"Đời tôi như gió tràn qua cánh đồng vắng hút. Cơn này chưa qua cơn khác đã ập đến. Hiu hắt như đường phố một tối rả rích mưa, se sắt. Riết rồi cũng quen cái hơi thở của xô dạt. Đôi khi bình lặng quá lại cảm thấy tẻ nhạt" nghệ sĩ hài Cát Phượng nói về cuộc đời của mình. Đại Nghĩa: Đời của tôi rất giống ‘kép Tư Bền’ NSƯT Hữu Châu và những chuỗi ngày mất mát triền miên Nghệ sĩ Thiên Kim và đường đời lắm nỗi gian truân!

Nghệ sĩ hài Cát Phượng và cái thời 'bán máu nuôi em'

Một Thế Giới | 27/10/2014, 10:00

"Đời tôi như gió tràn qua cánh đồng vắng hút. Cơn này chưa qua cơn khác đã ập đến. Hiu hắt như đường phố một tối rả rích mưa, se sắt. Riết rồi cũng quen cái hơi thở của xô dạt. Đôi khi bình lặng quá lại cảm thấy tẻ nhạt" nghệ sĩ hài Cát Phượng nói về cuộc đời của mình. Đại Nghĩa: Đời của tôi rất giống ‘kép Tư Bền’ NSƯT Hữu Châu và những chuỗi ngày mất mát triền miên Nghệ sĩ Thiên Kim và đường đời lắm nỗi gian truân!

1. Những tháng ngày quần quật. Đôi khi tôi thấy mình như một cơn gió vút qua mặt hồ. Thậm chí, tôi còn không kịp nhớ chuyện gì vừa xảy ra hôm trước, hôm qua và cả vài giờ trước đó. Bận rộn là hạnh phúc, là định mức khuây khỏa. Tôi sợ phải ở một mình, những lo nghĩ không đầu không cuối. Mà sợ thì sợ vậy thôi chứ làm sao tránh được? Mấy lúc ngồi hong mắt ướt, chuyện ở đâu xa lắc xa lơ lại ngổn ngang rủ nhau về.
Má tôi kể, hồi nhỏ không biết tôi bị bệnh gì mà ốm nhom ốm nhách, khô đét như que củi, uống thuốc nhiều hơn sữa. Má khóc cạn nước mắt, bồng tôi đi hết thầy này đến thầy khác. Chạy vạy khắp nơi mà bệnh của tôi vẫn ngày một nặng. Đút chén nước thuốc vô miệng, ngay lập tức thông ra đường cửa hậu. Thấy cảnh đó má xỉu lên xỉu xuống, không còn thiết sống nữa. Khóc một trận rồi má gượng dậy, bình tĩnh như chưa có chuyện gì xảy ra. Tiếp tục những tháng ngày hy vọng. Chỉ cần nghe ở đâu mách có thầy giỏi, thuốc hay là má tôi lặn lội tới. Bởi má biết nước mắt đâu có cứu được đứa con gái má dứt ruột mang nặng đẻ đau. Một lần, đang ngồi trên xe lam, thấy tôi khóc dữ quá, một ông lão tới hỏi thăm. Nghe má kể sự tình, ông cầm bàn tay tôi lật ra coi. Ngắm nghía hồi lâu, ông nói: “Cô đừng có buồn, đứa nhỏ này không chết đâu. Sau này nó nổi tiếng lắm!”. Rồi ông chỉ má tôi qua hướng chợ Cồn, có ông thầy thuốc Nam hay nức tiếng. Không biết, tôi sống nhờ số trời hay chính tình thương vô bờ của má đã động lòng ơn trên?
Nhà tôi sống dựa vào nghề làm bánh. Nhờ sự tháo vát của cha, sự đảm đang của má, lò từ đôi ba công thợ lên đến hăm mấy, ba mươi công. Tiếng bánh “Hương Sen” lan nức đất Bạc Liêu, sang cả những miệt lân cận. Nghe tưởng oách chớ ba má tôi cực cũng không thua gì thợ. Suốt ngày nhồi bột, làm nhân, nướng bánh, hì hục trong lò. Má thì quăn queo với những đồng tiền. Mấy anh em tụi tôi hồn nhiên lớn như cỏ dại ven bờ rồi quấn vào việc của gia đình. Có biết tuổi thơ là gì đâu. Tôi chín mười tuổi đầu, gà chưa kịp gáy đã trở dậy nấu cháo sớm cho thợ kịp giờ họ ăn sáng. Trống trường vừa đánh tan học, ba chân bốn cẳng chạy thiệt lẹ về phụ má cơm nước cho thợ thầy, rồi trông em. Niềm vui duy nhất của tôi lúc đó là mấy bản vọng cổ phát ra từ cái radio cũ xì, mốc thếch, tiếng đứt tiếng có, khàn khàn như người già trở ho trời lạnh. Nghe riết đâm thuộc hồi nào hổng hay. Đem ra hát ru mấy đứa em ngủ hay ca chơi lúc làm việc này việc kia cho đỡ buồn.
Mỗi lần nghe tiếng tôi ca văng vẳng, cha tôi chỉ chép miệng thở dài. Xa xăm như gió rối mùa cuối năm, lật tung ký ức xưa cũ. Cha tôi vốn là ký giả kịch trường, chuyên viết phê bình mảng sân khấu, được nhiều người thích lắm. Nhưng nghề chật vật, không nuôi nổi gia đình, mới bàn với má làm lò bánh. Thấy bóng cha, tôi liến thoắng: “Mốt con lớn, cha cho con đi hát nghen cha!”. Cha lặng im, quay đi chỗ khác. Mấy lần vậy, cha nhìn tôi lâu thiệt lâu, bảo: “Khổ lắm con ơi! Nghề này không chỉ có hoa hồng, nó còn đánh đổi bằng cả nước mắt và máu”. Tính tôi vốn lì từ nhỏ. Chuyện gì đã quyết thì làm cho kỳ được. Cha càng nói, tôi càng quyết tâm làm cái gì đó liên quan đến nghệ thuật. Tôi muốn chứng minh cho cha thấy con gái của cha không sao hết. Nó sẽ làm được và làm tốt nữa.
nghe si hai cat phuong ban mau hinh anh 2
 Niềm vui hiện tại của Cát Phượng chính là nhìn con trai ngoan hiền lớn lên từng ngày
2. Bánh thủ công làm chậm, giá lại cao, cạnh tranh không lại bánh làm máy, cảnh nhà tôi ngày một sa sút. Lò nướng nằm buồn hiu, bàn dỗ bột nằm im thin thít. Đâu rồi tiếng nói cười rổn rảng, những gương mặt nhễ nhại mồ hôi, mùi thơm phưng phức của mẻ bánh nướng mới ra lò? Tiếng má thở dài não ruột rơi tõm vào thinh không. Mắt cha chao chác, bao đêm không ngủ, ngó đi đâu xa lắm. Cha quyết lên Sài Gòn tìm đường làm ăn. Lúc ấy, tôi vừa tốt nghiệp 12, cũng xin theo cha. Buổi tối đó, trời còn mờ đất, hơi sương quẩn quanh, hai cha con líu ríu dắt nhau ra bến xe. Nhà cách bến có bao lâu đâu, sao bữa đó tự dưng hai con mắt hoen mờ, bước trước xô bước sau muốn té, đi hoài hổng tới.
Tôi thi vô Học viện Âm nhạc Quốc gia, rồi thi cải lương mà không đậu. Buồn buồn đọc tờ báo thấy tuyển diễn viên điện ảnh hệ B. Tôi liều thử coi sao. Ai dè đậu thiệt. Lớp có mấy chục đứa, học đâu được vài tháng, không có tiền đóng học phí, rơi rụng từ từ. Cha tôi ở phố được ít lâu thì về, tình hình cũng chẳng có gì khả quan. Tôi thi đậu vô hệ A khoa diễn viên kịch, Trường Nghệ thuật sân khấu 2. Mỗi tháng còn được trường cấp bảy chục ngàn học bổng nữa. Như người sắp chết đuối vớ được cọc, tôi mừng quýnh, lao vô học như điên. Để xoay sở tiền ăn tiền ở, tôi xin đi quay video minh họa, đóng vai quần chúng. Ai kêu đâu làm gì, vai nào ngại ngán ngại khổ ới tiếng là tôi có mặt. Có những buổi quay trùng giờ học, muốn nghỉ quay để đi học mà nghỉ thì lấy gì lấp cái bụng đói meo, tiền đâu trả tiền nhà. Thành ra, mấy tháng sau, tôi bị đuổi học.
Cầm tờ quyết định thôi học trên tay, tôi lủi thủi đi, không cần biết đi đâu về đâu. Phải chi cuộc đời con người ta được đi mãi vậy, tới lúc nào mệt thì dừng thôi ha! Tương lai là cái gì đó hư ảo vô cùng. Ước mơ nhảy múa trước mặt tôi, chạy hụt hơi vẫn không bắt được. Có đêm tôi thấy mình đứng trên sân khấu, đèn sáng choang, bao đôi mắt háo hức dồn đổ, tiếng vỗ tay ầm ầm như sấm. Giật mình tỉnh dậy, đêm đặc quánh, chỉ có tiếng xe lâu lâu xé ngang đêm, vài tiếng chuột lít chít. Tự dưng tôi nghĩ, nếu mình buông xuôi, hóa ra mình thua cả con chuột kia nữa à. Vậy là tôi đứng dậy. Nhờ các chú các anh, các cô các chị tạo điều kiện, tôi càng có nhiều cơ hội lăn với nghề. Mỗi lần vậy, tôi lại được chỉ thêm chút chút. Tích lũy dần thành kinh nghiệm cho mình. Đưa vai nào, tôi đóng vai đó, nhỏ lớn gì cũng nhận. Vì mỗi lần đóng là mỗi lần được học mà. Bước lên sân khấu, tôi không còn là Cát Phượng nữa. Có lẽ vậy nên khán giả bảo tôi diễn rất thật.
Thời đó khổ mà vui. Tôi, anh Minh Nhí với Lý Hải thuê một cái gác dài ở chung cho đỡ tốn tiền. Ba anh em quậy như quỷ sứ. Anh Minh nổi tiếng trước, rồi tới Lý Hải, dọn ra ở riêng hết trơn. Còn mình tôi lụi hụi hoài. Mấy lúc đi diễn về ngó trước ngó sau có một mình, thèm nghe cái giọng của anh Minh vô cùng. Sau, ảnh mua được nhà, kêu tôi qua ở chung cho có anh có em. Tới hồi 3 đứa em tôi lên Sài Gòn học thì tôi tách ra, chị em đùm túm rau cháo qua ngày. Có bữa đói xanh cả mắt, đợi hoài hổng nghe ai kêu phim ảnh gì, tôi vô bệnh viện cho máu đổi lấy mấy chục ngàn mua mì gói cho tụi nó ăn cầm hơi…
Tôi đi diễn 4, 5 năm gì đó thì khán giả bắt đầu nhớ tên và yêu thích. Năm 2000 với tôi thực sự là một cột mốc đáng nhớ. Lúc nghe tên mình được xướng lên trong giải Mai Vàng, tôi loạng choạng đứng không nổi. Tối đó về nhà, tôi cứ ôm cái cúp mân mê, không sao ngủ được. Cho tới bây giờ tình thương của khán giả dành cho tôi vẫn y nguyên vậy. Tôi nhớ một lần đi diễn ở tỉnh, khuya lắc khuya lơ, trời lại đổ mưa. Tưởng khán giả về hết, ngờ đâu ngó ra sân khấu thấy nhấp nhô nào dù, nào áo mưa đợi tôi cho bằng được. Lần khác, vừa vô cánh gà, tôi gặp cô bé chừng 3, 4 tuổi nhất quyết đòi mẹ chụp tấm hình với tôi mới chịu về ngủ. Hỏi ra mới biết, để dỗ con ăn, người mẹ hay mở cho con xem cái đĩa hài của tôi. Nhiều chuyện thương lắm, kể sao cho hết.
3. Đời tôi như gió tràn qua cánh đồng vắng hút. Cơn này chưa qua cơn khác đã ập đến. Hiu hắt như đường phố một tối rả rích mưa, se sắt. Riết rồi cũng quen cái hơi thở của xô dạt. Đôi khi bình lặng quá lại cảm thấy tẻ nhạt.
Ngày cuộc hôn nhân của tôi rạn nứt, tôi hoang mang và tan nát hết cõi lòng! Tôi cố tìm hoài trong ký ức coi hai đứa có cái gì chung để níu kéo mà sao trống hơ trống hoác. Thôi thì giải thoát cho nhau. Duyên cạn thì tình phai. Bạn bè, mình còn mong yên ấm. Thì yêu thương một ai đó, sao không mong cho người mình yêu được hạnh phúc? Điều làm tôi dằn vặt và hối hận trong suốt thời gian dài là trót sinh ra con mà không thể vun vén cho con được đủ đầy yêu thương của cha của mẹ. Cái hôm người ta vui hạnh phúc mới, con ôm tôi thỏ thẻ: “Mẹ ơi, ba cưới vợ, mẹ đừng lấy chồng, bỏ con bơ vơ nha mẹ…”. 
Không biết sau này lớn lên, con có trách: “Mẹ là người ích kỷ, chẳng biết suy nghĩ cho con” không?. Rồi mấy lúc con nhìn bạn bè có đủ cha đủ mẹ đón đưa, làm sao con không chạnh lòng và tủi thân? Một thời gian dài, tôi ôm con chỉ biết khóc và khóc. Lắm lúc thiếu tỉnh táo, tôi từng nghĩ hay là chấm dứt cuộc sống này cho rồi. Sống làm chi mà rệu rã, mệt mỏi quá. Nhiều lúc ngồi ngoài phim trường chờ chuyển cảnh, tôi tự hỏi: “Giờ này 2, 3 giờ sáng, người ta ngủ hết trơn, còn mình ở đây kêu khóc thì khóc, cười thì cười. Rồi long nhong ngoài đường ngoài sá. Mình làm vì cái gì?”.
nghe si hai cat phuong ban mau hinh anh 3
Nghệ sĩ hài Cát Phượng và Thái Hoà thời còn hạnh phúc
Rồi thời gian cũng khỏa lấp tất cả. Niềm vui với nghề, tình thương của khán giả và con trai đã cho tôi nghị lực để đứng dậy và bước tiếp. Ông trời vốn dĩ luôn rất công bằng. Con tuy còn nhỏ nhưng rất sâu sắc và biết cảm thông. Hôm nào về sớm đón con, hễ thấy tôi là cả lớp con ùa ra như ong vỡ tổ. Con ôm tôi thủ thỉ: “Mẹ làm con hãnh diện quá hà! Con phải học thiệt giỏi để mẹ tự hào vì con mới được!”. Sau nhiều mất mát, đổ vỡ, cũng không biết rồi đây chuyện gì sẽ ập đến nữa. Nhưng dẫu sao thì đó cũng là sự an bài của số phận. Mình lại càng phải sống và sống thật tốt vì con, trở thành điểm tựa vững chắc cho con như má từng là chỗ dựa cho tôi. Đến tận bây giờ, Nghĩ về mẹ trời xanh tươi sắc nắng/ Hoa trong vườn không gió cũng xôn xao
Theo Hoàng Linh Lan (ANTG)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ sĩ hài Cát Phượng và cái thời 'bán máu nuôi em'