Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ do nhiều vướng mắc về thủ tục triển khai. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng các gói hỗ trợ cần mở rộng quy mô, đẩy nhanh tốc độ triển khai và hướng tới đúng đối tượng.
Theo ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, khảo sát của đơn vị này cho thấy có đến 61% doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Trong khi đó, 28% doanh nghiệp nói rằng quy trình, thủ tục phức tạp, 14% doanh nghiệp đánh giá cơ quan hướng dẫn chưa nhiệt tình, 9% doanh nghiệp không giữ được người lao động để hoạt động.
Ông Dũng nói các rào cản trong chứng minh thiệt hại do COVID-19 khiến quá trình triển khai các gói hỗ trợ kéo dài. Ngay cả khi đáp ứng điều kiện của các ngân hàng thì số vốn giải ngân cũng không đáp ứng được nhu cầu tái đầu tư sản xuất của doanh nghiệp.
Do vậy, ông Dũng cho rằng TP.HCM cần quan tâm, chỉ đạo tập trung một số hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, thành phố cần từng bước nới lỏng cách ly xã hội, nhanh chóng phục hồi lại môi trường sản xuất kinh doanh trong nước; khai thông các khâu vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Các gói đầu tư công cần có thêm tiêu chí ưu tiên doanh nghiệp trong nước tham gia đấu thầu, quan tâm nhiều hơn việc sử dụng sản phẩm trong nước và công khai thông tin thực hiện. Thành phố cũng cần tập trung giải quyết nhanh các thủ tục xác nhận điều kiện hợp quy sản phẩm, thủ tục xuất khẩu đối với doanh nghiệp tham gia lĩnh vực sản phẩm phục vụ phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, ông Dũng mong muốn thành phố hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi số và có chính sách phát triển mạnh ngành thương mại điện tử, giao nhận hàng hóa cho phù hợp với tình hình mới.
Trong khi đó, khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết hiện chỉ có hơn 20% doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ, do nhiều vướng mắc về thủ tục triển khai.
Đặc biệt, VCCI cho biết hiện tại doanh nghiệp vẫn phải nộp các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, trả nợ lãi vay… bình thường như trước đây. Các văn bản doanh nghiệp đề nghị với các cơ quan thuế, ngân hàng đều chưa được xem xét, giải quyết với lý do chờ hướng dẫn của cấp trên.
Cũng theo phản ánh của các doanh nghiệp, hầu hết các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chủ yếu vẫn là hoãn, giãn tiến độ nộp các khoản nghĩa vụ như thuế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, nợ phải trả ngân hàng… Còn các biện pháp miễn, giảm các khoản phải nộp hầu như chưa có.
Hầu hết các doanh nghiệp đều lo ngại những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 kéo dài nên nhiều khó khăn, vướng mắc mới của doanh nghiệp tiếp tục nảy sinh với mức độ ngày càng trầm trọng hơn, ở phạm vi rộng hơn, bao phủ hầu khắp các ngành nghề, quy mô, lĩnh vực hoạt động. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị các gói hỗ trợ doanh nghiệp cần mở rộng quy mô, đẩy nhanh tốc độ triển khai và hướng tới đúng đối tượng.
Về tiếp cận nguồn vốn tín dụng, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến 20.4.2020, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tái cơ cấu hơn 63.000 tỉ đồng nợ vay và miễn giảm lãi vay hơn 12.300 tỉ đồng theo Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước. Theo ông Minh, đã có khoảng 168.000 khách hàng được thụ hưởng chương trình này, trong đó 38% là doanh nghiệp.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy tính đến cuối tháng 4.2020 đã có hơn 170.740 khách hàng với dư nợ 128.210 tỉ đồng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Khoảng 980.163 tỉ đồng của 14.372 khách hàng được miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ.
Mức hạ lãi suất phổ biến của các ngân hàng là 0,5-2% một năm, thậm chí có nhà băng giảm lãi suất 2,5-4% một năm với các khoản vay hiện hữu. Riêng lãi suất cho vay mới cũng giảm 1-2% một năm với dư nợ cho vay khoảng 533.000 tỉ đồng.
Phan Diệu