Sau khi đất nước thống nhất, nhà Triệu tiếp tục trở thành giặc trên SGK dạy sử và cho đến nay cũng vậy. Trong chương trình dạy sử phổ thông hiện giờ, nhà Triệu 3 lần bị bêu tội trên sách.
Triệu Đà, cách nhìn qua các thời kỳ: Nỏ thần trao tay giặc?Ngàn năm đô hộ giặc Tàu: Góc nhìn về Triệu Đà, lịch sử cũng... chia phe
Triệu Đà và cuộc bút chiến giữa hai học giả Phan Khôi-Trần Trọng Kim
Quan điểm đa chiều về Triệu Đà tại miền Nam trước 1975
Vai trò của Triệu Đà trong quan niệm lịch sử duy vật của Đào Duy Anh
Tứ trụ sử học Việt Nam đồng nhất quan điểm về Triệu Đà
Trọng Thủy con Triệu Đà: Bên trọng bên khinh và câu thơ chốt hạ của Tố Hữu
Nhà Triệu từng hùng cứ một phương trong Bình Ngô đại cáo rồi bị trục xuất
Trong phần trước, chúng tôi có trích dẫn thông tin từ GS Nguyễn Xuân Kính (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) về chuyện năm 1972, GS Vũ Khiêu đã đưa ra một văn bản rất khác lạ, thay nhà Triệu bằng nhà Đinh:
Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, xây dựng nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương.
Đồng thời, trong bài viết Sức sống của một tư tưởng và tinh thần khoa học của GS Bùi Văn Nguyên, Giáo sư Nguyễn Xuân Kính cũng còn kể một chi tiết thú vị đáng quan tâm: “Ở sách giáo khoa phổ thông, thời gian đầu, trong bài Bình Ngô đại cáo, người soạn sách bỏ từ “Triệu”. Thời gian sau, tình hình cởi mở hơn, từ “Triệu” được khôi phục và được chú thích là Triệu Đà. Oái oăm thay, trong sách giáo khoa văn học lớp 10, ở cùng năm học, học sinh được/bị học cả bài về Mỵ Châu Trọng Thủy lẫn bài Bình Ngô đại cáo. Ở bài trước, sách giáo khoa giảng rằng Triệu Đà và Trọng Thủy là những nhân vật phản diện; còn ở bài sau thì phải chú thích “Triệu” là Triệu Đà. Trong cuốn sách dành cho giáo viên, người ta đã phải có đoạn: Đề phòng nếu học đến đây mà học sinh thắc mắc thì sẽ giải thích thế này, thế này…”.
Và sau 1975, khi nhà Triệu có được “số đỏ” trong Bình Ngô đại cáo dạy học sinh thì triều đại này vẫn bị tranh cãi lý lịch. Cụ thể sách Văn học lớp 10 năm 1976 ghi chú ở trang 44 giải thích về chữ Triệu khá thoáng: “Triệu đây là Triệu Đà. Một số sách xưa đã coi Triệu Đà có công dựng nước vì Triệu Đà về sau có công chống nhà Hán”. Cách giải thích này chỉ đưa thông tin mà không bình luận nên các nhà soạn sách sau tiếp tục sửa.
Sách văn học lớp 10 năm 1976
Đến sách Văn học lớp 9 năm 1989 thì giải thích chữ Triệu như sau: Triệu đây là Triệu Đà (chứ không phải Triệu Quang Phục trong nhà Tiền Lý). Một số sử sách xưa đã coi nhầm Triệu Đà có công xây dựng nước ta.
Sách Văn học lớp 9 năm 2000
Đến sách Văn học lớp 9 năm 2000 thì giải thích chữ Triệu ngắn gọn nhưng có bình luận: “Triệu đây là Triệu Đà. Một số sách xưa đã nhầm Triệu Đà là triều đại nước ta”.
Sách Ngữ văn lớp 10 hiện nay
Còn Bình Ngô đại cáo trong sách Ngữ văn lớp 10 hiện hành thì bỏ trống, không ghi chú nhà Triệu. Chẳng trách mà vừa qua có một độc giả có lẽ không hiểu được trong Bình Ngô đại cáo Triệu là triều đại của Triệu Đà, Lý là triều đại của Lý Công Uẩn, nên nhắn trách với lời lẽ gay gắt xin dẫn nguyên văn: “Trong bài Bình Ngô đại cáo thì Triệu ở đây là Triệu Bôn, Lý Bí chứ không phải Triệu Đà nhé. Làm sử ngu như bò”.
Nhân việc giải thích Triệu ở đây phải là Triệu Đà chứ không thể là Triệu Việt Vương hay không thể đưa nhà Đinh lên vị trí dẫn đầu, chúng tôi xin trích ý kiến của cố Giáo sư Bùi Văn Nguyên (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Văn học dân gian và văn học cổ Việt Nam trong nhiều năm, nguyên Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam..., được Nhà nước phong chức danh Giáo sư năm 1984): “Các sử gia nước ta thời Trần, Lê, Nguyễn nhận xét Triệu Đà trong bối cảnh lịch sử như vậy (xem phần ghi chú cuối bài), mới coi Triệu Đà, tuy là quan lại của nhà Hán, nhưng đã đứng về phía Bách Việt mà chống Hán (…). Cũng với tinh thần đó, Nguyễn Trãi mới dùng hình tượng bốn triều đại: “Triệu, Đinh, Lý, Trần” để đối lập với bốn triều đại phương Bắc là “Hán, Đường, Tống, Nguyên” theo thể văn tứ lục sóng nhau chan chát: Triệu thì đồng thời và ngang với Hán, cũng như Đinh thì đồng thời, và ngang với Đường, v.v.. Văn chương chân chính như ánh sao Khuê, đâu có phải là trò chơi vu khoát. Ấy thế mà có kẻ, chẳng hiểu gì văn, gì sử, lại chỉnh lý văn Nguyễn Trãi, dám bỏ Triệu, mà thay Tiền Lê vào, làm cho câu văn trở nên vô nghĩa và khấp khểnh cả về nội dung lẫn kỹ thuật. Phải Triệu mới ngang với Hán, Đinh mới ngang với Đường chứ? Và mới có sự sóng đôi trong văn tứ lục”.
Dù sao thì “sổ đỏ” của nhà Triệu trong Bình Ngô đại cáo trên SGK tuy long đong vất vả nhưng vẫn được giữ, vẫn còn có đất để tranh cãi. Còn trên SGK lịch sử thì số phận nhà Triệu đã được tuyên án mà tuyên không chỉ một lần.
Trong vài số trước, chúng tôi đã có bài nói về việc SGK dạy sử của miền Nam trước 1975, nhà Triệu được xếp làm triều đại chính thống. Tuy nhiên, trong SGK ở miền Bắc trước 1975 thì nhà Triệu bị coi quân xâm lược. Trong cuốn sách giáo khoa lịch sử lớp 5 năm 1967 (hệ giáo dục phổ thông 10 năm miền Bắc khi đó, lớp 5 là lớp đầu tiên của cấp 2) thì đã ghi rõ ngay tiêu đề bài 8 là: Nước Âu Lạc bị nhà Triệu xâm lược và thống trị. Bài này trong chương 4, phần: Đất nước Âu Lạc buổi đầu thời Bắc thuộc.
Sau 1975, nhà Triệu tiếp tục trở thành giặc trên SGK dạy sử ở nước ta và cho đến ngày nay cũng vậy. Trong chương trình dạy sử phổ thông hiện giờ, nhà Triệu 3 lần bị bêu tội trên sách. Lần thứ nhất là trong sử lớp 4. Ở cuốn Lịch sử và Địa lý 4, ngay bài 2 về Âu Lạc (trang 16) ghi rõ: Năm 179 TCN, Triệu Đà lại đem quân sang đánh Âu Lạc, An Dương vương thua trận phải nhảy xuống biển tự vẫn. Từ đó, nước Âu Lạc rơi vào ách đô hộ của triều đại phong kiến phương Bắc.
Lần thứ 2 là trong sử lớp 6, bài 15 về nước Âu Lạc (trang 45) có viết: “Đất nước Âu Lạc yên ổn chưa được bao lâu thì xảy ra cuộc xâm lược của Triệu Đà” hay “Quân dân Âu Lạc, với vũ khí tốt và tinh thần chiến đấu đã đánh bại các cuộc tấn công của quân Triệu, giữ vững nền độc lập của đất nước. Triệu Đà biết không thể đánh bại được quân ta bèn vờ xin hòa và dùng mưu kế chia rẽ nội bộ nước ta”, “Năm 179 TCN, sau khi đã chia rẽ được nội bộ nhà nước Âu Lạc, khiến các tướng giỏi như Cao Lỗ, Nồi Hầu phải bỏ về quê, Triệu Đà lại sai quân đánh Âu Lạc. An Dương Vương do không đề phòng, lại mất hết tướng giỏi nên bị thất bại nhanh chóng. Âu Lạc rơi vào ách đô hộ của nhà Triệu”. Đồng thời sách đặt câu hỏi cho học sinh: “Dựa vào tư liệu lịch sử và truyền thuyết, em hãy trình bày nguyên nhân thất bại của An Dương Vương trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Triệu Đà”.
Lần thứ 3 là trong lịch sử lớp 10. Ngay sapo của bài 15 Thời Bắc thuộc và các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc (trang 80) đã ghi rõ: Năm 179 TCN, Âu Lạc bị nhà Triệu xâm chiếm. Từ đó đến đầu thế kỷ X, các triều đại phong kiến phương bắc từ Triệu đến Đường thay nhau đô hộ nước ta.
Nếu lên đại học thì nhà Triệu thêm một lần nữa bị lên án trong cuốn Đại cương lịch sử Việt Nam tập 1. Trong phần dựng nước (phần hai) thì chương VI đã ghi luôn tên chương là Cuộc xâm lược của nhà Triệu, đồng thời ghi rõ: "Nước Nam Việt của Triệu Đà thực chất là nhà nước cát cứ của một tập đoàn tướng lĩnh, quan lại Hán tộc không phải là nhà nước của người Việt". Mở đầu phần ba (thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc), nhà Triệu cũng bị bêu tội: "Nhà Triệu thi hành chính sách dung dưỡng ‘lấy người Di trị người Di’ nhằm biến các lạc tướng, quý tộc bản địa (người Việt) thành chỗ dựa cho chính quyền đô hộ".
Theo GS. Bùi Văn Nguyên, thời bấy giờ ranh giới giữa các bộ tộc chưa được phân định rạch ròi, thường có chiến tranh lấn chiếm lẫn nhau, Thục Phán hay Triệu Đà không phải là tay sai của Tần, Hán, mà là vua một địa phương. Các sử gia nước ta thời Trần, Lê, Nguyễn đã đánh giá Triệu Đà trong bối cảnh như vậy, mới coi Triệu Đà, tuy là quan lại của nhà Hán nhưng đã đứng về phía Bách Việt mà chống Hán, thay các thế hệ Hùng Vương, bảo vệ nền độc lập cho giang sơn còn sót lại của cộng đồng Bách Việt ở phương Nam.
(còn tiếp)
Anh Tú