Tính chung quý 1/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) nước ta giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%).

Nguyên nhân chỉ số sản xuất công nghiệp sụt giảm và giải pháp khắc phục

Giang Tây | 19/04/2023, 09:13

Tính chung quý 1/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) nước ta giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%).

congnghiep.jpg
Ngành sản xuất Việt Nam đang đối mặt với thách thức

Cơ cấu sụt giảm

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 4,5%.

Có 48 địa phương có IIP quý 1 tăng và 15 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương tăng cao tiêu biểu là: Tuyên Quang tăng 18,01%, Thái Bình 13,90%, Quảng Trị 13,79%, Hải Phòng 13,12%, Hậu Giang 13,05%, Hà Nam 12,70%, Hải Dương 12,30%, Nam Định 12,17%, Kon Tum 11,52%, Phú Yên 11,30%, Bắc Giang 10,45%, Phú Thọ 10,33%, Cao Bằng 10,31%.

Ngành công nghiệp chủ lực của một số địa phương đạt mức tăng khá cao, có thể kể đến như: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng (Cao Bằng tăng 26,8%, Tuyên Quang 22,6%, Hải Phòng 14,8%, Quảng Ninh 13,6%, Hải Dương 12,5%, Nam Định 12,3%, Đắk Lắk, Bạc Liêu và Phú Yên cùng tăng 11,6%, Bắc Giang và Kiên Giang tăng 10,9%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (Hậu Giang tăng 286,1%, Thái Bình 55,7%, Quảng Trị 37%, Cà Mau 33,7%).

Ở chiều ngược lại, ngành công nghiệp chủ lực của một số địa phương tăng thấp hoặc giảm. Cụ thể: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm (Quảng Nam giảm 34,3%, Bắc Ninh 18,8%, Vĩnh Long 16,5%, Sóc Trăng 15,6%, Vĩnh Phúc 8,1%.); ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm (Ninh Bình giảm 31,8%, Trà Vinh 29,3%, Hà Giang 24,9%, Cao Bằng 21,9%, Hải Phòng 18,5%...).

Về xuất nhập khẩu, tính chung quý 1, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,17 tỉ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%).

Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%), điều này cho thấy những khó khăn của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu.

Các địa phương tăng cao tiêu biểu là: Điện Biên tăng 485,58%, Lai Châu 457,50%, Cao Bằng 356,64%, Lạng Sơn 93,80%, Sơn La 50,70%, Hà Tĩnh 44,81%, Đắk Nông 27,80%, Bắc Giang 21,43%, Yên Bái 20,85%...

Trong quý 1 có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, giảm 2 mặt hàng so với quý 1/2022 (có 16 mặt hàng), chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỉ USD, chiếm 52,8%).

Nguyên nhân khách quan, chủ quan

Tại hội nghị trực tuyến khối công thương địa phương về thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và xuất, nhập khẩu năm 2023 hôm 18.4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá nguyên nhân khách quan gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước là giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất; lạm phát còn ở mức cao, chính sách tiền tệ chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm.

Cạnh tranh với các nước xuất khẩu (sau mở cửa), đặc biệt là việc Trung Quốc mở cửa trở lại, cùng một số địa bàn xuất khẩu trọng điểm nới lỏng các biện pháp hạn chế thương mại sẽ khiến hàng Việt phải cạnh tranh quyết liệt hơn ở các thị trường trọng điểm.

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng đó là việc chậm công bố quy hoạch (ngành, quốc gia, địa phương) dẫn đến việc không thể triển khai các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực công thương. Sự chồng chéo, mẫu thuẫn trong một số quy định của pháp luật hiện hành cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án. Tính chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu của không ít doanh nghiệp (địa phương có quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi còn thấp) gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu chính ngạch.

Ngoài ra, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn; ảnh hưởng không nhỏ bởi tình trạng huy động trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định và thị trường bất động sản trầm lắng; hầu hết dự án đầu tư công chậm tiến độ. 

Giải pháp khắc phục

Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2023 - một trong những năm động lực thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt là các sở công thương, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cần thực hiện một loạt giải pháp.

Khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại của mỗi địa phương để kịp thời tích hợp trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch thành phố làm cơ sở quan trọng cho việc triển khai các dự án lớn của địa phương, của ngành trên địa bàn;

Cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi chức trách, nhiệm của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực công thương. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách địa phương hoặc tiếp tục đề xuất với trung ương để ban hành những cơ chế, chính sách tầm quốc gia để gỡ khó cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư, nhất là đầu tư dân doanh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bất động sản và cắt giảm đầu tư công trên địa bàn để tạo động lực, dư địa để các ngành, các lĩnh vực liên quan phát triển (vật liệu, cơ khí chế tạo, thương mại, dịch vụ ....); quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Đề án xuất khẩu chính ngạch (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) để khai mở và tận dụng các thị trường cho hàng hóa của địa phương, đặc biệt là các mặt hàng nông thủy sản.

Theo Bộ trưởng Diên, thị trường trong nước gần như đã bão hòa nên cần phát triển thị trường ngoài nước và phải tổ chức lại sản xuất, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể của thị trường, cùng với đó, tiếp tục khai thác các FTA đã ký. Có như vậy sản xuất mới bền vững, mang lại giá trị bền vững cho địa phương, doanh nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguyên nhân chỉ số sản xuất công nghiệp sụt giảm và giải pháp khắc phục