Với hai vị nghệ sĩ cao niên này: NSND Diệp Lang và nhạc sĩ Lam Phương, tôi có một số buổi làm việc với hy vọng ghi hồi ký của cả hai, như để ghi chép lại cho các bạn trẻ biết rõ hơn bối cảnh mà hai vị đã sống qua, đã làm nghề, với tất cả anh hoa phát tiết của mình như những chứng nhân lịch sử.

Nghệ sĩ Diệp Lang và nhạc sĩ Lam Phương và những hồi ức dở dang​

bai cao | 01/03/2019, 07:35

Với hai vị nghệ sĩ cao niên này: NSND Diệp Lang và nhạc sĩ Lam Phương, tôi có một số buổi làm việc với hy vọng ghi hồi ký của cả hai, như để ghi chép lại cho các bạn trẻ biết rõ hơn bối cảnh mà hai vị đã sống qua, đã làm nghề, với tất cả anh hoa phát tiết của mình như những chứng nhân lịch sử.

Diệp Lang -Con trai thầy đờn Ba Diệp

Chuông điện thoại reng. Có hẹn trước rồi nên đã chuẩn bị. Nhưng sau những chào hỏi, lại buông miệng những câu này: Nè, đang có nhiều tâm tình muốn nói, nhưng rồi ý tưởng lan man, từ chuyện nọ dẫn tới chuyện kia, giờ thiệt tình cũng không biết bắt đầu rồi kết thúc bằng cái gì nữa.

Bên kia:Giờ vầy cho dễ, ví dụ như có ba điều ước, anh sẽ ước gì?

Điều ước đầu tiên, là được hóa phép sao cho khỏe lại, để còn có thể hát cho khán giả coi.

Điều kế tiếp, mong cho cải lương sống như thời huy hoàng những năm 1950-1960 dù lúc đó mới tập tễnh bước vô nghề, chưa là ai, tự thấy cũng chưa làm được gì nhiều cho sân khấu cải lương, chỉ mới được đặt tên Diệp Lang, nghĩa là “con trai thầy đờn Ba Diệp”. Có lẽ lúc đó chiến tranh còn xa, không khí thái hòa, nhân tâm ổn định, các nhân tố tài hoa của nghệ thuật cải lương có điều kiện phát tiết. Từ những bầu giỏi, tìm kiếm ra được những nghệ sĩ tài, có vậy khán giả mới trân trọng và yêu thích. Thử hình dung coi, không chỉ Sài Gòn mà khắp các tỉnh Nam Kỳ lục tỉnh, khán giả đều biết ca và rành nhịp, tới độ nghệ sĩ lỡ ca rớt một nhịp là cả khán phòng cười cái rần. Số một là vùng Bạc Liêu, quê hương của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tác giả bàiDạ cổ hoài lang.

Thuở đó, nghệ sĩ được tôn trọng nên khi tới rạp, từ khán giả tới ký giả kịch tràng, ai cũng ăn bận đàng hoàng. Người sáng lập giải Thanh Tâm là ký giả Trần Tấn Quốc bận veston đi coi hát. Được hỏi sao trời nóng nực, bận chi veston, ông nói muốn tôn trọng những người biểu diễn cho mình coi bằng cách đó.

Nhớ hoài câu nói của ông Trần Văn Khê: “Nếu bộ môn nghệ thuật nào mà chỉ có khán giả lớn tuổi yêu thích thì khi họ chết, nghệ thuật đó chết theo. Phải nuôi nấng khán giả trẻ thì mới sống hoài”. Trong hai câu “Cải cách hát ca, theo tiến bộ, Lương truyền tuồng tích sánh văn mình” thì đừng quên từ lúc khởi đầu, đã vạch ra mục đích: cần phải theo tiến bộ và sánh văn minh. Giờ nhắc lại chuyện cũ, hòa trộn sân khấu với cuộc đời mình, thấy vô cùng xúc động. Thèm trở lại sống được như hồi đó, thời mà cải lương hay vì khán giả đông, nói kiểu khác, nhờ có khách tri âm đầy rạp, mà cải lương được thăng hoa, dù mình nghèo và vô danh cũng được.

Hai trường phái nổi trội lúc đó đi song song. Một của thầy Năm Châu, muốn nghệ thuật phải “thật và đẹp” và một của Mộng Vân chủ trương cải lương phải nhiều màu sắc như có đấu kiếm, boa nha (dao găm). Tuồng vừa vãn, màn kéo, chuông rung, dàn nhạc tân (lúc đó còn gọi là âm nhạc cải cách) trỗi ngay bàiLa Valse dans d’Ombre(Vũ điệu trong bóng mờ) từ phim cùng tên đang chiếu bấy giờ. Bên trường phái xã hội lúc đầu chạy không kịp với kiểu lồng ghép những cái mới nhưng từ những bước đi chậm, họ cũng tìm cách bước nhanh để cho ra đờiĐời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Men rượu hương tình, Khi người điên biết yêu, Hoa cuối mùa... và tới tuyệt phẩmSân khấu về khuyathì sân khấu Thật và Đẹp đã bứt phá lên phía trước.

Một điều đáng nhớ nữa là trên bảng hiệu luôn có kèm hàng chữ nhỏ, ghi gì là bên trong có cái đó, như một chữ tín giữ cho nhau giữa người diễn và người coi. Khi đến đoàn Việt kịch Năm Châu thì hiểu ở đây chỉ có ca cải lương và diễn. Đoàn nào ghi “thi - ca - vũ - nhạc - kịch” là vào sẽ được coi đủ từ múa tới ca tân nhạc mở đầu phần hát tuồng. Riêng đoàn Hoa Sen kèm tên mình với mấy chữ: “Ban ca - kịch - điện ảnh” thì bảo đảm có chiếu phim. Tới lớp nào đó quay ngược về quá khứ thì cho tắt đèn và khán giả được xem khúc phim xảy ra với nhân vật chuyển động ở ngoại cảnh.

Ngay ký giả ngoại quốc cũng hiểu cải lương là sân khấu cách tân. Nói chung mình phải thay đổi, đừng một kiểu làm hoài. Nhớ là phải chuyển động, phải đi, vì đứng lại là chết. Phần đứa con của thầy đờn Ba Diệp này, ngoài việc được các thầy chỉ dạy, một mình, phải tự đi coi nhiều phim hay bên rạp chiếu bóng để học cách diễn của các tài tử nổi tiếng khắp năm châu.

Còn hiện trạng, rõ ràng cải lương đang bước thụt lùi.

Tác giả trong lần đến nhà vợ chồng NSND Diệp Lang - Thu Phong ở Mỹ để thực hiện hồi ký cho ông

Lam Phương - Một mình với hạnh phúc mang theo

Mấy hôm Hà Tiên rần rần, chú không về Rạch Giá được chắc mấy em bên đó cũng buồn? Họ “mưu đồ” đưa chú về mấy năm nay...

Biết sao giờ, lớp sức khỏe không cho phép, lớp… (cười) Đời mà, đâu phải cái gì mình muốn cũng được hết đâu. Được cái nầy, phải mất cái kia. Đành thôi!

Mấy năm trước, ghi hồi ký cho chú, chú kể quá trời chuyện, nhưng cuối cùng chỉ cho phép viết về người mà chú thương nhứt, cổ lại mất rồi. Tưởng sao, Tết năm rồi, thấy báo ở hải ngoại viết về chú với mấy cô lận, nào Bạch Yến, Túy Hồng, Minh Hiếu, Hạnh Dung, Họa Mi...

Nhiều cô hát nhạc Lam Phương, nhưng có mấy cô đặc biệt hơn, vì là nguồn cảm hứng cho người viết nhạc. Chuyện đó nhiều người biết nên chẳng cần người trong cuộc kể, họ cũng viết ra được mà.

Nghĩa là chú vẫn chung thủy với…

... Một mình! Sáng mai thức dậy của ngày hôm nay thì có con gái đầu ghé thăm, ăn cơm trưa vừa xong.

Má cổ có vẻ hạnh phúc lắm với người bạn đời mới. Sao chú không...

(cười lớn) Đời mỗi người một phận, người thì yêu không mỏi mệt, mình chỉ biết lúc nào cần, phải cất lênNgày tạm biệt...

Nhà văn Duyên Anh đã gọiNgày tạm biệtlà tuyệt chiêu của chú, là máu miền Nam mấy trăm năm đất mới chảy về tim nhân hậu Lam Phương? Một bài viết khác của Lý Châu về chú cũng nghe ra “hơi” vọng cổ trong âm nhạc Lam Phương qua những bàiTình cố đô, Chuyến đò vĩ tuyến, Chiều hoang vắng, Đèn khuya, Rừng xưa, Duyên kiếp...

Trong trên 200 bài đã viết, bạn bè khán thính giả cứ tùy theo tâm cảnh của mình mà chọn bài nào mình thích. Có người thíchKhúc ca ngày mùavì mê hình ảnh “Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời”, kẻ thích bức tranh “Xuyên lá cành, trăng lên lều vải”, lại có người cảm thấy những câu này như viết cho mình “... Cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người, khi mình còn đôi tay” trong bàiXin thời gian qua mau...

Hình như những bài của chú đi đầu trong việc mà từ bây giờ kêu là “nhạc chế”, nhứt là bàiDuyên kiếp“Em ơi! Nếu mộng không thành thì sao? Non cao, đất rộng biết đâu mà tìm”, câu sau được chế thành “... mua chai thuốc chuột, uống cho rồi đời”?

Có người chế câu sau thành: “Em lên núi Ngự, biết tu chùa nào?”

Nhớ lại 217 ca khúc do mình sáng tác, chú thấy bài nào ở lâu trong mình nhứt?

Bài nào ở trong lòng người nghe nhứt thì hay hơn ở trong lòng người nhạc sĩ viết ra. Khi viết, bài nào cũng đủ cảm xúc mới viết, với lòng thành là từ trải nghiệm của mình viết giùm ai đó hơn là cho mình. Từ bàiKiếp nghèo, cho dù cảm xúc thời mười mấy tuổi, rời quê lên Sài Gòn, quyết kiếm tiền về giúp mẹ nuôi em, ở căn hẻm nhỏ khu Tân Định, mưa dột ướt mái, có lúc gánh nước mướn để sanh nhai... cho tới bàiLầm, cho dù ai cũng biết mình viết cho ai, nhưng mình đâu phải là người duy nhất “đã lầm khi đưa em sang đây”.

Còn lúc ghé Đà Lạt, chỉ một khoảnh khắc không dài của một thoáng dạo chơi, ngồi sườn đồi Thung lũng tình yêu, đi xuyên qua khu mả thánh, đâu biết những nốt nhạc ngân trong lòng mình lúc đó, vẽ nên mộtThành phố buồnđã mang tới một lợi nhuận khá lớn về sau.

Vẫn còn thắc mắc về việc đào hoa như chú, mà yêu cầu chỉ ghi độc nhất về cô Cẩm Hường, người tạo cảm hứng cho những bảnBài tango cho em, Chỉ có em, Mùa thu yêu đương, Thiên đàng ái ân, Tình vẫn chưa yên?

Cổ đẹp, lại sống đôn hậu, chân thật, nghĩa tình, một nàng thơ đúng nghĩa, không hề ỷ cái nhan sắc đó để đòi hỏi nọ kia. Ngược lại, mình đang đầy mặc cảm, thất thế, (cười nhẹ) mất niềm tin cả vào cái mà người đời cho mình có là tài năng, vậy mà cổ đã gầy lại mọi niềm tin cho mình, đúng là một cuộc “phục sinh”.

Nãy giờ nghe chú cười suốt, nhứt là khi nhắc đến mỹ nhân vắn số kia?

(cười) Tự không cho mình được phép buồn, phải cười để tụi nhỏ cười lây. Mà đa số nỗi buồn bỏ hết vô sáng tác rồi, buồn chi nữa. Bản nhạc cuối cùng đã chọn tênHạnh phúc mang theo, có nghĩa là khi sống khúc đời còn lại một mình này, quyết không nghĩ tới nỗi buồn, khi chết càng không vác theo. Mà nè, muốn chết cũng không dễ, có muốn mà chưa tới số cũng không được đâu nha.

Nhạc sĩ Lam Phương chia sẻ, bản nhạc cuối cùng ông đã chọn tên Hạnh phúc mang theo, có nghĩa là khi sống khúc đời còn lại một mình, quyết không nghĩ tới nỗi buồn, khi chết càng không vác theo

Thiệt tình không còn cô hay bà nào lui tới?

(cười lớn) Trốn hết rồi. Nhưng có hai cô con gái Ánh Hằng với Ánh Loan vẫn lui tới là vui quá. Thỉnh thoảng bà con thân hữu ghé chơi, có vài cô cậu ca sĩ trẻ ghé xin bài, thăm hỏi, ấm áp lắm. Ca nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt vừa làm live show “Lửa tình” cũng ghé thăm và mời dự. CDAir of Phuong(Diệu khúc của Phương) là một kỷ niệm đẹp với chàng nghệ sĩ khiếm thị đó.

Hồi “âm mưu” viết hồi ký cho chú, nhớ nhứt khúc chú kể lúc mới qua, phải cọ bồn cầu. Lúc đó có cảm giác “lầm” chưa?

Lúc mới qua, cọ bồn cầu hay đệm đàn... làm hết. Nói chung làm được gì giúp cho gia đình và mọi người đều làm tuốt, không ngại khó, không than phiền kể khổ, cũng là một kiểu hồn nhiên sống với lòng thành.

Nếu không qua đây vào năm đó?

Chắc sẽ đi học tập “mút mùa”, nhưng rồi tin hoàn cảnh nào cũng sống được. Tính tới giờ, ngay cả sau khi bị đột quỵ phải di chuyển bằng xe lăn, vẫn còn di chuyển tới những show diễn với chủ đề nhạc của mình. Khi anh Anh Bằng còn sống, đã cùng với ảnh đi khắp Âu châu. Nước Mỹ nơi nào có người Việt sống đông cũng ghé tới hết. Được khán giả cưng, nhiều khi nghĩ là mình may, vì tự thấy mình chẳng tài giỏi gì. Kể cô nghe rồi đó, có nhiều suất, chỉ lăn xe ra năm phút cuối, khán giả xúm lại, cảm giác đôi má của mình nát ra dưới trận mưa hun.

Với những ca sĩ hát bài mình, chú nghĩ có ai “đặc biệt” hợp với nhạc mình?

Mỗi người hay một lối khác nhau. Nhiều người trẻ sau này làm tử tế lắm. Ít khi nào so sánh. Cái may là mình viết nhiều loại nhạc. Các bạn ấy thích và hát được mới chọn bài mình. Muốn cám ơn và ủng hộ tất cả, không phân biệt xưa-nay, lớn-nhỏ, Bắc Nam. Cảm thấy như tất cả đều thành công khi đã đem hết cảm xúc của họ ra để thể hiện.

Hồi ức - nên chăng?

Với hai vị nghệ sĩ cao niên này, tôi có một số buổi làm việc với hy vọng ghi hồi ký của cả hai, như để ghi chép lại cho các bạn trẻ biết rõ hơn bối cảnh mà hai vị đã sống qua, đã làm nghề, với tất cả anh hoa phát tiết của mình như những chứng nhân lịch sử.

Cả hai đều có sức khỏe không ổn và được bác sĩ dặn không nên làm việc nhiều, nhứt là công việc nhớ lại, khi nghề nghiệp còn hòa với thời cuộc, trộn lẫn niềm vui với nỗi buồn. Trong lúc làm việc, có lúc phải tạm ngưng. Nhạc sĩ Lam Phương thì báo trước là sau cơn bịnh, cái lưỡi của chú “ngang ngược” lắm, không theo điều khiển của mình, cố vừa nghe, vừa đoán nghen.

Từ câu nói của thầy Trần Văn Khê được nhắc lại “Phải nuôi nấng khán giả trẻ thì mới sống hoài”, tôi kể trong các tọa đàm về cải lương, nhiều bạn trẻ đặt vấn đề về việc một danh hài đã mang một kịch bản kinh điển ra bôi bác, có nên coi như đó là một cách để lôi kéo khán giả trẻ không, anh Diệp Lang kêu lúc xem trích đoạn đó, và ngay khi trả lời tôi, tim anh bị đập mạnh một cách bất thường.

Anh nói nhiều về chuyện này, và nhắc đi nhắc lại thời mà các tác giả như Hà Triều - Hoa Phượng, Mộc Linh, Điêu Huyền khi tập tuồng không cho trật một chữ, bởi những dòng chữ bài ca đó đã được viết bằng cả tim, óc và máu.

Nếu nhạc sĩ Lam Phương chỉ muốn nhắc về một Nàng Thơ đã mất của mình thì NSND Diệp Lang nói riêng với người viết, liệu có thể nào nói hết những ân tình mà nghệ sĩ đã thọ nhận từ người phối ngẫu, chị Thu Phong. Trong lúc cô cựu nữ sinh trường Tây, ái nữ của nữ nghệ sĩ Tô Huệ, mẹ của Phong Tuyền và Bình Tiên (tức đạo diễn Diệp Tiên), hai đứa con của chị với anh Diệp Lang, cứ khoát tay yêu cầu đừng viết gì về chị.

Trùng hợp là cả hai đều không muốn nhắc tới chữ nào vềmột người, với lý do: mình là đờn ông.

Câu cuối của nhạc sĩ Lam Phương là lời dặn dò. Viết nhẹ tay thôi nha. Đời mình chẳng muốn làm phiền ai. Ngay từ nhỏ, đã tự hứa với mình điều đó, nhứt là những ai đã từng thương mình, dù người thân, dù khán giả, đều không muốn họ buồn.

Còn câu cuối của NSND Diệp Lang là, thôi, công sức anh em mình ngồi với nhau, người kể, kẻ ghi, ngưng vụ hồi ký lại đi em. Khúc tuổi thơ anh kể tương đối chính xác, nhưng những đoạn sau nầy, nếu chỉ nói được một phần, thà không kể gì hết, vẫn hơn.

Anh làm tôi nhớ tới một người bạn vong niên, người mà trước khi mất đã đề nghị không ghi bốn chữ NSND và không cả ghi đảng tịch trước tên mình là đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Anh Nghi cho biết thái độ của mình, nếu không bảo vệ được tác phẩm như mình muốn thì thà không làm từ đầu.

Nhờ đó, tôi hiểu vì sao vài người tôi đã tiếp xúc - và cả chính mình - đành phải để những chương hồi ức dở dang.

Nguyễn Thị Minh Ngọc/ Người Đô Thị. Ảnh:Thành Lễ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
21 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ sĩ Diệp Lang và nhạc sĩ Lam Phương và những hồi ức dở dang​