Bước vào giai đoạn tháng 4-5 là các vườn dâu ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang vào mùa thu hoạch. Tuy nhiên, có lẽ do ảnh hưởng dịch bệnh cộng thêm việc kiểm soát xuất nhập khẩu... nên việc dâu nơi đây tuy trúng mùa nhưng mất giá là điều không tránh khỏi.

An Giang: Dâu xứ núi trúng mùa nhưng rớt giá

07/05/2020, 09:11

Bước vào giai đoạn tháng 4-5 là các vườn dâu ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang vào mùa thu hoạch. Tuy nhiên, có lẽ do ảnh hưởng dịch bệnh cộng thêm việc kiểm soát xuất nhập khẩu... nên việc dâu nơi đây tuy trúng mùa nhưng mất giá là điều không tránh khỏi.

Anh Lộc hiện có 6 công dâu đang vào mùa thu hoạch nhưng giá thu mua giảm mạnh khiến anh không khỏi lo lắng - Ảnh: Tô Văn

Dâu vùng Bảy Núi là đặc sản sạch

Với diện tích hơn 4.000 héc-ta, độ cao 710 mét so mặt nước biển, núi Cấm không chỉ được mệnh danh “trung tâm hành hương” vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang) mà nơi đây còn có nhiều vườn cây ăn trái đặc sản ở khắp các vồ, điện.

Một cán bộ ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên cho biết hiện tại núi Cấm có hơn 150 héc-ta vườn, chủ yếu là trồng cây có múi như quýt, cam, bưởi, sầu riêng nhưng nhiều nhất là dâu... Cuối tháng 4, đầu tháng 5 là giai đoạn dâu vàng (giống loại trái bòn bon - PV), dâu xanh đang vào mùa thu hoạch.

Tại núi Cấm hiện còn khoảng 1.000 tấn dâu đang chờ hái - Ảnh: Tô Văn

Hầu hết, các vườn dâu nằm ở ấp Vồ Đầu, ấp Vồ Bồ Hong… nơi nhiệt độ dao động 25-29 độ C và có nguồn nước lưu dẫn tốt. “Với lợi thế về thổ nhưỡng, người dân lập vườn trồng cây có múi là thích hợp, đồng thời kết hợp dịch vụ phục vụ tham quan. Chính lẽ đó sẽ tạo ra vùng cây ăn trái đặc sản phong phú, đa dạng chủng loại mà dưới đồng bằng không phải chỗ nào cũng sánh được”, người này giải thích.

Loại dâu bòn bon có vị chua ngọt người dân bên Campuchia rất thích ăn - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo cán bộ này, khi cây có múi đưa lên độ cao 400-500 mét sẽ hạn chế được các loại sâu bệnh gây hại mùa màng nên người dân ít phun thuốc bảo dưỡng. Có thể gọi trái cây vùng này là loại trái cây sạch nhất.

Vài năm trước tại núi Cấm có gần 100 người dân được UBND xã An Hảo xét chọn danh hiệu “Nông dân giỏi”, với các mô hình canh tác vườn và trồng trọt hoa màu, doanh thu đạt trung bình hơn 100 triệu đồng/héc-ta/năm.

Trúng mùa nhưng… mất giá

Xã An Hảo là một trong những xã có diện tích trồng dâu vàng, xanh nhiều nhất. Tuy nhiên, dù trong những ngày vào mùa nhưng người dân nơi đây vẫn không mặn mà với việc thu hái vì giá giảm mạnh.

Với lợi thế về thổ nhưỡng, cư dân ở núi Cấm lập vườn trồng cây có múi như dâu là thích hợp - Ảnh: Tô Văn

Anh Nguyễn Thành Lộc (39 tuổi, ngụ ấp Vồ Đầu) cho biết: “Năm nay gia đình tôi trồng 6 công (1 công = 1.000m2) dâu bòn bon và dâu xanh thu được khoảng 15 tấn. Giá đầu vụ 5.000 đồng/kg, nhưng sau đó rớt xuống 4.000 đồng, bây giờ xuống còn 2.500 đồng. Chi phí đầu tư hết hơn chục triệu đồng chưa tính tiền phân, công. Dù thua lỗ nhưng tôi buộc phải thu hoạch để vớt vát chứ để tới tháng 6 dâu vườn tôi rụng trái hết là coi như mất trắng”.

Trái hẳn với không khí vui tươi của những vụ thu hoạch trước, mùa dâu năm nay người trồng và người mua đều buồn vì dâu mất giá. Ông Nguyễn Văn Đen, chủ một đại lý thu mua dâu dưới chân núi Cấm chia sẻ: “Đến nay giá dâu vàng rớt xuống còn 2.500 đồng/kg, dâu xanh 4.000 đồng/kg. Năm nay mùa dâu núi trùng với dâu vườn tại đồng bằng nên việc giá giảm là điều không tránh khỏi. Đồng thời việc kiểm soát nhập xuất qua Campuchia nên giá dâu núi rớt thảm hại. Từ đầu vụ đến giờ tôi mới thu mua được khoảng 2-3 tấn dâu, không bằng 1/3 năm trước. Hiện các vườn dâu trên núi theo tôi nhẩm tính còn khoảng 1.000 tấn dâu đang chờ hái”.

Một gốc dâu có thể thu hoạch cả trăm kg - Ảnh: Tô Văn

Dâu vùng Bảy Núi là một loại dâu sạch, vỏ bóng, múi to, vị ăn rất khác biệt với loại dâu đồng bằng. Tuy nhiên việc dâu rớt giá thảm hại khiến bà con nơi đây đang gặp khó.

Tô Văn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Dâu xứ núi trúng mùa nhưng rớt giá