Ngoại trừ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lỗ đột biến do nguyên nhân khách quan, tổng lợi nhuận trước thuế của 18 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 39.219 tỉ đồng (bằng 173% kế hoạch và bằng 117% so với năm 2021).

Ngoại trừ EVN lỗ đột biến, 18 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước ước đạt hơn 39 nghìn tỉ lợi nhuận

Hoài Lam | 15/12/2022, 16:47

Ngoại trừ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lỗ đột biến do nguyên nhân khách quan, tổng lợi nhuận trước thuế của 18 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 39.219 tỉ đồng (bằng 173% kế hoạch và bằng 117% so với năm 2021).

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh – Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, năm 2022, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường.

Cụ thể, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái; tình trạng lạm phát cao, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt; tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc kéo dài; giá dầu biến động phức tạp; rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp gia tăng, cạnh tranh; chiến lược nước lớn, bất ổn địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine, an ninh năng lượng, an ninh lương thực; thiên tai, biến đổi khí hậu…

nn-2.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh – Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Theo ông Cảnh, về thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022, tổng doanh thu công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt hơn 1,12 triệu tỉ đồng (bằng 114% kế hoạch và 133% so với năm 2021).

Ngoại trừ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lỗ đột biến do nguyên nhân khách quan, tổng lợi nhuận trước thuế của 18 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 39.219 tỉ đồng (bằng 173% kế hoạch và bằng 117% so với năm 2021).

Trong đó, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 17/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước.

Về thực hiện và giải ngân vốn đầu tư năm 2022, sau 4 năm chuyển về ủy ban quản lý, có 41 dự án nhóm A, 125 dự án nhóm B đã được các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban phê duyệt/triển khai thực hiện/hoàn thành đầu tư.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư; trong đó, có 10 dự án lớn, quan trọng, cấp thiết đã chậm tiến độ từ nhiều năm, với tổng mức đầu tư khoảng 259.000 tỉ đồng.

“Ủy ban đã chú trọng đề cao nguyên tắc tuân thủ pháp luật và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, nhất là đối với các dự án đầu tư lớn. Đối với những vấn đề pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa đủ rõ, Ủy ban đã chủ động đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn làm rõ để bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ. Qua đó, tránh những sai phạm, sơ hở trong quá trình thực hiện như trước đây đã xảy ra ở một số doanh nghiệp”, ông Cảnh nêu.

Về cơ bản, 19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn nhà nước; thể hiện rõ vai trò trong việc góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

nn-3.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá: “Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty đã nỗ lực và quyết tâm cao độ, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng mọi thời cơ. Các tập đoàn, tổng công ty thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực; tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước; góp phần bảo đảm cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô".

Ngoài ra, trong năm 2022, Ủy ban và các doanh nghiệp đã triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đó là các cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt cả về kinh tế, chính trị lẫn an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng như chuỗi dự án Lô B, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, Cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Theo dự báo, tình hình quốc tế và trong nước năm 2023 tiếp tục có nhiều yếu tố rủi ro, phức tạp, khó lường. Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2023, Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty cần nỗ lực, quyết tâm rất lớn để vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt được cơ hội đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển.

“Với kinh nghiệm, sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao và kết quả đạt được năm 2022, tôi tin tưởng rằng, năm 2023, Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ công tác đề ra”, ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.

Bài liên quan
EVNSPC phát động phong trào thi đua nước rút 90 ngày hoàn thành đóng điện 50 công trình lưới điện 110kV
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và Ban Thường vụ Công đoàn EVNSPC đã ban hành Chỉ thị liên tịch số 889/CTLT-EVNSPC-CĐ, phát động Phong trào thi đua nước rút 90 ngày nỗ lực “Hoàn thành đóng điện 50 công trình lưới điện 110kV” chào mừng 50 năm EVNSPC “Xây dựng - Phát triển - Thắp sáng niềm tin” (30.4.1975 - 30.4.2025) và chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng công ty nhiệm kỳ 2025-2030.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cuộc họp Thủ tướng ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 22.2, nhân dịp tham dự Cuộc gặp giữa ba người đứng đầu ba Đảng Việt Nam, Campuchia và Lào tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp làm việc với Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhằm quán triệt các nội dung thỏa thuận tại kết luận của cuộc gặp giữa ba người đứng đầu ba đảng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngoại trừ EVN lỗ đột biến, 18 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước ước đạt hơn 39 nghìn tỉ lợi nhuận