Hiện nay, việc các nhà thầu Trung Quốc thi công chậm tiến độ tại những gói thầu của họ đã trở thành vấn đề nhức nhối trên mặt báo Việt Nam. Liệu ở các nước khác trên thế giới, nhà thầu Trung Quốc có dám để xảy ra tình trạng nhức nhối như vậy không?
Trong khuôn khổ bài viết này, xin được giới thiệu một số dự án, một số gói thầu mà nhà thầu Trung Quốc chậm tiến độ từ việc chuẩn bị đến việc triển khai dự án và có thể xem đó là kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam.
Dự án đường cao tốc từ Warsaw đến Berlin tại Trung Âu
Nhằm phục vụ cho Giải vô địch bóng đá châu Âu năm 2012 (EURO 2012), Ba Lan đã có Dự án đường cao tốc xuyên quốc gia từ Warsaw (Ba Lan) đến Berlin (Đức), trong đó gói thầu A2 có tổng trị giá 447 USD và Tập đoàn Cơ khí Hàng hải Trung Quốc là đơn vị trúng thầu.
Gói thầu A2 dài 454 km, từ Warsaw tới biên giới nước Đức. "Đây là một đường cao tốc không chỉ kết nối Ba Lan với Đức, mà còn với toàn bộ châu Âu", cựu Tổng thống Ba Lan Komorowski đã nêu lên ý nghĩa và tầm quan trọng của công trình này.
Tuy nhiên, khi thời gian diễn ra EURO 2012 đến gần nhưng nhà thầu Trung Quốc vẫn không thể triển khai gói thầu mà họ đã bỏ thầu và trúng thầu. Không thể chờ đợi và có thể phá hỏng kế hoạch lớn của nhà nước, chủ đầu tư đã quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc.
Sau đó Dự án đường cao tốc Berlin-Warsaw chia thành hai gói thầu Segment I và Segment II với sự tham gia của những nhà thầu Ba Lan và những nhà thầu quốc tế khác. Cuối cùng dự án đã đáp ứng tiến độ và đường cao tốc Berlin-Warsaw đã góp phần cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng giao thông ở Trung Âu.
Theo The Wall Street Journal : "Dự án đường cao tốc qua các cánh đồng trồng khoai tây của Ba Lan là một dự án quá lớn đối với một trong những nhà xây dựng lớn nhất của Trung Quốc”.
Ông Ian Khama, giám đốc một Công ty xây dựng của Botswana, đã từng làm ăn với các Công ty Trung Quốc trong việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng cho biết ông đã có được nhiều kinh nghiệm đối phó với những cái xấu của các nhà thầu Trung Quốc.
“Việc nhà thầu Trung Quốc thắng thầu không có gì là ngạc nhiên cả. Vấn đề là khi thực hiện gói thầu thì liên tục vi phạm và sau đó thì phải đàm phán lại, khiến cho chi phí công trình tăng lên rất nhiều, còn tiến độ thì chậm hơn”, Business Day Live tường thuật.
Dự án mở rộng Sân bay Quốc tế Cheddi Jagan ở Guyana, Nam Mỹ
Inews Guyana ngày 6.10.2016 đưa tin, Công ty TNHH Cơ khí Hàng hải Trung Quốc (CHEC) đã giải trình về sự chậm trễ nghiêm trọng trong Dự án mở rộng Sân bay Quốc tế Cheddi Jagan (CJIA), tổng vốn đầu tư là 150 triệu USD. Đây là dự án quan trọng của quốc gia Nam Mỹ này.
Bộ Cơ sở Hạ tầng Công cộng Guyana cho biết rất không hài lòng với tiến độ mà CHEC đã thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị khởi công công trình, dự án không những bị chậm trễ mà còn rất nhiều vấn đề mà nhà thầu Trung Quốc đã không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của công trình.
Từ bản vẽ kỹ thuật của nhà ga mới đến chi tiết thiết kế của các hạng mục quan trọng, nhất là việc xây dựng và cải tạo đường băng… nhà thầu Trung Quốc đều chậm trễ, dù đã bị chủ đầu tư cảnh cáo rất nhiều lần.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư rất thất vọng về những hợp đồng gây tranh cãi giữa nhà thầu Trung Quốc với các đơn vị khác, trong đó có việc cung cấp bê tông tại chỗ, thu mua thiết bị, máy phát điện và trạm bơm chữa cháy.
Đặc biệt, nhà thầu Trung Quốc bị phát hiện đã ký hợp đồng với một công ty của Suriname cung cấp khoảng 300.000 tấn đá cho dự án CJIA, với tổng giá trị 7,5 USD.
Bộ Cơ sở Hạ tầng Công cộng Guyana đã phải đưa ra biện pháp phòng ngừa, bởi nhà thầu Trung Quốc có thể lựa chọn phương án thay thế đá nghiền rẻ tiền, không đạt chất lượng cho dự án.
Ông Dominic Gaskin, Bộ trưởng Kinh tế Guyana cho biết, chính phủ nước này đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội của giới truyền thông, giới doanh nghiệp và người dân trước sự gian dối của nhà thầu Trung Quốc.
Cuối cùng, Dự án mở rộng Sân bay Quốc tế Cheddi Jagan đã phải dừng lại, chủ đầu tư và nhà thầu phải thương lượng lại và theo dự kiến đến tháng 12.2017 mới được khởi động lại. Như vậy là dự án quan trọng này đã chậm tiến độ ít nhất là hơn một năm với biết bao thiệt hại và hệ luỵ.
Dự án khai thác và chế biến quặng sắt ở tây bắc Australia
Dự án khai thác và chế biến quặng sắt ở tây bắc Australia (Sino Iron) được triển khai vào năm 2006, gồm các hạng mục xây dựng khu mỏ khai thác và cơ sở chế biến quặng sắt.
Tổng công ty Luyện kim Trung Quốc là đơn vị trúng thầu cả hai gói thầu của Sino Iron với tổng giá trị lên tới 2,5 tỷ USD và dự kiến quặng khai thác sẽ được đưa vào dây chuyền luyện sắt vào năm 2009.
Tuy nhiên, dự án không thể thực hiện đúng tiến độ ngay từ gói thấy xây dựng khu mỏ khai thác, chi phí thì tăng lên đến hơn 8 tỷ USD và đến đầu tháng 4.2013 thì mới có chuyến vận chuyển quặng đầu tiên từ nơi khai thác đến nơi chế biến.
Mà đề thực hiện được điều đó, chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị trung gian phải thực hiện theo một quyết định của Toà án Tối cao Tây Australia, nghĩa là cơ quan bảo vệ luật pháp nước sở tại đã phải vào cuộc thì dự án mới có thể được hoàn tất.
Không những vậy, khi hoàn tất Sino Iron còn giảm công suất khai thác từ 28 triệu tấn quặng. năm xuống còn 10 triệu tấn quặng.năm, khiến giá thành sản phẩm tăng đột biến. Ngoài ra, hệ thống vận chuyển tại Sino Iron còn có thể phải ngừng hoạt động nếu có bão lớn.
“Dự án Sino Iron là một thảm hoạ về tài chính khiến khả năng thu hồi vốn không thể xác định… Nhà thầu Trung Quốc đã nổi tiếng thế giới với việc thực hiện gói thầu lâu nhất và chi phí phát sinh nhiều nhất”, Forbes bình luận.
Theo The New York Times : “Các nhà thầu Trung Quốc đã không thận trọng trong cách tiếp cận của họ để có thể cạnh tranh ở nước ngoài. Các đối thủ quốc tế phàn nàn rằng hồ sơ đấu thầu của những nhà thầu Trung Quốc luôn bị cắt xén, nghĩa là các nhà thầu Trung Quốc quyết tâm bằng mọi giá để trúng thầu, rồi sau đó không thể thực hiện được”.
Có lẽ với những gì nhà thầu Trung Quốc đang thể hiện, đang thực hiện trong các gói thầu của họ tại Việt Nam đã chứng minh rõ nhất cho lời nhận định ấy của The New York Times.
Ngọc Việt