Ngày 15.6, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật áp biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, và báo The Wall Street Journal gọi đây là cách Thượng viện Mỹ ‘bắn cảnh cáo’ Tổng thống Donald Trump không phản ứng mạnh với Nga.
Dự luật nhằm trừng phạt Nga về nghi án Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, vụ Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và “có hành động gây hấn tiếp diễn ở Syria”.
Dự luật được trình 6 tháng sau khi các cơ quan tình báo Mỹ ra một báo cáo giải mật, kết luận Nga đã mở chiến dịch gieo ảnh hưởng để giúp ông Trump thắng cử trước ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Nga đã bác bỏ rằng Moscow không hề can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Dự luật mới trói được tay ông Trump?
Điều đáng chú ý là dự luật có điều khoản không cho ông Trump đơn phương giảm nhẹ các lệnh trừng phạt Nga.
Dự luật buộc Tổng thống Trump phải được Quốc hội Mỹ xem xét và “bật đèn xanh” thì ông mới được nới lỏng, tạm dừng hoặc dỡ bỏ các mức trừng phạt Nga từng do chính phủ cựu Tổng thống Barack Obama ban hành.
Theo The Wall Street Journal, dự luật là một “phát súng cảnh cáo” Nhà Trắng của Thượng Viện vốn do đảng Cộng hòa kiểm soát, nhưng nghị sĩ của cả hai đảng đều lo ngại chính quyền ông Trump không phản ứng mạnh với Nga.
Trung tướng Michael Flynn đã phải từ chức cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, do ông “báo cáo láo” vụ nói chuyện điện thoại với Đại sứ Nga hồi cuối năm 2016, và được cho là hứa hẹn ông Trump sẽ dỡ bỏ các lệnh cấm vận Nga có từ thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Trên thực tế, bất kỳ quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận Nga nào cũng sẽ do Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ xem xét cùng quyết định.
Nếu không có dự luật mới, nhánh hành pháp có thể quyết đảo ngược các lệnh trừng phạt.
Cả Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đều có quyền khởi xướng các lệnh trừng phạt, nhưng việc Mỹ trừng phạt Nga từ năm 2014 chủ yếu bằng những sắc lệnh hành pháp.
Các nghị sĩ đảng Dân chủ hoan nghênh dự luật vì “trói được tay” ông Trump không thể dỡ bỏ lệnh trừng phạt vì bất kỳ lý do nào.
Thượng nghị sĩ John McCain (Cộng hòa) nói dự luật này “cuối cùng đã qui trách nhiệm cho Nga trắng trợn tấn công cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 của chúng ta”.
Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Corker nhấn mạnh: “Dự luật này gửi đi một tín hiệu rất mạnh đối với Nga”.
Chủ nhân Nhà Trắng đang “cân nhắc”
Nhưng để trở thành luật, văn kiện này còn phải chờ Hạ viện Mỹ thông qua, rồi Tổng thống Trump ký ban hành.
Một số hạ nghị sĩ cho hay Hạ viện sẽ tranh luận về dự luật mới trong vài tuần tới.
Một số nguồn tin cho Reuters biết vài nội dung biện pháp trừng phạt trong dự luật có thể phải được điều chỉnh ở Hạ viện trước khi được thông qua.
Người phát ngôn của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan (đảng Cộng hòa) nói phải nỗ lực hơn nữa để quy trách nhiệm cho Nga.
Người phát ngôn Nhà Trắng nói chính phủ vẫn xem xét các biện pháp trừng phạt mới, và chờ đến khi có sản phẩm cuối cùng để “cân nhắc”.
Nếu ông Trump phủ quyết dự luật, một cuộc bỏ phiếu đạt 2/3 sự ủng hộ của Thượng và Hạ viện sẽ có thể vô hiệu hóa sự phủ quyết.
Ông Trump cũng có thể cho thông qua thành luật mà không có chữ ký của ông, bằng cách từ chối ký trong 10 ngày kể từ khi luật được thông qua.
Trước đó ngày 14.6, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson giải trình với Ủy ban đối ngoại Hạ viện, nói Nga phải bị quy trách nhiệm vụ can thiệp kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Nhưng ông nói thêm ""chúng ta cũng cần bảo đảm có khả năng duy trì một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Nga”.
Dự luật trừng phạt Nga thế nào ?
Dự luật được các Thượng nghị sĩ của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thông qua với kết quả 98 phiếu thuận, chỉ có 2 phiếu chống.
Dự luật mở rộng lệnh trừng phạt “nhằm vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga, gồm khai thác khoáng, kim loại, vận tải biển và đường sắt".
Các mục tiêu bị trừng phạt còn gồm “các công dân Nga tham nhũng, các thành phần vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, các bên cung cấp vũ khí cho lực lượng chính phủ Syria và các nhân tố thay mặt chính phủ Nga tiến hành các hoạt động tấn công mạng”.
Dự luật cũng tăng trừng phạt đối với Iran vi phạm nhân quyền, ủng hộ khủng bố và phát triển tên lửa đạn đạo.
Đây là những biện pháp mà chính phủ Trump ủng hộ.
Trung Trực (theo The Wall Street Journal)