Rác thải sinh hoạt bị bỏ phế trở thành vấn nạn, nay được sản xuất thành hàng hóa như phân bón, xăng dầu... Đó là sáng kiến độc đáo của ông Võ Hoài Phong - người xây dựng nhà máy xử lý rác mini tuần hoàn tại bãi rác xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
Mô hình này sẽ góp phần rất lớn trong việc khắc phục tình trạng các bãi rác ngày càng phình to - một vấn nạn nan giải ở các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đồng thời là một kinh nghiệm quý báo cho kinh tế tuần hoàn và việc bảo vệ môi trường.
Ông Võ Hoài Phong (58 tuổi, ngụ ở phường 4, quận 8, TP.HCM) là chủ một garage sửa xe ô tô, trước đây có nhiều năm sống với nghề cơ khí. Chứng kiến việc nhiều bãi rác sinh hoạt ngày càng phình to, gây ô nhiễm nặng nề, từ năm 2016 đến 2019, ông Phong bỏ ra khoảng 20 tỉ đồng đầu tư, nghiên cứu mô hình nhà máy xử lý rác tuần hoàn theo kiểu mini.
Ông Phong đã áp dụng các kỹ thuật về cơ khí tích lũy được để chế tạo lò đốt rác yếm khí cho ra gas tổng hợp, phát điện phục vụ sinh hoạt. Ngoài ra, ông cũng chế tạo các động cơ có chức năng khác nhau để phục vụ cho việc phân loại, vệ sinh rác thải; nghiền nén rác thải rắn, nhựa tổng hợp cho ra vật liệu xây dựng; hay đốt yếm khí để tinh chế ra xăng, dầu…
Các công đoạn này đều hoạt động tuần hoàn, kể cả nước thải vẫn được tái sử dụng, đảm bảo tốt vấn đề môi trường. Thấy mô hình có triển vọng, ông Phong cùng các cộng sự đã thành lập Công ty cổ phần Nam Long Xanh do ông làm giám đốc để gắn bó với nghề xử lý rác thải.
Năm 2023, cơ duyên đã đưa ông Phong về bãi rác tại ấp Hòa Phú, xã Long Bình, nơi có hàng nghìn tấn rác mà người dân địa phương bỏ gần nghĩa địa quạnh hiu. Nhiều năm qua, bãi rác này đã gây ô nhiễm trầm trọng, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Khi đặt nhà máy tại đây, ông Phong tiếp tục đầu tư thêm gần 30 tỉ đồng mua sắm máy móc, trang thiết bị cần thiết để hoạt động nhà máy. Đặc biệt, ông còn nghiên cứu nuôi vi sinh để sản xuất ra một loại chế phẩm sinh học phục vụ xử lý hết mùi hôi đặc trưng tại toàn bộ khu bãi rác rộng hơn 3.000 mét vuông này.
Hiện tại, nhà máy của Công ty Nam Long Xanh đã dần hoàn thiện quy trình xử lý rác thải theo quy trình khép kín. Với năng lực xử lý mỗi ngày trên 20 tấn rác, nhà máy thu khoảng 6 tấn phân hữu cơ và 200 lít xăng dầu.
Ông Đỗ Hoàng Dũng, Phó trưởng ấp Hòa Phú, xã Long Bình cho biết: "Trước đây, bãi rác tại ấp Hòa Phú, xã Long Bình gây ô nhiễm trầm trọng. Cuộc sống của bà con nơi đây không được đảm bảo do mùi hôi và ruồi. Nhưng từ khi ông Phong đến đây lập cái xưởng xử lý rác thì mùi hôi giảm rất nhiều, ruồi nhặng cũng bỏ đi, người dân rất phấn khởi. Ông Phong đã sản xuất ra phân viên, chế phẩm sinh học dùng cho hoa màu, lúa có hiệu quả rất cao. Chúng tôi có mời nông dân đến dự hội thảo để ông Phong giới thiệu phân bón làm từ nhà máy cho bà con sử dụng thử, kết quả rất tốt".
Gần một năm qua, ông Phong cùng vợ là bà Lương Thị Thu Thảo ăn nghỉ ngay lán trại tại bãi rác. Dù sống trong môi trường khó khăn, thiếu thốn nhưng vì cái tâm và ý chí phải “chiến thắng” với rác thải, họ quyết tâm thực hiện bằng được. Bước đầu mô hình này đã thành công, ông Phong và các cộng sự rất vui và quyết tâm mở rộng mô hình.
Hiện nay, ở hầu hết các tỉnh vùng ĐBSCL và nhiều địa phương trên cả nước đang “nhức nhối” với tình trạng các bãi rác gây ô nhiễm nặng nề. Trong khi đó, các tỉnh, thành rất khó kêu gọi nhà đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải, hoặc khi triển khai thì hiệu quả không đạt yêu cầu.
Ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây cho biết: “Mô hình này bước đầu thấy có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu kinh tế tuần hoàn, không có bỏ gì hết kể cả nhựa, túi nilon... Sau khi phân nén thành viên, ủ các loại, xử lý vi khuẩn có hại... thì quy trình sấy khô sẽ nén thành viên ra phân bón hữu cơ. Hiện tại, ông Phong đang tìm đầu ra cho các sản phẩm đó. Tôi sẽ mời Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Khoa học - Công nghệ và các sở, ngành xuống để thẩm định, hoàn tất hồ sơ, bắt đầu công bố đảm bảo tính pháp lý. Chúng tôi sẽ để ông Phong dự thầu dự án nhà máy xử lý rác của huyện với quy mô nhỏ”.
Hiện nay, bãi rác Long Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, đã được xử lý hết mùi hôi thối, lượng rác ngày càng giảm dần. Trong khi đó, nhà máy xử lý rác Nam Long Xanh vẫn đang hoạt động liên tục. Dù đã bỏ ra nguồn vốn rất lớn, chưa thu lợi nhuận nhưng ông Võ Hoài Phong và các cộng sự luôn rạng rỡ niềm vui vì rác thải đã trở thành sản phẩm có ích cho cuộc sống. Ông Phong rất mong có sự đầu tư, hỗ trợ về nguồn vốn và các thủ tục pháp lý để mô hình này có thể mở rộng, nhân rộng thêm để giải quyết tình trạng "nhức nhối" về môi trường hiện nay ở một số địa phương.