Sức tăng trưởng kinh tế suy yếu trầm trọng đã khiến hàng ngàn người lao động Trung Quốc tổ chức các cuộc phản đối cấp độ nhỏ và đình công trong những ngày sát Tết Nguyên Đán. Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình phải ra tay giải quyết để duy trì ổn định xã hội.

Người lao động Trung Quốc bị nợ lươngTết, ông Tập Cận Bình lo giữ ổn định xã hội

Trần Trí | 08/02/2019, 22:18

Sức tăng trưởng kinh tế suy yếu trầm trọng đã khiến hàng ngàn người lao động Trung Quốc tổ chức các cuộc phản đối cấp độ nhỏ và đình công trong những ngày sát Tết Nguyên Đán. Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình phải ra tay giải quyết để duy trì ổn định xã hội.

Theo báo New York Times ngày 6.2, vào những ngày sát Tết Âm lịch, tài xế taxi vây các cơ quan chính quyền đòi được đối đãi tử tế hơn, thợ xây dựng dọa nhảy lầu tự tử nếu không được hưởng lương, và công nhân xí nghiệp trên toàn Trung Quốc biểu tình ngồi đòi lương bị nợ sau khi họ "vắt cạn mồ hôi lẫn máu", vì chủ doanh nghiệp cắt giảm giờ lao động và không bồi thường.
Wang Xiao, một thợ xây dựng 33 tuổi ở một dự án thuộc tỉnh Sơn Đông đã chán việc đòi chủ trả khoản nợ lương hơn 2.000 USD, nên tuần trước, anh dùng mạng xã hội để dọa sẽ nhảy lầu từ trụ sở công ty. Wang đã không thực hiện lời dọa, cho biết: "Nếu tôi leo lên mái và giả bộ sẽ nhảy, thì tiền sẽ đến tay tôi lập tức".
Vào lúc người dân Trung Quốc ăn Tết, nhiều người lao động đang chật vật chi tiền cho các nhu cầu cơ bản như tiền thuê nhà, mua thức ăn... Zhou Liang, 46 tuổi, là một công nhân xí nghiệp dụng cụ điện tử ở Thẩm Quyến, tham gia một cuộc phản đối, nói xí nghiệp nợ ông hơn 3.000 USD: "Tôi dồn hết sức khỏe cho công ty, và nay không thể mua được một bao gạo".
Chính quyền phản ứng bằng một chiến dịch hạn chế, nhằm kiểm soát các cuộc phản đối. Gần đây, 5 nhà hoạt động bảo vệ người lao động ở thành phố Thẩm Quyến hồi cuối tháng 1, đã bị cáo buộc "phá rối trị an". Theo New York Times, tính từ tháng 8.2018, đã có hơn 150 người bị bắt (tăng mạnh so với những năm trước) gồm giáo viên, tài xế taxi, thợ xây dựng, cùng một số sinh viên đang dẫn dắt một cuộc vận động chống tình trạng chủ doanh nghiệp ngược đãi người lao động.
Vẫn theo tờ báo Mỹ, sự bất ổn này khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) bị đặt vào một tình trạng khó xử. Từ thời Mao Trạch Đông, CPC luôn đề cao vai trò bảo vệ giai cấp lao động, nhưng ngày càng nhiều người chỉ trích các đảng viên không tích cực bảo vệ quyền lợi của giai cấp lao động.
Các cuộc phản đối này là ví dụ điển hình về những thách thức lớn mà nền kinh tế suy yếu đặt ra cho nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình, người đang tích cực quảng bá "Trung Hoa Mộng", tức tầm nhìn của ông về một xã hội công bằng hơn và thịnh vượng hơn.
Khi các cuộc phản đối gia tăng, ông Tập nỗ lực trấn an người lao động rằng ông hiểu rõ cảnh ngộ của họ. Hôm 1.2, nhà lãnh đạo tối cao ra phố ở Bắc Kinh để chúc mừng năm mới với giai cấp lao động: "Các đồng chí là những con ong cần cù, bay khắp nơi và phơi mình trước nắng và mưa. Đấy là công việc không dễ dàng".
Nhưng các chuyên gia cảnh báo sự tin yêu của người dân vào CPC và tầm nhìn "Trung Hoa Mộng" của ông Tập có thể bị bào mòn, nếu ông Tập không tích cực giúp đỡ giai cấp lao động. Bà Diana Fu, Giáo sư trợ giảng về chính trị châu Á (thuộc đại học Toronto, Canada) nói: "Nếu giáo viên từ chối làm việc, tài xế xe tải không chịu chở hàng hóa, thợ nề không chịu xây dựng cơ sở hạ tầng, thì sẽ rất khó theo đuổi các ước mơ".
Các cuộc phản đối cũng tác động đến các ngành công nghiệp mới hơn, gồm các công ty dịch vụ giao thức ăn, các dịch vụ đi xe chung, vì người lao động phàn nàn việc phải "làm đến gãy lưng" nhưng bị hưởng tiền công thấp.
Vào lúc bất ổn kinh tế và căng thẳng với phương tây gia tăng, ông Tập đề cao trên hết vấn đề xã hội ổn định. Tại một cuộc họp về "phòng chống rủi ro" hồi tháng 1, ông đã gọi lãnh đạo chính quyền địa phương và cán bộ cấp cao tăng gấp đôi nỗ lực kiểm soát tư tưởng và kiểm soát xã hội.
Vẫn theo New York Times, ông Tập đối mặt với nhiều thách thức vốn gây khó dễ cho nỗ lực của ông trong việc chuyển hướng sang một nền kinh tế dựa vào công nghệ cao. Niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đang bị giảm, thị trường nhà ở đang phập phù, trong khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn kéo dài.
Chính quyền Trung Quốc nói kinh tế tăng trưởng 6,6 % hồi năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế yếu nhất kể từ năm 1990. Nhưng các chuyên gia nói tỉ lệ suy yếu thậm chí còn thấp hơn nữa, đồng thời lưu ý sức bán nhà ở giảm, khối xí nghiệp hoạt động chật vật.
Khi các dự báo kinh tế trở nên đúng mực hơn, ông Tập phải tìm cách "tháo ngòi" căng thẳng, bằng cách kêu gọi các công ty trả lương đúng hạn cho các công nhân có thu nhập thấp. Chính phủ Trung Quốc cũng nói muốn xóa bỏ chuyện nợ lương kể từ năm tới.
Theo New York Times, tranh chấp lao động ở Trung Quốc rất phổ biến, và để tránh những xung đột kéo dài, các quan chức địa phương thường gây sức ép với các doanh nghiệp để giải quyết các bất đồng. Nhưng các công ty lại hiện không sẵn lòng - hoặc không thể - giải quyết bất đồng khi họ còn phải chật vật tìm nguồn tiền.
Ông Tập đã mở rộng nhiệm vụ giám sát của CPC đối với Tổng Liên đoàn lao động Trung Quốc, mà theo Times, đây là một cơ quan do đảng kiểm soát, có nhiệm vụ xử lý tranh chấp lao động cho hơn 300 triệu công đoàn viên nhưng lại thường "về phe" với người sử dụng lao động.
Ông Tập cũng giải thể các tổ chức bảo vệ người lao động bất vụ lợi. Trước đây, các tổ chức nào tư vấn cho người lao động cũng như giúp họ có được vài quyền lợi.
Dù bị hạn chế hoạt động, các nhà hoạt động đạt được vài thành công khi tổ chức các cuộc phản đối cấp tỉnh, thường nhờ có sự hỗ trợ của mạng xã hội. Dịp lễ Quốc tế Lao động 1.5.2018, hàng chục ngàn công nhân tham gia các cuộc đình công ở ít nhất 10 tỉnh.
Vĩnh Thụy (theo New York Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người lao động Trung Quốc bị nợ lươngTết, ông Tập Cận Bình lo giữ ổn định xã hội