Nhật hoàng Naruhito sẽ mặc áo choàng trắng và được đưa vào một căn phòng gỗ tối để thực hiện nghi lễ cuối cùng của quá trình lên ngôi: qua đêm với một "nữ thần".

Nhật hoàng sẽ 'qua đêm' với 'nữ thần mặt trời' trong nghi lễ 25 triệu USD

12/11/2019, 15:33

Nhật hoàng Naruhito sẽ mặc áo choàng trắng và được đưa vào một căn phòng gỗ tối để thực hiện nghi lễ cuối cùng của quá trình lên ngôi: qua đêm với một "nữ thần".

Nhật hoàng Naruhito lên ngôi sau sự thoái vị của vua cha, Thái thượng hoàng Akihito. Ảnh: Reuters.

Daijosai là một trong các nghi lễ kế vị của hoàng đế sau khi cha ông, người giờ đây là Thái thượng hoàng Akihito, thoái vị. Nghi lễ xoay quanh Amaterasu Omikami - nữ thần mặt trời mà những người bảo thủ tin rằng đã sinh ra hoàng tộc Nhật Bản.

Mặc dù ông nội của Nhật hoàng Naruhito, cố Nhật hoàng Hirohito sau này không còn được xem là thần thánh, nghi lễ vẫn được lưu giữ.

Các học giả và chính phủ nói rằng nghi lễ bao gồm một bữa tiệc, thay vì quan hệ như vợ chồng với "nữ thần", như lời đồn lưu truyền hàng thế kỷ qua, theo Reuters.

Điều đó đã gây ra sự tức giận - cũng như các vụ kiện - từ phe chỉ trích cho rằng nghi lễ gợi nhớ quá khứ quân phiệt và vi phạm sự tách bạch giữa tôn giáo và nhà nước được quy định trong hiến pháp, vì chính phủ phải trả chi phí 2,7 tỷ yen (24,7 triệu USD) cho nghi lễ này.

Hình tượng nữ thần mặt trời Amaterasu Omikami trong thần thoại Nhật Bản. Ảnh: Wikimedia Commons.

Điều gì sẽ diễn ra?

Vào khoảng 19h, Nhật hoàng Naruhito bước vào một khu đền thờ rồi biến mất sau tấm màn trắng.

Trong căn phòng ánh sáng lờ mờ, ông quỳ xuống bên cạnh những tấm chiếu được phủ màu trắng, được cho là nơi nghỉ ngơi của nữ thần. Hai người hầu trong đền thờ mang đồ ăn, từ cơm đến bào ngư, để Nhật hoàng Naruhito cho vào 32 chiếc đĩa làm từ lá sồi.

Sau đó, ông khấu đầu và cầu xin hòa bình cho người dân Nhật trước khi ăn cơm, kê và rượu gạo "với" nữ thần.

Toàn bộ nghi thức được lặp lại ở một phòng khác, kết thúc vào khoảng 3h sáng hôm sau.

Từ lâu là một bí mật, nghi lễ đã được đài truyền hình công NHK tái hiện trong năm nay, một động thái chưa từng có mà các học giả nói rằng có thể là sáng kiến của chính phủ để xua tan những tin đồn.

"Có một cái giường, một cái khăn phủ và hoàng đế giữ khoảng cách với nó", chuyên gia John Breen, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Nhật Bản học ở Kyoto, cho biết. Ông nói rằng việc hé lộ bí mật về buổi lễ có thể là cách để chính phủ bảo vệ mình.

"Việc đưa ai đó lên làm vua là một công việc thiêng liêng, nó biến một người đàn ông hay một người phụ nữ thành một thứ gì đó hơn cả đàn ông hay phụ nữ", ông nói, chỉ ra các yếu tố huyền bí trong các nghi lễ đăng cơ ở Anh.

"Vì vậy, việc chính phủ Nhật phủ nhận bất cứ điều gì huyền bí trong chuyện đó là kỳ cục, nhưng mục đích khá rõ ràng - đó là để chống lại những cáo buộc rằng có điều gì đó vi hiến".

Nhật hoàng Naruhito trong một nghi lễ lên ngôi hôm 22/10. Ảnh: Reuters.

Nghi lễ được cho là ra đời từ những năm 700 và được duy trì trong khoảng 700 năm, nghi lễ sau đó bị gián đoạn trong gần ba thế kỷ, một khoảng trống mà ông Breen nói đã dẫn đến việc nó mất đi phần lớn ý nghĩa ban đầu.

Dù ban đầu được xem là ít quan trọng hơn những nghi lễ khác, Daijosai đã đạt được vị thế và hình thức như hiện tại từ năm 1868, khi Nhật Bản bắt đầu biến mình thành một quốc gia hiện đại, thống nhất dưới thời các thiên hoàng.

Tranh cãi tài chính

Trong một cuộc họp báo, em trai của Nhật hoàng, Thái tử Akishino, đã tự hỏi liệu việc sử dụng tiền công có "phù hợp" hay không, gợi ý rằng nên sử dụng các quỹ của riêng hoàng gia, tức là quy mô buổi lễ sẽ nhỏ hơn nhiều.

Song Koichi Shin, người đứng đầu một nhóm 300 người đệ đơn kiện yêu cầu chính phủ phải dừng nghi lễ và bồi thường 10.000 yen cho mỗi người vì "sự đau đớn và thống khổ", nói rằng điều đó vẫn không thỏa đáng, vì các quỹ hoàng gia vẫn là tiền thuế của người dân.

Với một vụ kiện bị Tòa án Tối cao bác bỏ một phần và một vụ kiện khác dự kiến được đưa ra xét xử sau nghi lễ ngày 14/11, trận chiến tòa án chủ yếu mang tính biểu tượng, vì mối quan tâm về chủ nghĩa dân tộc và hoàng đế đang mất dần.

Năm 1990, khi Nhật hoàng Akihito lên ngôi, các cuộc biểu tình lớn hơn bây giờ, bao gồm các vụ tấn công bằng rocket trước một số nghi lễ, 1.700 người đâm đơn kiện và truyền thông đưa tin một cách hà khắc.

"Nhật hoàng Hirohito chịu trách nhiệm về cuộc chiến, nhưng Nhật hoàng Akihito đã nỗ lực rất nhiều để làm dịu hình ảnh của gia đình", Shin, một nhân viên văn phòng 60 tuổi, nói.

"Nhưng tôi nghĩ việc thể hiện những nghi lễ này trên truyền hình củng cố ý tưởng rằng hoàng đế là tôn giáo".

Theo Zing

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật hoàng sẽ 'qua đêm' với 'nữ thần mặt trời' trong nghi lễ 25 triệu USD