Nếu 1226, Trần Thái Tông ban lệnh kiêng húy chữ Lý để nhân tâm quên họ Lý thì 2 thế kỷ sau, nhà Lê lại làm theo y chang cách của nhà Trần để nhân tâm khỏi nhớ họ Trần. Vua Lê Thánh Tông lấy cớ rằng: Cung từ hoàng thái hậu họ Phạm, tên húy là Ngọc Trần, nên yết thị cho trong kinh thành, ngoài các đạo, phàm nơi nào có họ "Trần" đổi chép làm chữ "Trình".

Nhà Lê buộc họ Trần phải đổi sang họ Trình, khôi phục họ Lý

23/09/2018, 11:49

Nếu 1226, Trần Thái Tông ban lệnh kiêng húy chữ Lý để nhân tâm quên họ Lý thì 2 thế kỷ sau, nhà Lê lại làm theo y chang cách của nhà Trần để nhân tâm khỏi nhớ họ Trần. Vua Lê Thánh Tông lấy cớ rằng: Cung từ hoàng thái hậu họ Phạm, tên húy là Ngọc Trần, nên yết thị cho trong kinh thành, ngoài các đạo, phàm nơi nào có họ "Trần" đổi chép làm chữ "Trình".

Vua Lê Thái Tổ với giai thoại trả gươm cho rùa thần

Trong phần trước, chúng tôi có phân tích việc nhà Trần sau khi lên ngôi đã ép người họ Lý phải đổi sang họ Nguyễn với lý do kiêng húy vì ông nội của Thái Tông Trần Cảnh là Trần Lý. Theo Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Vì nguyên tổ húy Lý, cho nên đổi họ Lý làm họ Nguyễn, vả lại để tuyệt lòng mong mỏi của người dân đối với nhà Lý".

Chữ Lý phải mãi đến khi nhà Trần mất, nhà Lê lên thì mới được khôi phục lại cho dùng. Cụ thể là "Mùa đông (1428), tháng 10, ngày 11, có lệnh thôi kiêng húy chữ "Nguyễn". Theo giải thích là quy định dùng chữ Nguyễn dùng thay thế chữ Lý theo lệnh kiêng húy của Trần Thái Tông năm 1226 đến 1428 thì chính thức bị bãi bỏ. Chỉ có điều sau 200 năm là quá dài, nhiều người họ Lý chuyển sang họ Nguyễn cũng không cải về họ cũ.

Chữ Lý được khôi phục, không phải kiêng kỵ nữa nhưng đến lượt chữ Trần phải chịu trả giá. Nếu 1226, Trần Thái Tông ban lệnh kiêng húy chữ Lý để nhân tâm quên họ Lý thì 2 thế kỷ sau, nhà Lê lại làm theo y chang cách của nhà Trần để nhân tâm khỏi nhớ họ Trần.

Sau khi giải quyết xong Trần Cảo hồi đầu năm 1428, Lê Lợi lên ngôi ở Đông Kinh vào ngày 15.4, đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là Thuận Thiên (tức là theo ý trời) và đến ngày 20 thì đã công bố chữ húy. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Ngày 20, ban các chữ húy tông miếu và chữ húy tên vua. Tất cả các chữ húy chính khi viết đều không được dùng, nếu đồng âm mà khác chữ thì không phải húy. Húy Tông miếu có 5 chữ: Hiển Tổ Chiêu Đức Hoàng Đế húy là Đinh, Hiển Tổ Tỷ Gia Thục Hoàng Thái Hậu húy là Quách, Tuyên Tổ Hiến Văn Hoàng Đế húy là Khoáng, Trinh Từ Ý Văn Hoàng Thái Hậu húy là Thương, huý của vua là Lợi, của hoàng hậu là Trần, của anh vua là Học.

Trong số 5 chữ húy này thì thật "trùng hợp" là có chữ Trần vì cớ là húy của hoàng hậu. Nhưng nếu xét kỹ lại thì Lê Lợi vốn không lập chính thất mà chỉ lập mấy người làm phi như Trịnh thần phi, Phạm huệ phi và Phạm hiền phi (tức Phạm thị Ngọc Trần). Bà Ngọc Trần vốn qua đời khi Lê Lợi còn chưa lên ngôi và trong bố cáo thiên hạ truy tôn tổ tiên trước khi lên ngôi cũng không thấy truy tôn bà Ngọc Trần. Cụ thể: cuối tháng 3 (1428), Truy tôn thuỵ hiệu từ khảo tỷ trở lên. Tổ khảo Đinh làm Chiêu Đức Hoàng Đế, bà là Nguyễn Thị Quách làm Gia Thục hoàng hậu, cha là Khoáng làm Tuyên Tổ Hoàng Đế, mẹ là Trịnh Thị Thương làm Ý Văn hoàng hậu.

Phải mãi sau này khi con của bà Ngọc Trần là Lê Nguyên Long (tức Lê Thái Tông) lên ngôi thì bà mới được truy phong là Cung Từ hoàng thái hậu. Vấn đề tại sao khi Lê Lợi vừa lên ngôi đã vội cho một người vợ qua đời là Phạm hiền phi được kiêng húy trong khi không làm vậy với Trịnh thần phi, Phạm huệ phi khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: Phải chăng Lê Lợi học lại chiêu của nhà Trần 200 năm trước khi kiêng húy chữ Lý?

Đến thời Lê Thánh Tông, tức là vua thứ 4 nhà Lê (sau Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông) thì tiếp tục ban thêm một chiếu chỉ cụ thể hơn có ý buộc người nhà Trần phải đổi họ. Năm 1465, Thánh Tông Lê Tư Thành lên ngôi và tháng 8 năm đó, vua hạ chiếu: Đổi tên những họ nào đã phạm vào chữ húy của Cung từ hoàng thái hậu. Sử quan nhà Nguyễn giải thích trong Khâm định việt sử thông giám cương mục: "Nhà vua lấy cớ rằng: Cung từ hoàng thái hậu họ Phạm, tên húy là Ngọc Trần, nên yết thị cho trong kinh thành, ngoài các đạo, phàm nơi nào có họ "Trần" đổi chép làm chữ "Trình".

Tuy nhiên, việc đổi họ này có vẻ không làm mạnh tay. Chính vì vậy, trong năm đó có một người họ Trần ra đời là Trần Sùng Dĩnh. 22 năm sau, Trần Sùng Dĩnh là người đỗ trạng nguyên cũng dưới thời Lê Thánh Tông. Nếu bảo người họ Trần đều phải đổi sang họ Trình dưới thời Lê Thánh Tông thì sao lại còn Trần Sùng Dĩnh đỗ Trạng nguyên. Rồi sau đó, năm 1526, dưới thời Lê Cung Hoàng lại có thêm Trạng nguyên Trần Tất Văn.

Chưa hết, cuối thời Hậu Lê còn có Trần Chân là trụ cột triều đình. Năm 1516, sau khi dẹp yên Trần Cảo thì binh quyền trong tay Trần Chân rất lớn đến mức dân gian còn lưu truyền câu sấm rằng: "Trần hữu nhất nhân, vì thiên hạ quân, thỏ đầu hổ vĩ, tế thế an dân", nghĩa là: "Họ Trần có một người, làm vua thiên hạ, đầu thỏ đuôi hùm, giúp đời yên dân". Cứ thế mà suy ra thì ngay thời Hậu Lê dù có lệnh kiêng húy của Thái Tổ rồi Thánh Tông nhưng người họ Trần vẫn rất đông và thành đạt.

Hơn nữa, chúng ta cũng không thấy dấu hiệu nào cho thấy người họ Trần đổi sang họ Trình ồ ạt vì tỷ lệ người họ Trình (không phải họ Trịnh) trong mặt bằng các dòng họ hiện giờ khá hiếm. Những người Trình nổi tiếng nhất trong lịch sử nước ta thời xưa là Trình An Tể, Trình Minh lại thuộc thời nhà Đinh, khá xa so với thời Lê.

Có thể tin rằng việc kỵ húy chữ Trần của Lê Thái Tổ hay buộc đổi họ Trần sang Trình của Lê Thánh Tông chỉ là động tác chính trị nhằm để "nhắc nhở" những người có ý khôi phục triều cũ rằng giờ đã là triều đại mới. Vì là "nhắc nhở" nên không cần làm quá quyết liệt như cách nhà Trần trong việc cải họ Lý trước đây.

Chuyện về Cung từ hoàng thái hậu Phạm thị Ngọc Trần

Phạm Thị Ngọc Trần người hương Quần Lai, huyện Lôi Dương (huyện Thọ Xuân ngày nay), Thanh Hoá. Bà là em gái tướng quân Phạm Vận, người sau này trở thành đại thần nhà Hậu Lê.

Ngày 20.11 năm Quý Mão (1423), năm thứ sáu của cuộc khởi nghĩa, bà sinh ra Lê Nguyên Long. Lúc này, Lê Lợi chống chọi với quân Minh rất kịch liệt, phải di chuyển luôn, bà theo hầu rất gian khổ.

Năm Ất Tỵ (1425), Lê Lợi vây thành Nghệ An, khi đến thành Triều Khẩu ở Hưng Nguyên, có đền thờ thần Phổ Hộ, ông nằm mộng thấy một vị thần đến xin một người thiếp và hứa sẽ phù hộ cho Lê Lợi đập tan quân nhà Minh. Lê Lợi bèn đem chuyện này ra nói với các bà phi của mình, nói rằng: "Có ai chịu làm vợ thần không ? Sau này khi ta lấy được nước sẽ lập con người ấy làm thiên tử". Ai cũng đắn đo, duy chỉ có bà khẳng khái quỳ xuống nói rằng: "Nếu minh công giữ lời hứa, thì thiếp nguyện xả thân. Ngày sau làm nên nghiệp lớn chớ phụ con của thiếp".

Lê Lợi khen ngợi và thương xót, nói với bề tôi, hẹn ngày dâng tế lễ. Lúc đó, Nguyên Long chỉ vừa 3 tuổi, bà đưa cho người hầu cận nuôi nấng và đi theo dàn tế lễ, bà gieo mình chết, đó là ngày 24.3.

Khi Lê Lợi bình định được quân Minh, ông nói với quần thần: "Bà ấy đáng làm chúa cả trăm vị thần của nước ta, không ai dám trái". bèn sau đó sai người ở động Nhân Trầm là Lê Cối rước quan tài về táng ở Thanh Hóa. Đi đến xã Thịnh Mỹ thì trời tối, chưa kịp qua sông bèn ngủ trọ ở chợ. Đến đêm mối đùn lên quanh quan tài một đống rất cao, biến thành nấm mồ. Sứ giả thấy lạ, trở về tâu Lê Lợi, ông bèn nói: "Đó là vị thần đã làm theo lời hẹn", nói rồi sai bảo cứ để quan tài ở đó, xây dựng điện Hiến Nhân để thờ, đồng thời lập miếu, đặt thần chủ ở Lam Kinh để cúng tế

Bấy giờ, Thái Tổ Lê Lợi lại lập con trưởng là Quận vương Lê Tư Tề làm giám quốc, lo triều chính mà quên mất Lê Nguyên Long. Một hôm giữa trưa, Cao Hoàng nằm ngủ chợt mộng thấy Hoàng hậu oán trách rằng: "Đức hoàng phụ công của thiếp; từ hồi mới khởi binh dẹp loạn, đã đem thiếp cho vị thần. Nay được thiên hạ rồi mà ơn thánh chẳng được hưởng", rồi tan biến.

Thái Tổ hoảng hồn tỉnh dậy, lòng bồi hồi xúc cảm, bèn lập Nguyên Long làm con đích trưởng, cho nối ngôi. Bấy giờ, Quận vương tuy làm giám quốc nhưng bị người chống đối hãm hại, nói rằng quận vương mắc bệnh điên, lại dựng nhiều chuyện làm trái ý hoàng đế. Thái Tổ buồn bực không thôi, nên có ý phế truất mà còn do dự, nay Hoàng hậu về báo mộng, nên mới có lệnh ấy

Năm 1433, Thái Tổ băng hà, Lê Nguyên Long lên ngôi, tức Thái Tông hoàng đế. Lòng bồi hồi nhớ về người mẹ quá cố, nên Thái Tông truy phong làm Cung Từ Quốc thái mẫu.

Anh Tú

Đọc thêm:

Phản thần từ nhánh Trần Liễu bị gia tướng của Hưng Đạo vương tiễu trừ

Trần Thủ Độ là cháu ngoại vua Lý, sinh tại nước Kim?

Thử minh oan cho Trần Thủ Độ trong vụ thảm sát người họ Lý

Về lời nguyền của Lý Huệ Tông với nhà Trần: Giai thoại vụng về?

Nhà Trần ép người họ Lý đổi sang họ Nguyễn có thỏa đáng không?

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà Lê buộc họ Trần phải đổi sang họ Trình, khôi phục họ Lý