Nghệ sĩ Mạc Can là một trong những nghệ sĩ đặc biệt mà tôi được tiếp xúc. Bởi ông nổi danh ở hai vai trò, một diễn viên và là một nhà văn. Thế nhưng, tất cả thứ đó với ông hình như chỉ là danh xưng phù phiếm, bởi có vẻ như ông không quan tâm nhiều tới danh hiệu. Có lẽ, nghệ thuật đã chọn ông bằng những vai diễn nhỏ, để từ đó làm nên một tên tuổi in sâu trong lòng người hâm mộ.
“Già rồi còn được mời đóng phim là vui”
- Chào nghệ sỹ Mạc Can, có vẻ thời gian này ông đang rất thảnh thơi?
Đừng gọi tôi là nghệ sĩ, gọi tôi là ông Can được rồi. Nghe từ nghệ sĩ xa lạ lắm, tôi chỉ thích người ta gọi tên tôi, vậy thôi. Còn nói tôi thảnh thơi thì đúng rồi. Bây giờ tôi chẳng có gì ràng buộc, chỉ rong chơi vậy thôi. Muốn đi đâu thì đi, mà tôi chỉ đi trong thành phố thôi. Hoặc có mấy đạo diễn họ gọi “Bố ơi! Đi chơi với các con không?” là tôi đi liền, gọi vậy là tôi biết nó bảo tôi đi đóng phim, nghe vậy tôi đi ngay.
- Vậy ông nhận lời ngay cả khi ông chưa biết nội dung phim là gì ư?
Thì nói là nói vậy, chứ chúng biết thừa tôi hợp với loại vai gì và tôi sẽ nhận lời khi đóng dạng phim nào. Bao nhiêu năm trong nghề, hầu như đã làm việc với nhiều đạo diễn từ già đến trẻ, nên họ rành tôi lắm. Mình bây giờ còn có người mời đi đóng phim là còn vui, chứ nhiều ông bạn già còn không có vai hợp mà đóng. Lại nhớ nghề, lại bứt rứt khó chịu đó.
- Ngoài việc tham gia đóng phim vì nhớ nghề thì nghiệp diễn có còn là nghề mưu sinh chính của ông nữa không?
Tôi không biết nói thế nào cho phải, nhưng cũng có cả hai. Tôi già rồi, một tháng Nhà nước cấp cho ít tiền, tiền trợ cấp người già đó! Rồi đóng phim, rồi viết báo. Được đồng nào tiêu đồng đó, chứ có nghĩ gì nhiều nữa đâu. Nhưng yêu nghề vẫn là số một, cả đời tôi chỉ biết diễn, làm xiếc vặt và viết sách chơi chơi, vậy thôi.
- Nói đến chuyện phim ảnh, bây giờ ở tuổi này, thù lao cho mỗi bộ phim của ông là bao nhiêu?
Chuyện thù lao thì muôn vàn lắm! Không có mức cụ thể nào cả. Nếu tôi đóng phim cho hãng “giàu mạnh”, họ bảo: “Phim dạo này phát sóng ít người coi lắm bố ơi, lấy thù lao con từng này thôi nhé”. Từng này là cái kiểu một phân đoạn được ba bốn trăm nghìn, họ còn gộp nhiều phân đoạn thành một để bớt thù lao.
Những hãng phim tư nhân mời mình thì họ bảo: “Phim giờ sản xuất ra các Đài truyền hình cũng ít mua, bố lấy thù lao con ít ít thôi bố nhé”. Nhìn mặt bọn nó, thấy thương quá, nên gật đầu. Mà mình không gật đầu thì đòi hỏi được gì, già rồi. Thị trường phim ảnh nó cũng ế ẩm, nên còn có người mời cho mà đóng phim là mình vui rồi!
- Có khi nào ở cái tuổi này ông thấy chán phim ảnh?
Không không! Tôi đâu có chán phim được, cuộc đời tôi kỳ ngộ lắm, không có phim ảnh thì đâu còn tôi nữa. Tôi nghĩ, mình sinh ra để diễn xuất, đi diễn bọn trẻ còn bảo: “Sao đóng với bố Mạc Can lúc nào cũng ngợp”. Bọn trẻ nói tui diễn mà như không diễn, tôi nghĩ đó là cái năng khiếu trời ban, với sự học hỏi thêm hết một đời mình, nên tôi mới được như vậy.
Diễn viên trẻ bây giờ hời hợt lắm
- Nói về những nghệ sỹĩ trẻ, ông được tiếp xúc nhiều, ông đánh giá như thế nào về lòng yêu nghề của họ?
Tôi chia sẻ chân thành là thế này, thực ra đi đến đoàn phim nào, thái độ với tôi, các cháu trẻ rất lễ phép, yêu mến tôi lắm. Nhưng về thái độ làm việc, công tâm mà nói, tôi thấy đa số diễn viên trẻ làm việc hời hợt. Như đi đóng phim, tôi thấy có nhiều diễn viên đến muộn là chuyện thường, họ thường xuyên như thế. Khi đến cảnh quay, họ ngồi chơi chứ không học lời thoại, đa số phải nhắc thoại.
Tôi mấy chục năm trong nghề, mỗi lần có ai mời đóng phim, mình cũng phải xem qua kịch bản, phải đọc lời thoại. Bất đắc dĩ, có lý do chính đáng như được mời gấp, hoặc trước đó bệnh tật gì, mình mới phải nhắc thoại, hoặc có nhắc nhưng ít. Đằng này, tôi thấy đa số diễn viên đóng phim hình như không coi kịch bản trước đó. Đi đóng phim ở phim trường khác cũng chạy sô đến rồi vội vội vàng vàng hóa trang, đi hát ở đâu rồi ngủ dậy muộn cũng chạy đến để quay... nên diễn cứ đơ đơ. Người diễn viên đã yêu nghề thì phải nghiêm túc. Tôi nghĩ, nghề diễn viên hơn hết là đam mê, nghiêm túc và phải học hỏi lâu dài mới có thể làm nghề cho ra nghề.
- Ông thấy sao khi hiện nay nhiều người cứ ào ào đóng phim dù chưa có kinh nghiệm gì?
Tôi nghĩ, nghề diễn cần có năng khiếu và đam mê. Có người học qua trường lớp nhưng diễn cũng không hay, có nhiều người không qua trường lớp nào lại diễn xuất rất giỏi. Điều quan trọng là người đó có thực sự nghiêm túc với nghề không, chứ không phải làm diễn viên chỉ để được nổi tiếng, được nhiều người biết đến.
- Ông cũng là nghệ sỹ được nhiều người biết đến, nếu một ngày nào đó đi ra đường mà không ai nhớ đến ông, ông có buồn không?
Tôi cũng không biết tôi có buồn vì điều đó không, nhưng tôi là người thường trực nỗi buồn. Tôi luôn luôn suy nghĩ, thường sống về đêm và cảm thấy cô độc. Tôi thấy cuộc đời tôi là cuộc đời kỳ ngộ, nhiều cái tôi còn không hiểu chính tôi nữa. Thoắt buồn, thoắt vui...
- Được biết, ông có nhiều người quan tâm, nhiều bạn tốt cả các nghệ sĩ trẻ nổi danh?
Đúng vậy, tôi có rất nhiều bạn tốt với tôi lắm. Cũng có nhiều nghệ sĩ trẻ thương tôi, có lúc Đàm Vĩnh Hưng nghe ai nói là tôi bị bệnh tim, sau đó Hưng gọi hỏi tôi, tôi bảo tôi chỉ đau khớp với bệnh gút thôi. Vậy là Hưng cho tôi 30 triệu đồng, đi ra ngân hàng, bảo với nhân viên ngân hàng là lập cho tôi cái sổ tiết kiệm, mỗi tháng đưa lãi cho tôi để tôi tiêu, chứ không đưa tiền gốc. Tôi biết, Hưng tốt với tôi vì Hưng biết tôi mà có tiền là tôi hư (cười). Rồi tôi hư cái điện thoại, Hưng cũng cho tôi cái đang dùng đó.
Có lúc, mấy cháu nghệ sĩ trẻ như Lý Hải và mấy người nữa tham gia đá bóng quyên góp tiền giúp tôi. Hay lâu lâu, các nhà báo lớn tuổi gọi tôi qua, bảo sang mà lấy nhuận bút, tôi bảo lâu rồi tôi có viết gì đâu nhỉ? Xong vẫn sang, rồi được ký, lấy mấy triệu, hóa ra người ta muốn biếu tôi mà cứ nói vậy. Tôi hỏi, thì người ta bảo, bác lấy trước hôm nào trả bài sau. Nhiều người tốt với tôi lắm, tôi nhớ không hết. Nhưng luôn cảm ơn, vì cuộc đời còn nhiều người tử tế lắm.
- Nghe nói ông từng sang Mỹ sống với con gái?
Tôi có đi Nhật, đi Mỹ và vài nước nữa. Chuyện đó ai cũng biết rồi, tôi trả lời phỏng vấn nhiều rồi. Nhưng mà tôi biết tôi chỉ hợp với Sài Gòn này thôi, đi vòng vòng vậy, mệt thì đi ngủ, đói thì ăn. Mà bây giờ có ăn được bao nhiêu nữa đâu, một ngày tôi ăn một bữa, uống trà đá, vì tôi bị gút. Ngày tôi sang Mỹ, có người nói đất nước đó là thiên đường, nhưng có lẽ không hợp với những người như tôi. Tại tôi già rồi, không thích cuộc sống cứ đi làm, đi làm, đi làm rồi đi làm... ai cũng cuống cuồng với công việc. Tôi chỉ thích nói chuyện và được chia sẻ, thế là đủ!”.
- Ông thường nghĩ về ai mỗi lúc thấy buồn?
Tôi nghĩ về nhiều người, nhưng có lúc tôi nghĩ về ông bạn già Hồ Kiểng. Ông ấy đã an vui rồi, hôm trước tôi lên Bình Dương thăm ông ấy, mộ ông ấy cạnh mộ nhà văn Sơn Nam. Tôi đứng ở đó, cứ nói rầm rầm, là sau này tôi thèm nằm bên cạnh hai cái ông bạn già đó. Không hiểu sao, tôi về nhà thì được ông Giám đốc nghĩa trang đó gửi một cái giấy xuống, đại khái là cho tôi một cái chỗ trên đó đó. Tôi thấy vui, sau này tôi có thể ở bên các ông bạn già của mình, có thể trò chuyện vui vẻ và an bình.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện, chúc ông vui vẻ và mạnh khỏe!
Theo Tôn Hương Sen/ĐS&PL