Muốn có được những viên ngọc đẹp, nghệ nhân Hồ Thanh Tuấn và nhân viên của mình phải ngày đêm bám biển ở hòn Săng ở Khánh Hòa để nuôi từng con trai trong nhiều năm.
Để có được những viên ngọc trai hình trống đồng, xoáy ốc hoặc hoa văn tự nhiên của các quốc gia, ngọc trai sau khi thu hoạch sẽ được điêu khắc để tạo hoa văn rồi cấy tiếp vào con trai và đưa xuống biển nuôi thêm 1 năm.
Hòn Săng nằm trong vịnh Vân Phong, thuộc xã Vạn Thạnh, H.Vạn Ninh (Khánh Hòa), cách TP.Nha Trang khoảng 80km theo quốc lộ 1 về phía bắc, được nghệ nhân Tuấn chọn để nuôi trai.
Sau nhiều năm gắn bó với vùng biển Côn Đảo, nghệ nhân 7X quê Sóc Trăng là anh Hồ Thanh Tuấn đã chuyển hướng ra Khánh Hòa để nuôi trai lấy ngọc ở vùng biển hòn Săng.
Trước khi thả nuôi, từng con trai được kiểm tra sức khỏe, độ trưởng thành. Từng con trai được xếp ngay ngắn vào hàng nghìn chiếc lồng lưới như thế này để thả xuống biển nuôi.
Trai sống tự nhiên dưới đáy biển, chiếc lồng lưới giúp chúng không thoát được ra ngoài. Loài nhuyễn thể này ăn tảo trong nước để sống, không phải cho ăn trong suốt quá trình nuôi.
Hàng ngày, nhân viên của công ty nuôi cấy ngọc trai thường xuyên lặn xuống biển để kiểm tra sức khỏevà mức độ sinh trưởng định kỳ của trai.
Nghệ nhân Hồ Thanh Tuấn (đứng) hướng dẫn những người thợ cấy nhân vào trong thân loài nhuyễn thể trước khi thả chúng xuống biển để trai tạo ngọc. Đây là khâu quan trọng nhất trong quá trình nuôi cấy ngọc trai.
Mỗi người thợ cấy nhân vào trai đều có sổ ghi chép sau mỗi đợt thu hoạch để thống kê số lượng và tỷ lệ ngọc do mình cấy đạt như thế nào nhằm rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho lần cấy tới.
Trai thu hoạch được chia làm 2 nhóm. Nhóm tái cấy hường là loại trai Tahiti và Maxima, được cấy nhiều lần nên dùng phương pháp tiểu phẫu để lấy viên ngọc ra và cấy vào nhân tạo ngọc mới lớn hơn.
Nhóm khai thác thường là giống trai Akoya có vòng đời ngắn nên chỉ cấy được 1 lần để khai thác ngọc, vỏ được tận dụng làm hàng mỹ nghệ.
Mỗi kỳ thu hoạch, Công ty Ngọc Trai Hoàng Gia có được hàng nghìn viên ngọc thô đủ màu sắc. Chúng sau đó được phân loại và chế tác làm trang sức.
Cuối năm 2015, Hồ Thanh Tuấn được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu và sáng chế ngọc trai.
Hàm Yên