Nhằm ngăn chặn Montenegro gia nhập NATO, tình báo quân đội Nga (GRU) đã có kế hoạch lật đổ lãnh đạo Montenegro, theo Newsweek.

Nghi án tình báo Nga mưu sát nhà lãnh đạo Montenegro

15/07/2018, 14:55

Nhằm ngăn chặn Montenegro gia nhập NATO, tình báo quân đội Nga (GRU) đã có kế hoạch lật đổ lãnh đạo Montenegro, theo Newsweek.

Quân tình báo Nga rèn luyện chiến đấu - Ảnh: Getty Images

Trang tin dẫn một báo cáo mới của Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại (Mỹ) đưa thông tin chi tiết cuộc điều tra, về vụ GRU toan cướp chính quyền Montenegro sau cuộc bầu cử quốc hội nước này ngày 16.10.2016.

Ý đồ của vụ gây bạo lực này là sẽ gây ra tình trạng khẩn cấp, tiếp đó giao quyền kiểm soát chính quyền cho các chính khách thân Nga, cùng những người lãnh đạo chống lại việc Montenegro gia nhập NATO. Trong sự hỗn loạn của vụ cướp chính quyền, nhóm chủ mưu sẽ ám sát ông Milo Djukanovic, thủ tướng lúc đó (nay là Tổng thống Montenegro).

Moscow biết NATO sẽ miễn cưỡng hoặc không sẵn lòng đón nhận thêm một quốc gia thành viên mới, nếu nước ấy có xung đột. Nhưng trước đây, ít người nghĩ đến chuyện Nga có thể ám sát một lãnh đạo dân cử.

Giả cảnh sát bắn người ủng hộ đảng đối lập để vu cáo chính quyền

Chủ mưu là Bratislav Dikic, 48 tuổi, từng tham gia chiến tranh Serbia ở Kossovo vào cuối những năm 1990, và cũng đánh quân ly khai thiểu số Albania ở Thung lũng Presevo (Serbia) hồi đầu những năm 2000.

Sau đó, Dikic từng là chỉ huy cảnh sát đặc nhiệm Serbia (còn gọi là chiến binh Serbia) từ năm 2009 đến năm 2013. Sau nữa, Dikic thường xuất hiện ở các cuộc tập kết trên toàn Serbia, phản đối sự có mặt của NATO ở vùng Balkans.

Theo báo cáo điều tra, âm mưu cướp chính quyền Montenegro do Nga dựng, vào tối của ngày bầu cử 16.10.2016, đảng đối lập cánh hữu Mặt trận Dân chủ (DF) sẽ tuyên bố thắng cử.

Trước đó, Dikic chỉ huy 20 tay súng nổi dậy giả làm sĩ quan cảnh sát Montenegro, nhận nhiệm vụ chiếm trụ sở quốc hội nước này, nã súng vào đoàn biểu tình thân DF, để tạo cớ cảnh sát của chính phủ Thủ tướng Djukanovic cản trở DF nắm quyền lực.

DF gồm nhiều công dân Serbia, người nói tiếng Nga và nhiều thành phần phản đối Montenegro gia nhập NATO.

Trong khi đó, điệp viên GRU đứng ngoài hỗ trợ.

Nhưng kế hoạch cướp chính quyền bị thất bại. Các quan chức Montenegro được Serbia báo động về sự hiện diện của khoảng 50 điệp viên GRU ở nước họ, trước khi nhóm này xâm nhập Montenegro trái phép vào đêm trước cuộc bầu cử.

4 ngày trước cuộc bầu cử, cựu sĩ quan cảnh sát Mirko Velimirovic nhận tội tham gia âm mưu cướp chính quyền và giúp vận chuyển vũ khí. Các điện thoại mã hóa của nhóm âm mưu được phát hiện nơi nhiều đảng viên DF.

Hai thủ lĩnh DF là Andrija Mandic và Milan Knezevic đều bị buộc tội lật đổ chính quyền, tương tự là Aleksandr Sindjelic, một cựu binh Nga ở Đông Ukraine và là thủ lĩnh nhánh Serbia của câu lạc bộ mô tô Sói Đêm, thân Điện Kremlin.

Sau này, Sindjelic khai điệp viên GRU Eduard Shishmakov là nhà tài trợ chính của âm mưu cướp chính quyền.

Hai thủ lĩnh DF Mandic và Knezevic trước khi bị truy tố - Ảnh: Getty Images

Theo cáo trạng, hai điệp viên GRU Shishmakov và Vladimir Popov đã đưa 200.000 USD cho Dikic mua vũ khí và điện thoại mã hóa để thực hiện vụ đảo chính.

Báo cáo điều tra nhấn mạnh: “Theo các quan chức, các công dân Serbia lập kế hoạch từ đầu năm 2016, theo chỉ đạo của GRU và của các điệp viên Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB)”.

Theo báo cáo điều tra, 50 điệp viên GRU khi biết âm mưu bị lộ đã trốn khỏi Montenegro.

Cho đến nay, chỉ có hai điệp viên GRU Shishmakov và Popov bị Montenegro xử vắng mặt, sau khi họ trốn qua Serbia và được giao trả về Nga hồi cuối tháng 10.2016, một ngày sau khi cựu chỉ huy FSB Nikolai Patrushev đến thăm Serbia.

Tổng thống Putin và cựu chỉ huy FSB Patrushev - Ảnh: Getty Images

Vì sao Nga muốn lật đổ chính phủ Thủ tướng Djukanovic?

Âm mưu đảo chính đánh dấu lần đầu tiên Nga toan tính sử dụng bạo lực bên ngoài khối Liên Xô cũ, nhằm đạt được các mục tiêu chính trị, theo nhóm tác giả báo cáo vốn dựa theo các nhân chứng cùng chứng cứ vật lý.

Báo cáo viết: “Trong các tháng trước cuộc bầu cử quốc hội ngày 16.10.2016, điệp viên Nga, phần tử cực đoan Serbia, thủ lĩnh liên minh đối lập toan dùng vũ lực để cướp chính quyền vào tối của ngày bầu cử”.

Nhóm tác giả viết thêm: “Chúng lên kế hoạch kích động bạo lực chính trị với hy vọng xúi giục các cuộc biểu tình trên toàn quốc, và lật đổ chính phủ đảng Dân chủ Xã hội (DPS) của Thủ tướng Milo Djukanovic”.

Ông Djukanovic từng là đảng viên cộng sản và là một nhà kinh tế học đẩy Montenegro vào quỹ đạo NATO. Từ khi Montenegro độc lập (sau khi tách khỏi Nam Tư hồi 20 năm trước), ông thống trị chính trường nước này.

Theo nghiên cứu của Dimitar Bechev, một chuyên gia về Balkans ở Đại học Bắc Carolina (Mỹ), ông Djukanovic cũng từng là bạn của ông Yuri Luzhkov, cựu Thị trưởng Moscow, và tạo điều kiện cho Nga đầu tư vào Montenegro.

Ông Djukanovic còn giám sát quá trình tư hữu hóa nhà máy nhôm chính của nước ông, cùng giám sát quá trình bán nhà máy này cho tỷ phú Nga Oleg Deripaska, người có quan hệ thân cận với Điện Kremlin.

Ông Deripaska được cho là giúp ông Djukanovic lập sự nghiệp chính trị, bằng cách thuê ông Paul Manafort (cựu trưởng ban tranh cử tổng thống Mỹ 2016 cho tỉ phú Donald Ford) làm tư vấn cho ông Djukanovic.

Nhưng mối quan hệ giữa ông Djukanovic với các đại gia Nga đổ vỡ, khi Montenegro quyết chơi với phương Tây. Đảng DPS của ông ủng hộ việc Montenegro gia nhập NATO và khối Liên hiệp châu Âu (EU).

Cuối năm 2015, chính quyền DPS chính thức nhận lời mời gia nhập NATO và bắt đầu chuẩn bị để Montenegro trở thành một quốc gia thành viên NATO.

Montenegro có 600.000 dân, là một điểm đến du lịch ưa thích của dân Nga (năm 2016 đạt 300.000 lượt khách) như vùng du lịch Budva được gọi là “Moscow trên biển”.

Nhưng các chuyên gia còn nêu từ nhiều năm, Moscow đã vận động hành lang để có giấy phép sử dụng các cảng Montenegro vào việc bảo trì và nạp nhiên liệu cho các tàu chiến Nga tham gia các hoạt động ở các nơi, như Syria.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu quốc tế nêu: “Nhiều năm trước, Nga tăng sự chú ý vào Montenegro. Khi không thể đảm bảo sự tin cậy của cơ sở hải quân Nga ở Tartus (Syria), Nga bắt đầu tìm sự thay thế. Tháng 9.2013, chính quyền Nga đề nghị có cuộc gặp với Bộ Quốc phòng Montenegro để bàn việc cho phép tàu chiến Nga cập các cảng Bar và Kotor cùng đặc quyền sử dụng lãnh hải”.

Nhưng Thủ tướng Djukanovic bác đề nghị, từ đó Nga muốn cài cắm người nắm quyền lực để Nga có chân đứng ở Montenegro, và thế là có âm mưu cướp chính quyền.

Tổng thống Nga Putin tiếp Thủ tướng Djukanovic năm 2006 - Ảnh: Getty Images

Vẫn còn nguy cơ bất ổn ở Montenegro

Nay Montenegro đã là thành viên NATO, đang nỗ lực gia nhập EU. Cựu Thủ tướng Djukanovic vẫn nắm quyền lực và được bầu làm Tổng thống hồi tháng 4.2018.

Cuộc điều tra của công tố viên Montenegro về âm mưu đảo chính năm 2016 vẫn tiếp tục, nhưng các chuyên gia cảnh báo tình hình vẫn bất ổn: DF tiếp tục là đảng đối lập lớn nhất ở Montenegro, và nhiều người cảnh báo Nga cùng các đồng minh chống NATO vẫn có khả năng gây bất ổn khu vực.

Mark Simakovsky, một chuyên gia về Nga và là cựu cố vấn Bộ Quốc phòng Mỹ, nói với Newsweek: “Nguy cơ Nga can thiệp, gây bất ổn ở các nước này vẫn cao. Nga đang tăng vai trò ở vùng Balkans để gây hại cho an ninh các nước này”.

Nhiều quan chức Montenegro công khai tuyên bố họ có bằng chứng Nga đứng sau âm mưu cướp chính quyền, nhưng vài nhà phân tích vẫn nghi ngờ.

James Ker-Lindsay, một chuyên gia về Balkans, nói với Newsweek: “Dù Montenegro là nước thành viên nhỏ nhất trong NATO, quyết định tham gia tổ chức này có tính biểu tượng quan trọng. Montenegro có truyền thống quan hệ tốt với Nga, nhưng Nga rất không hài lòng Montenegro vào NATO. Có lúc đã có sự quan ngại sâu sắc về khả năng Nga xâm nhập các cơ quan tình báo Montenegro... Tuy nhiên, dù có tuyên bố rằng có chứng cứ rõ ràng kết nối Nga với âm mưu lật đổ chính quyền, điều đáng lưu ý là các nhà quan sát vẫn nghi ngờ câu chuyện này”.

Dù vậy, ông Richard Kraemer, một trong nhóm tác giả báo cáo, nói với Newsweek: “Tôi hy vọng báo cáo này sẽ báo động Nga rất nghiêm túc trong việc triển khai thế lực cứng để đạt các mục tiêu chính trị ở vùng Balkans. Nga có chính sách về Balkans và họ sẽ sử dụng các biện pháp bạo lực để thực hiện chính sách này”.

Nga xem liên minh quân sự phòng thủ NATO gồm 29 quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ là mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh quốc gia Nga, và ngăn chặn khả năng Nga kiểm soát “vùng sân sau”.

Nhiều nước láng giềng của Nga, gồm 3 nước vùng biển Baltic (Litva, Latvia, Estonia) và Ba Lan đã gia nhập NATO, và Nga tích cực ngăn không cho Gruzia và Ukraine bắt chước theo các nước này. 10 năm qua, Nga ủng hộ các phong trào ly khai ở 2 nước này.

Vĩnh Thụy (theo Newsweek)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghi án tình báo Nga mưu sát nhà lãnh đạo Montenegro