ vẫn xuất hiện nhưng không có thoại và không có số phận. Anh thêm vào nhân vật Lưu Bành và Khương Cẩu để tạo nên tình huống kịch. Khương Cẩu ngoài mặt là tay sai thủ ác theo lệnh của Hoạn Thư nhưng kỳ thực hắn ta là lá bài của kẻ khác. Việc tạo thêm hai nhân vật này giúp cho câu chuyện có kịch tính, có xung đột và cả sự ly kỳ. Dựa trên Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, Quang Thảo đã tạo ngôn ngữ riêng cho sân khấu kịch.

Đầu tiên, anh đã cho diễn viên thoại gieo vần theo lối xưa nhưng hành động kịch dứt khoát, gãy gọn chứ không lê thê kiểu tuồng cổ. Trong tác phẩm gốc của Nguyễn Du chỉ nói ngắn gọn Hồ Tôn Hiến là kẻ đã giết Từ Hải để lập công chứ không mô tả chi tiết. Trong Dưới bóng giai nhân, Quang Thảo đã dựng lên cả một câu chuyện lôi cuốn với mâu thuẫn giữa các thế lực, xen lẫn vào yếu tố đấu đá trong cung với những cơn ghen đàn bà. Qua đó, người ta thấy được nhân tâm của con người.

Quang Thảo đã mời họa sĩ thiết kế Lê Văn Định phác họa cảnh trí quy mô tương xứng với một câu chuyện bi kịch và bi hùng; âm nhạc, ánh sáng, phục trang đẹp mắt là những yếu tố khiến cho khán giả ngồi thưởng thức hơn 3 giờ mà không mệt mỏi.

image8.jpeg
Nghệ sĩ Thanh Thủy (trái) và Hồng Ánh đều có những trải nghiệm mới mẻ trong hai tính cách nhân vật Hoạn Thư và Thúy Kiều

Việc chọn diễn viên vào những vai diễn lạ cũng là dấu ấn của Quang Thảo. Trịnh Minh Dũng vắng bóng trên sàn diễn kịch nói đã lâu và chỉ trở lại vài tháng nay tại Idecaf, nhưng anh đã lột tả sinh động vai Khương cẩu - một vai phản diện vừa ác vừa hài.

Hoàng Trinh vốn dĩ rất hiền lành, nhu mì nhưng được giao vai tú bà Lã Thu lẳng lơ và đanh đá. Thanh Thủy mạnh tính cách đào thương lại nhận vai Hoạn Thư cuồng ghen. Vậy nhưng cả hai nhân vật gai góc kể trên đều có độ lắng sâu của nỗi đau thân phận đàn bà và rất đáng thương.

NSƯT Đại Nghĩa bình thường rất hài hước, trào phúng thì vào vai Từ Hải rất oai phong. Lối thoại gằn giọng, điệu bộ và ánh mắt của Đại Nghĩa đúng là của Từ Hải trong tâm tưởng nhiều người. Đình Toàn vốn cũng có sở trường vai hài, nhưng nay lột tả được tính cách của một lão quan đa mưu túc trí qua lối diễn xuất điềm đạm, chậm rãi. Ánh mắt mê đắm nhan sắc Thúy Kiều được ghìm lại vì đại sự là một nét diễn tinh tế của Đình Toàn.

Công Danh tròn vai với Thúc Sinh, trong khi vai Ni sư cũng không phải là thách thức đối với NSƯT Diệu Đức. Sự xuất hiện của Tuyền Mập vai Bạc Bà, NSƯT Bạch Long vào vai Bạc Hạnh cũng tạo nên nụ cười làm giãn bớt bi kịch nối tiếp của thân phận nàng Kiều. Sau cùng là vai Thúy Kiều của Hồng Ánh. Nữ nghệ sĩ đã lột tả đầy cảm xúc thân phận lận đận của nàng Kiều bằng ánh mắt, lời thoại và vũ đạo.

Cảm tác từ một danh tác là hướng đi nhọc nhằn, thách thức nhưng nhiều nghệ sĩ lựa chọn. Lý do gì trong tác phẩm gốc vốn hay nhưng theo thời gian cần thổi vào đó cái không khí của thời đại mới. Dưới bóng giai nhân chắc chắc không thoát khỏi tình cảnh bị so sánh với Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, đó là tâm lý tự nhiên của khán giả vì sự tò mò phiên bản khác sẽ như thế nào so với cái đặc sắc mà họ đã biết. May mắn là phiên bản sân khấu mới này hợp lý và độc đáo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việt Nam - Ba Lan nhất trí xem xét sớm nâng cấp quan hệ lên tầm chiến lược
một giờ trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống với Ba Lan, đối tác hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xem ‘Dưới bóng giai nhân’ ngẫm về phụ nữ thời nay