Từ ngày 24.5 tại TP.HCM sẽ diễn ra triển lãm ‘Nơi giữa sự phân mảnh & Cái toàn thể’ của nghệ sĩ Trương Công Tùng. Chương trình sẽ giới thiệu đầy đủ nhất các tác phẩm của anh trong gần một thập niên.

Nghệ sĩ Trương Công Tùng: ‘Nơi giữa sự phân mảnh & Cái toàn thể’

Tiểu Vũ | 19/05/2018, 05:51

Từ ngày 24.5 tại TP.HCM sẽ diễn ra triển lãm ‘Nơi giữa sự phân mảnh & Cái toàn thể’ của nghệ sĩ Trương Công Tùng. Chương trình sẽ giới thiệu đầy đủ nhất các tác phẩm của anh trong gần một thập niên.

Nơi giữa sự phân mảnh & Cái toàn thể lấy cảm hứng từ chương đầu tiên của cuốn sách Cái toàn thể & Trật tự ẩn (1980) của nhà vật lý nghiên cứu lý thuyết lượng tử nổi tiếng David Bohm. Những ảnh hưởng của Bohm không chỉ nằm trong chuyên ngành của ông mà còn lấn sang cả triết học và nghệ thuật, nổi bật với việc ứng dụng những lý thuyết vật lý để lý giải về ý thức con người và vũ trụ.

Theo Bohm, vũ trụ có một trật tự ẩn, nó cuộn vào và mở ra nhằm tỏa rộng tới một thực tại đa chiều. Vạn vật đều được kết nối trong “Cái toàn thể” nguyên vẹn này; và bất cứ yếu tố đơn lẻ nào cũng có thể hiển lộ thông tin chi tiết về mọi yếu tố khác trong vũ trụ.

Tác phẩm Dấu vết của vô cực(2018) củaTrương Công Tùngsử dụngbao nhựa, đất, rễ cây cà phê, vòng hoa tang, tổ ong, lòng chảo kim loại, ăng ten, hạt cườm, xác ve, đèn chùm, và các vật liệu tổng hợp khác- Ảnh: BTC

Triển lãm của Trương Công Tùng là một ẩn dụ tương đồng với khái niệm này của Bohm. Từ ý thức cá nhân về “Cái toàn thể” trong anh và môi trường xung quanh,qua đó nghệ sĩ Trương Công Tùng muốn hé lộ sâu hơn mối tương quan giữa các phân mảnh về cá nhân, gia đình, khu vực, đất nước và cả thế giới quan. Trương Công Tùng đưa ra lý giải cho những điều vô lý, kết nối những mảnh tách rời và gắn kết chúng qua không gian và thời gian, để tạo nên một trật tự toàn thể phi tuyến tính.

Tác phẩm Bên kia rừng rậm (2016) của nghệ sĩ Trương Công Tùng - Ảnh: TCT

Bộ tác phẩm của nghệ sĩ Trương Công Tùng sử dụng nhiều phương tiện, chất liệu khác nhau, từ những điêu khắc đan xen vật thể tự nhiên với vật thể nhân tạo, sắp đặt video, tranh trên gạch cho đến tranh nhiều lớp trong hộp đèn. Tất thảy tạo nên một bộ ký hiệu học với các biểu tượng tự đặt, với những ý nghĩa vượt khỏi sự mô phỏng thiên nhiên. Bắt nguồn từ bối cảnh của chính nghệ sĩ tại Sài Gòn và khu vực Tây Nguyên, Việt Nam, triển lãm của Trương Công Tùng đề xuất một sự cắt nghĩa bất định về toàn bộ loài người.

Nghệ sĩ Trương Công Tùng - Ảnh: Sàn ART

Trong đó, công cuộc hiện đại hóa thẳng tiến của họ đã khai mở, mô phỏng, điều chỉnh rồi phá vỡ tự nhiên - ở đây vừa có nghĩa là thế giới tự nhiên vừa là bản chất tự nhiên của con người về tính tập thể và hài hòa.

Thông qua những tác phẩm của nghệ sĩ Trương Công Tùng, người xem sẽ có cơ hội một phần nào đó được thâm nhập thực tại đa chiều của Trương Công Tùng qua ba trục chính trong không gian trưng bày: chiều thẳng đứng - với loạt đứt gãy trong quy hoạch đô thị và các giáo lý mang tính tuyên truyền; chiều ngang - với vẻ thần bí của những cảnh quan bị con người thay đổi ở vùng nông nghiệp xa xôi; đường chéo - với những hình ảnh rực rỡ từ thế giới ảo.

Triển lãm sẽ khai mạc vào lúc 18 giờ 30 ngày 24.5 tại Galerie Quỳnh (118 Nguyễn Văn Thủ, Đakao, Quận 1, TP.HCM). Về chương trình bên lề triển lãm, Art tour cùng giám tuyển sẽ diễn ra vào 15 giờ ngày 2.6 bằng tiếng Việt và lúc 17 giờ bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, buổi trò chuyện cùng nghệ sĩ diễn ra vào lúc 17 ngày 23.6 bằng tiếng Anh (có phiên dịch ra tiếng Việt để phục vụ người Việt). Triển lãm kéo dài đến ngày 30.6.

Trương Công Tùng

Trương Công Tùngsinh năm1986 tạiĐăk Lăk, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuậtThành phố Hồ Chí Minhnăm 2010 với bằng Cử nhân về tranh sơn mài,là thành viên của nhóm nghệ sĩ Art Labor, hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM

Anhlà một nghệ sĩ thị giác với thực hành nghệ thuật trải dài từ tranh vẽ, video, cho đến tác phẩm sắp đặt. Luôn bị thu hút bởi những hiện tượng không thể lý giải được trong tự nhiên và xã hội, Công Tùng lấy nguồn cảm hứng sáng tác từ những văn hoá tâm linh, lịch sử truyền miệng, và những ký ức cá nhân. Anh đem chúng vào trong nghệ thuật của mình nhằm khám phá những biến đổi trong xã hội, liên quan đến chủ đề sắc tộc và tôn giáo.

Năm 2016 Trương Công Tùng từng tổ chức cuộc triển lãm mang tênBên kia rừng rậm. Đâylà dự án nghệ thuật được thực hiện với nguồn cảm hứng từ lịch sử và văn hóa người Jarai, dân tộc lớn nhất ở khu vực Tây Nguyên, Việt Nam, vốn cũng là quê hương của nghệ sĩ. Sử dụng những yếu tố dân gian kết hợp cùng quan sát tinh tế về quang cảnh và cuộc sống của người Jarai đương thời, các tác phẩm của Trương Công Tùng mở ra những chiêm nghiệm buồn bã về tiến trình ẩn giấu nhiều thăng trầm của một cộng đồng.

Trước đó từ năm 2012 - 2014Trương Công Tùng thu thập các đoạn video quay bởi những người đến thăm khu vườn và tạo ra một bộ phim tài liệu pha chút hư cấu về sự kiện lạ kỳ này. Những người đến đây tin rằng năng lượng của họ đã tăng lên theo khoảng thời gian mà họ ở trong khu vườn thần kỳ, khiến cho họ có thể bắt được sắc cầu vồng và ánh hào quang trong video. Theo như lời của nghệ sĩ, anh “không thể nhìn thấy sắc cầu vồng hiện lên trong những bức ảnh chụp hay thước phim mình quay được. Họ - những bệnh nhân và khách đến thăm - quả quyết rằng chỉ có những người với đức tin vào khu vườn mới có thể bắt được hiệu ứng nàytrong 'Khu vườn kỳ lạ'. TrươngCông Tùng đã sống và làm việc ngay tại khu vườn, với mục đích quan sát các vị khách đến thăm và người chủ khu vườn, qua đó thể hiện quan điểm của mình về niềm tin vô điều kiện của nhóm người này.

Tiểu Vũ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ sĩ Trương Công Tùng: ‘Nơi giữa sự phân mảnh & Cái toàn thể’