Báo Guardian (Anh) ngày 18.6 nêu nguy cơ Mỹ 'mở cửa lò lửa' chiến tranh với Iran ở Syria, vào lúc những căng thẳng gia tăng mà các nhà quan sát lo ngại nó có thể chuyển thành một cuộc xung đột vũ trang ngoài kế hoạch.

Nguy cơ Mỹ 'mở cửa lò lửa' chiến tranh với Iran ở Syria

19/06/2017, 21:04

Báo Guardian (Anh) ngày 18.6 nêu nguy cơ Mỹ 'mở cửa lò lửa' chiến tranh với Iran ở Syria, vào lúc những căng thẳng gia tăng mà các nhà quan sát lo ngại nó có thể chuyển thành một cuộc xung đột vũ trang ngoài kế hoạch.

Bộ binh Iran mặc quân phục ngụy trang tại lễ duyệt binh ở thủ đô Tehran-Ảnh: EPA

Một tháng qua, quân Mỹ đã 3 lần đấu súng các lực lượng vũ trang có Iran ‘chống lưng’ ở Syria. 3 vụ này đều ở Al-Tanf, một tiền đồn sa mạc hẻo lánh gần điểm biên giới chung Syria-Iraq-Jordan.

Ở đó, 150 lính Mỹ giúp huấn luyện các tay súng địa phương đánh bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đến gần đoàn xe chở quân ủng hộ chế độ Tổng thống Syria Bashar Assad. Mỹ liền phản ứng bằng những cuộc không kích.

Theo Guardian, lực lượng bao vây quân Mỹ gồm những tay súng Syria và Iraq theo đạo Hồi dòng Shiite, và có thể có cả “nhà bảo trợ chính” là Vệ binh Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRGC).

IGRC không cần giấu tay của họ: Chỉ huy Qassem Soleimani từng chụp ảnh chung với các nhóm quân cho biết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết “chơi rắn” với Iran

Một loạt sự cố ở vùng sa mạc đông Syria đã trở thành bãi đấu giữa Mỹ với Iran, một điểm nóng dọc theo Yemen, nơi mà Washington và Iran đều ủng hộ các nhóm quân đối đầu trong cuộc nội chiến hai năm, và Vùng Vịnh quanh Eo biển Hormuz.

Ngày 14.6, một tàu chiến Iran cũng tiến gần chiếu đèn một đội tàu chiến Mỹ đang đi qua eo biển này, và rọi tia laser vào trực thăng trong cuộc đối đầu mà các quan chức quân sự Mỹ gọi là “hành động không chuyên nghiệp và nguy hiểm”.

Những cuộc đối đầu này không mới ở eo biển Hormuz tất bật, nhưng tình hình lại rất mới: chính phủ Mỹ dứt khoát muốn đẩy lui tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Các đường dây liên lạc cấp cao được Mỹ thời ông Obama lập với Iran đã bị cắt đứt.

Từ Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump duy trì chủ trương chống Iran. Chuyến công du nước ngoài của ông đến Ả rập Saudi, là để ngấm ngầm đứng sau Ả rập Saudi “cương” với Iran.

Ông Trump đã gọi tầm ảnh hưởng của Iran là một mối đe dọa cho toàn thế giới, ngang với bọn IS và quân khủng bố Al-Qaeda. Khi bọn IS nhận trách nhiệm tấn công khủng bố trụ sở quốc hội và Lăng giáo chủ Khomeini ở Tehran ngày 7.6, ông Trump cũng nói “đáng đời” chính phủ Iran đã tài trợ cho khủng bố, giao tính mạng người dân Iran cho “bọn quỷ dữ”.

Hồi tháng 6, Trita Parsi, lãnh đạo Hội đồng quốc gia Mỹ-Iran (NIAC) - một tổ chức phi vụ lợi ở Washington có nhiệm vụ tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa dân Mỹ với dân Iran) đã xuất bản cuốn sách “Mất một kẻ thù: Obama, Iran và vinh quang của ngoại giao”.

Parsi nói: “Bằng cách đi Ả rập Saudi và tuyên bố sẽ có chuyện cô lập Iran...ông Trump không chỉ đóng sập cánh cửa đối thoại, mà còn mở một cánh cửa sổ nguy cơ chiến tranh với Iran. Ở Mỹ không có tranh luận về chuyện này. Nó có thể là một chuyện ngoài ý muốn, nhưng nếu theo dõi kỹ, quí vị sẽ thấy đó là một sự leo thang căng thẳng cố ý”.

Iran tuyên bố Mỹ đừng có mong một cuộc thay đổi chế độ ở Tehran

Tổng thống Trump chưa thực hiện lời dọa khi tranh cử: dẹp thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã đồng ý với chính phủ Obama và 5 cường quốc khác hồi tháng 7.2015.

Nhưng ông Trump vẫn “đổ” sự khinh bỉ thỏa thuận này, trong khi các nghị sĩ Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ thúc đẩy những lệnh trừng phạt mới đối với Iran, khiến số phận của thỏa thuận trên bị “treo lơ lửng”.

Robert Malley, một quan chức cấp cao Nhà Trắng thời Obama góp phần đàm phán thỏa thuận hạt nhân, nói:

“Ngày nay, 3 nơi nguy hiểm nhất trái đất là Yemen, khu vực giữa đông Syria với tây Iraq, và các phòng họp của quốc hội Mỹ. Đến lúc này, những gì tôi nghe được từ người Iran là họ quyết giữ tỉnh táo, không phản ứng với những việc Mỹ làm, và cho thấy họ mới là phía hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận. Nhưng đến lúc nào đó, có thể vị Giáo chủ tối cao Iran sẽ quyết: “Chúng ta phải làm điều gì đó”.

Chính phủ Mỹ nói vẫn đang xét lại chính sách đối với Iran. Nhưng Ngoại trưởng Rex Tillerson từng báo cáo Thượng viện Mỹ: chính phủ Mỹ sẽ làm việc theo hướng “ủng hộ những thành tố bên trong Iran vốn có thể dẫn đến một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình”.

Ý câu nói của vị Ngoại trưởng là một sự thay đổi trong hòa bình. Nhưng với chính phủ Iran, nó giống như sự quay lại tinh thần “thay đổi chế độ” mà thời Tổng thống Mỹ George Bush từng nói đến.

Ngoại trưởng Iran, ông Mohammad Javad Zarif đã phản ứng ngay bằng một câu Tweet đề cập chính quyền Tổng thống Trump đang bị nghi ngờ cấu kết với Nga ở cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016: “Các quan chức Mỹ nên lo gìn giữ chế độ của họ hơn là tìm cách thay đổi chế độ Iran, nơi có 75% dân đều đi bỏ phiếu”.

Hiện các đồng minh của Mỹ ở châu Âu lo ngại chính phủ Mỹ đã chọn một tư thế rắn với Iran, trước khi chọn một chiến lược giải quyết tầm ảnh hưởng của Iran ở vùng Vịnh.

Họ cũng lo ngại tư thế ấy sẽ càng mạnh và nguy hiểm hơn, khi ông Trump cảm thấy khó chịu từ cuộc điều tra Nga dính líu nhóm tranh cử của ông.

Nguy cơ chiến tranh Mỹ-Iran sau khi bọn IS “biến mất khỏi bản đồ”

Dù vậy, không phải tất cả sự căng thẳng leo thang đều do ông Trump tạo ra. Chiến trường ở Syria và Iraq đang kéo Iran và Mỹ hướng đến một cuộc xung đột. Một sự hiểu ngầm dựa trên việc không tấn công lẫn nhau trong một chiến dịch chống kẻ thù chung là bọn IS, được cho là sẽ kết thúc, một khi sào huyệt của IS ở Mosul (Iraq) và Raqqa (Syria) bị thất thủ.

Ilan Goldenberg, một cựu quan chức quốc phòng - ngoại giao Mỹ, nói: “Khi bọn IS biến mất khỏi bản đồ, sự khoan dung mà các nhóm quân có Iran đạo Hồi dòng Shiite ủng hộ và các nhóm quân có Mỹ hỗ trợ dành cho nhau sẽ mang một sự nguy hiểm là nó cũng sẽ biến mất theo. Quí vị sẽ có thể nhanh chóng chứng kiến nó trở nên rất rối rắm”.

Jennifer Cafarella, một nữ chuyên gia về xung đột ở Viện nghiên cứu chiến tranh, nói “Bức tranh lớn hơn ở đây là cuộc chiến hậu IS để thống trị an ninh sau khi chiếm lại thành phố Mosul. Iran đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo và bắt đầu những bước để chiến thắng giai đoạn này. Mỹ vẫn còn mãi lo IS, cứ như đó là trọng tâm chiến lược duy nhất ở khu vực”.

Mỹ đã quyết mở mặt trận mới chống bọn IS ở vùng sa mạc đông Syria, và lập một tiền đồn ở Al-Tanf. Đấy là một thách thức với Iran đang muốn kiểm soát hành lang đông - tây từ Tehran đến Damascus (Syria) và Lebanon. Hành lang này chạy qua Al-Tanf.

Nicholas Heras, một chuyên gia về Vùng Vịnh ở Trung tâm vì một nền an ninh Mỹ mới, nói: “Cứ như Iran, Tổng thống Assad, quân nổi dậy Iraq có Iran chống lưng đã quyết tâm không cho Mỹ tự do dành thêm lãnh địa ở sa mạc Syria”.

“Tướng diều hâu” Mattis hiện chú trọng đánh bọn IS và giải quyết mối họa từ Triều Tiên

Cho đến nay, Mỹ tăng cường hiện diện ở Al-Tanf bằng triển khai dàn pháo tên lửa "Mưa Thép” HIMARS.

Nhưng chưa thể rõ Mỹ sẽ giữ quyền kiểm soát như thế nào. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis là một “tướng diều hâu” về Iran, khi quân của ông bị quân ủy nhiệm của Iran tấn công ở Iraq.

Nhưng ở vai trò Bộ trưởng, ông ưu tiên cuộc chiến chống bọn IS cùng mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên.

Ngày 17.6, tạp chí Foreign Policy đưa tin ông Mattis đang kháng cự sức ép của các quan chức Nhà Trắng. Họ muốn tấn công quân có Iran hậu thuẫn ở miền nam Syria.

Những quyết định như tăng thêm quân ở Afghanistan, đã được chuyển đến Lầu Năm Góc. Nhưng khi Nhà Trắng hoàn toàn không có chiến lược tổng thể, một số người lo ngại những quyết định chiến thuật có khi dẫn đến một cuộc chiến tranh ngoài ý muốn lớn rộng hơn.

Ông Goldenberg, cựu quan chức Mỹ, nói: “Theo tôi biết, sau khi nói chuyện với người trong chính phủ Mỹ đang làm việc về những vấn đề này, chẳng hề có bình luận gì cả. Đấy là một vấn đề rất nghiêm trọng làm tôi lo sợ”.

Trung Trực (theo Guardian)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguy cơ Mỹ 'mở cửa lò lửa' chiến tranh với Iran ở Syria