Người có lòng tự trọng sẽ không bao giờ bước chân vào những quán ăn mà chưa cần biết ngon hay dở, chỉ thấy người bán thì vô văn hóa, người ăn thì nhục nhã vì “một bữa no”.
Tự hào nỗi gì?
Nhiều người rộn ràng chia sẻ phóng sự về quán “bún mắng” ở phố Ngô Sĩ Liên trên kênh truyền hình CNN, như niềm tự hào về nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của Hà Nội được quảng bá rộng rãi đến bạn bè quốc tế.
Không biết tự hào nỗi gì, khi bao nhiêu tinh túy ẩm thực, văn hóa thanh lịch của Thủ đô không được nhắc tới, mà lại là “bún mắng”, một lối hành xử nhếch nhác và vô văn hóa âm thầm tồn tại và nghiễm nhiên trở thành cái hay ho, len lỏi đi vào đầu óc không ít người bao nhiêu năm nay.
Chắc không mấy người để ý, ngoài việc khen ngợi món bún chân giò dọc mùng, vị đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain còn dí dỏm ví von trên CNN, “món chửi của bà chủ quán cũng là thực đơn của quán ăn này”.
Chẳng ai còn lạ gì những cụm từ đã trở thành thuận miệng, quen tai như “bún mắng”, “cháo chửi”, “ốc lắm mồm” ở Hà Nội. Chủ quán cứ chửi xơi xơi, văng đủ những ngôn từ tục tĩu và chợ búa chát chúa vào mặt khách. Khách cứ giả điếc, im bặt không dám nói một lời, lẳng lặng xếp hàng, vô tư ngồi ăn, thậm chí đông quá không có chỗ còn đứng ăn.
Các cụ nói “miếng ăn là miếng nhục”. Có đặt chân đến những quán ăn này mới thấy, dân mình chịu nhục giỏi. Chửi đến như thế mà vẫn nườm nượp người nhẫn nhịn nhục nhã để ăn được bát phở, miếng bún, đĩa ốc thì cũng thật tài tình.
“Một bữa no”
Mấy chục năm qua đi, nhiều người vẫn không khỏi “rùng mình” khi nhớ lại những ngày bao cấp thiếu thốn trăm bề, đặt gạch xếp hàng dài dằng dặc để có được miếng ăn, coi “thủ kho”, “nhà bếp” như người ban phát đặc ân.
Thế nên sau này, khi đặt chân đến những cửa hàng giăng kín khẩu hiệu “khách hàng là thượng đế”, “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, người dân mới thấy sự phấn khởi khi sống trong cơ chế thị trường. Mất tiền không chỉ để ăn ngon, mà còn mua cả cung cách phục vụ đàng hoàng, lịch sự của cửa hàng.
Nhưng cái cảm giác thời bao cấp hẳn sẽ sống lại trong nhiều người khi tới những “bún mắng”, “cháo chửi”, “ốc lắm mồm”, rồi cả “phở xếp hàng” ở Thủ đô.
Chưa bước chân vào quán đã nghe xối xả “muốn ăn thì về nhà mà ăn”, “mắt mù không thấy quán bán gì à mà đòi ăn bún riêu?”, “không ăn thì biến đi cho rộng chỗ”, “chưa ăn đã đòi uống nước, ra khỏi quán của bà”, “mày muốn mua hai bát nhưng bà không bán, bà chỉ bán một bát, không ăn thì biến”…
Không biết những người đã và đang là khách hàng thường xuyên, nhẫn nhịn để ăn ở đó cảm giác như thế nào, chứ người có lòng tự trọng, chắc hẳn sẽ phản ứng dữ dội và không bao giờ trở lại những quán ấy lần thứ 2.
Bởi mất tiền để mua miếng ăn mà lại vừa đắt đỏ hơn hẳn những quán khác, vừa tự phục vụ, vừa được ăn chửi no trước khi ăn bún, thì đó là đi ăn hay đi xin ăn?
Viết đến đây lại nhớ tới Nam Cao, theo lời nhận xét của GS Nguyễn Đăng Mạnh, là “cây bút viết về cái đói và miếng ăn nhiều hơn cả và viết một cách sâu sắc, cay đắng, day dứt hơn cả”.
Cây bút này nếu còn sống, không biết có bất lực trước “một bữa no” của năm 2016.
Xóa sổ lối ứng xử vô văn hóa
Hồi năm 2014, người dân Thủ đô xôn xao khi Sở VHTTDL Hà Nội tiến hành hẳn một hội thảo để thống nhất “khung quy tắc ứng xử” nhằm xây dựng các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử. Một phần bộ khung quy tắc này, như lời tuyên chiến nhằm hướng đến việc xóa sổ những “bún mắng”, “cháo chửi” đầy xấu xí.
Tới năm 2015, UBND TP Hà Nội lại vào cuộc, giao cho Sở VHTT&DL kiểm tra, xem xét, chấn chỉnh việc ứng xử văn hóa không phù hợp nơi công cộng. Mấy ông bà “bún mắng”, “cháo chửi” lại được nhắc đến đầu tiên.
Nhưng tới 2016, chưa kịp xóa sổ thì những “đặc sản” Thủ đô này được lên hẳn CNN, khiến “bún mắng” trở thành một trong những điều gợi nhớ tới Hà Nội.
Những người đang cất lòng tự trọng để cắm cúi ngồi ăn chắc quên mất một điều, không nơi nào trên thế giới có hẳn một kho tàng những câu tục ngữ, ca dao, vần vè, bút kí, truyện ngắn…nói về miếng ăn như ở Việt Nam. Đó là lời nhắc nhở cả một thời kì dài dân tộc đói nghèo trong rơm rạ, cũng là lời răn dạy lối sống cao đẹp, trọng nhân cách vượt lên miếng ăn đơn thuần.
Dân gian có câu, “lời chào cao hơn mâm cỗ” để đề cao lời chào hỏi tôn trọng, nhân cách của con người hơn miếng ăn miếng uống tầm thường. Và bao nhiêu đời nay, các bậc cha mẹ vẫn dạy con mình cách ứng xử ấy để giữ lòng tự trọng.
Vậy mà cứ xông vào “bún mắng”, “cháo chửi”, “ốc lắm mồm”, “phở xếp hàng” ngồi lấm lét ăn trong nhục nhã, thì lòng tự trọng và nhân cách của chính mình, cũng chỉ xứng với “một bữa no” mà thôi.
Theo An My/ VTC