Việc đảm bảo rằng Campuchia sẽ không tiếp tục rơi vào vòng tay của Trung Quốc là một trong những mục tiêu chính của Nhật. Nhưng Tokyo không thiên vào các đòn trừng phạt mạnh mẽ như các nước phương Tây để gây áp lực với Campuchia.

Nhật dùng 'nhu quyền' để hạn chế vai trò Trung Quốc tại Campuchia

Hoàng Phương | 28/08/2020, 15:43

Việc đảm bảo rằng Campuchia sẽ không tiếp tục rơi vào vòng tay của Trung Quốc là một trong những mục tiêu chính của Nhật. Nhưng Tokyo không thiên vào các đòn trừng phạt mạnh mẽ như các nước phương Tây để gây áp lực với Campuchia.

Cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã trở thành quan chức nước ngoài đầu tiên bắt đầu chuyến thăm chính thức Campuchia trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Chuyến thăm của ông tới Campuchia, một phần của chuyến công du 4nước, không chỉ là một chuyến đi được thực hiện nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao song phương và thể hiện tình đoàn kết trong những thời điểm khó khăn. Thay vào đó, một số vấn đề khu vực gây tranh cãi, bao gồm khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở do Nhật Bản thúc đẩy cũng như những căng thẳng ở Biển Đông là lý do chủ chốt của chuyến thăm của Motegi.

Chuyến đi của ông chứng tỏ rằng Nhật Bản đang tiến thêm một bước nữa để mở rộng sự hợp tác với Campuchia, một trong những đồng minh nổi bật nhất của Trung Quốc trong khu vực. Ngoài Campuchia, chuyến đi của Motegi còn dừng chân ở Lào và Myanmar, những quốc gia mà tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đã “đóng rễ”.

Điều gì đã thúc đẩy Nhật Bản nhanh chóng hành động để mở rộng vai trò trong khu vực? Rõ ràng là do Trung Quốc đang ngày càng hung hăng trong các tranh chấpở Biển Đông. Trong bản đánh giá quốc phòng thường niên được công bố vào tháng trước, chính phủ Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe đã nêu rõ sự quan ngại về việc hiện đại hóa quân sự nhanh chóng của Trung Quốc cũng như trực tiếp chỉ trích việc Trung Quốc đơn phương không ngừng mở rộng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trong khi các nước khác đang chiến đấu chống lại đại dịch.

Vài tuần trước, chính phủ Nhật Bản cũng ký một thỏa thuận cung cấp cho Việt Nam, một nước cũng có tranh chấp Biển Đông, 6tàu tuần tra để tăng cường năng lực quân sự của Việt Nam. Nhật Bản cho biết thỏa thuận này sẽ góp phần hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Sự hung hăng của Trung Quốc khiến Nhật Bản hết sức lo lắng vào lúc này. Ngoài ra, việc Trung Quốc đẩy mạnh trong việc hỗ trợ các quốc gia khác đối phó với đại dịch cũng tạo ra mối quan ngại rõ rệt đối với Tokyo. Từ khẩu trang đến vắc xin, Bắc Kinh đã và đang triển khai tất cả các công cụ có thể. Trong trường hợp Bắc Kinh phát triển thành công vắc xin COVID-19,thứ mà ban lãnh đạo Trung Quốc gọi là “hàng hóa công cộng” và sẽ được chia sẻ với toàn thể thế giới,thì Tokyo sẽ càng thấy khó khăn hơn về mặt chiến lược khi cạnh tranh với Trung Quốc. Nếu Nhật Bản không nhanh chóng hành động, còn lâu họ mới được dẫn đầu cuộc đua.

Chống lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Campuchia

Khi ở Campuchia, Motegi đã giải thích rõ ràng với người đồng cấp CampuchiaPrak Sokhonnrằng đây là lúc khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở cần được củng cố chặt chẽ hơn nữa trong bối cảnh quốc tế đã thay đổi đáng kể do hậu quả của đại dịch COVID-19.

Được Thủ tướng Abe giới thiệu vào năm 2016, chiến lược này nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác và thương mại chặt chẽ hơn giữa các quốc gia ở châu Á, châu Phi và Trung Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, bao gồm tự do hàng hải cũng như đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trong khi chào xã giao Thủ tướng Hun Sen, Motegi nhấn mạnh rằng chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng ở Campuchia. Điều đó gồm việc phát triển cảng nước sâu duy nhất của Campuchia ở Sihanoukville - tỉnh có sự đầu tư lớn của Trung Quốc trên các lĩnh vực từ sòng bạc đến xây dựng khách sạn và nhà hàng. Dự án hiện đại hóa cảng được tài trợ bởi khoản vay của chính phủ Nhật Bản trị giá 209 triệu USD. Sau khi hoàn thành vào đầu năm 2023, cảng này được dự đoán sẽ là cửa ngõ giao thương quan trọng giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của Campuchia.

Tuy nhiên, tính đến tháng 6, Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất tại Sihanoukville. Các công ty Trung Quốc chiếm phần lớn trong số 194 dự án đầu tư đang được xây dựng của tỉnh từ năm 1994 đến năm 2020, trị giá tổng cộng 30 tỉ USD.

Ngoài việc là nhà đầu tư hàng đầu, Trung Quốc cũng được cho là đã thiết lập một căn cứ hải quân ở tỉnh này - một tuyên bố mà chính phủ Campuchia đã nhiều lần phủ nhận và xem là “bịa đặt”.

Bằng cách khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường cho khuôn khổ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Nhật Bản đang cố gắng củng cố vị thế của mình trong việc chống lại sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Campuchia nói riêng và trong khu vực nói chung. Và với suy nghĩ này, điều quan trọng là Nhật Bản phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ và làm việc với bất kỳ quốc gia nào coi vai trò của mình trong khu vực là quan trọng, cũng như bất kỳ quốc gia nào mà ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng một cách đáng ngại.

Không nghi ngờ gì khi Nhật Bản vẫn xem Campuchia là một đối tác quan trọng trong khu vực. Việc đảm bảo rằng Campuchia sẽ không tiếp tục rơi vào vòng tay của Trung Quốc là một trong những mục tiêu chính của Tokyo. Nhưng việc Nhật Bản hỗ trợ các dự án nói trên có thể là không đủ để cạnh tranh với Trung Quốc ở Campuchia. Nhật Bản sẽ phải làm nhiều hơn nữa trong việc mở rộng đầu tư vào tỉnh Sihanoukville để kiểm soát tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Là đối tác chiến lược của Nhật Bản, Campuchia cho đến nay đã bày tỏ sự quan tâm và chấp nhận khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Nhật Bản làm đầu tàu. Phnom Penh tin rằng chiến lược này chủ yếu theo đuổi sự thịnh vượng kinh tế thông qua cam kết chặt chẽ hơn là thúc đẩy các nước liên quan đứng về phía nào - điều này sẽ có nguy cơ vi phạm tính trung lập và phá hoại sự hợp tác toàn diện trong khu vực.

Có thể thấy, trong thời gian này Campuchia đã cố gắng thể hiện quyết tâm thúc đẩy triển vọng ASEAN Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, giữ ASEAN là trung tâm của hợp tác khu vực và với vai trò trung tâm của ASEAN, hệ thống dựa trên luật lệ và nguyên tắc không can thiệp sẽ không bị vi phạm.

Tăng cường quan hệ quốc phòng song phương

Đối phó Trung Quốc, Nhật Bản sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn không chỉ quan hệ ngoại giao và kinh tế mà còn cả hợp tác quốc phòng với khu vực Đông Nam Á, trong đó có Campuchia.

Vào cuối tháng 6, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo rằng họ sẽ thành lập một cơ quan mới phụ trách bất kỳ vấn đề nào ở ASEAN cũng như các đảo ở Thái Bình Dương. Điều đó báo hiệu rằng sẽ có nâng cấp trong hợp tác quân sự với các nước ASEAN, gồm cả Campuchia, thông qua một số cơ chế gồm viện trợ quân sự, đào tạo kỹ thuật, cũng như xuất khẩu thiết bị quân sự.

Mặt khác, chính phủ Campuchia có khả năng sẵn sàng đáp ứng sự tham gia quân sự ngày càng tăng của Nhật Bản. Cần nhắc lại rằng chính ông Hun Sen, trong cuộc gặp hồi tháng 2 với tướng Goro Yuasa, Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ lục quân Nhật Bản, đã bày tỏ sự quan tâm của ông khi thấy sự hợp tác quân sự gia tăng với Nhật Bản trong các lĩnh vực trao đổi thông tin, chống khủng bố và đào tạo. Ông Hun Sen cũng khuyến khích phía Nhật Bản hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho nước này trong việc rà phá bom mìn và ứng phó khẩn cấp.

Tuy nhiên, vẫn còn phải xem xét liệu hợp tác quân sự tổng thể của Nhật Bản với các nước ASEAN có thể đi được bao xa. Hợp tác này phụ thuộc vào chính sách quốc phòng đang phát triển của nước này, vốn bị giới hạn bởi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình và các giới hạn pháp lý khác. Tuy nhiên, Nhật Bản coi Trung Quốc là một mối đe dọa lâu dài và có thể sẽ thúc đẩy nước này thực hiện các bước tiếp theo để giải quyết vấn đề hóc búa trong hiến pháp thời hậu chiến.

Campuchia cần đến vai trò ngày càng tăng của Nhật Bản

Chuyến thăm của Motegi tới Campuchia cũng diễn ra 9 ngày sau khi Campuchia mất đi 20% thỏa thuận ưu đãi thương mại theo chương trình “Mọi thứ, trừ vũ khí” (EBA) được cấp bởi Liên minh châu Âu, lấy lý do nước này có vấn đề về nhân quyền.

Mặc dù chuyến thăm không liên quan đến những phát triển gần đây trong vấn đề đối nội của Campuchia, nhưng nó vẫn cho thấy rằng Nhật Bản đã sẵn sàng làm nhiều hơn để can dự và hỗ trợ Campuchia trong thời gian khó khăn này.

Campuchia hiện nay dường như cần sự hỗ trợ của Nhật Bản hơn bao giờ hết do quan hệ của nước này với phương Tây - đặc biệt là với EU và Mỹ - đang ở mức thấp nhất, đòi hỏi một thời gian dài và nỗ lực để thiết lập lại.

Với việc các ưu đãi thương mại EBA bị rút lại một phần, Campuchia dự đoán sẽ đóng cửa một số nhà máy, khiến hàng nghìn công nhân mất việc làm.

Còn tệ hơn nữa, nền kinh tế của đất nước đã phải chịu một đòn thảm khốc do đại dịch. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Campuchia dự kiến ​​sẽ giảm tới 5,5% trong năm nay, có thể khiến từ ​​150.000 đến 200.000 công nhân mất đi việc làm.

Tương lai của Campuchia thực sự u ám. Suy thoái kinh tế đã khiến quốc gia này phải hành động trong tuyệt vọng trong việc cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế cũng như xuất khẩu.

Tất nhiên, quốc gia Đông Nam Á này có thể xem xét các sáng kiến ​​của Nhật Bản, trong đó có thể là các cơ chế hợp tác đa phương như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở hoặc các sáng kiến ​​của Nhật Bản về các khoản vay và đầu tư ở nước ngoài - tất cả đều có thể cung cấp nguồn vốn sâu rộng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và ổn định phát triển kinh tế trong thời kỳ hậu đại dịch.

Hơn nữa, Phnom Penh cũng đánh giá cao quan điểm mềm mỏng và sự hợp tác mang tính xây dựng của Tokyo. Khi nói đến việc thúc đẩy quan hệ với Campuchia, không thể nghi ngờ rằng Nhật Bản luôn có nhiều đòn bẩy hơn so với Trung Quốc. Quyền lực mềm mỏng của Nhật Bản chiếm ưu thế ở người Campuchia, có uy tín không gì sánh được và được tôn trọng.

Và Nhật Bản vẫn là nhà tài trợ kinh tế lớn nhất của Campuchia. Tokyo đã cung cấp hơn 2,8 tỉ USD hỗ trợ phát triển chính thức cho Campuchia, gần 15% nguồn tài chính từ tất cả các đối tác phát triển từ năm 1992 đến năm 2018.

Một điểm nổi bật là thông điệp của Motegi trước chuyến thăm của ông, trong đó ông tái khẳng định sự ủng hộ liên tục của Nhật Bản đối với sự phát triển dân chủ của Campuchia với những đặc điểm riêng của nước này - một khái niệm trái ngược với cách tiếp cận thúc đẩy dân chủ của các nước phương Tây. Cách tiếp cận của Nhật Bản thường được thúc đẩy bởi các yếu tố địa chính trị và tất nhiên Tokyo cũng hiểu được cách xử lý những vấn đề nhạy cảm như vậy theo những cách hợp lý và hiệu quả.

Hoàng Phương (theo Diplomat)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật dùng 'nhu quyền' để hạn chế vai trò Trung Quốc tại Campuchia