Do hoạt động kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng giảm xuống nên nhu cầu vay vốn, tín dụng cũng giảm. Điều này khiến nhu cầu huy động của ngân hàng không còn lớn và lãi suất có xu hướng giảm trong tháng 2.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động vì Covid-19

03/03/2020, 21:34

Do hoạt động kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng giảm xuống nên nhu cầu vay vốn, tín dụng cũng giảm. Điều này khiến nhu cầu huy động của ngân hàng không còn lớn và lãi suất có xu hướng giảm trong tháng 2.

Lãi suất huy động có xu hướng giảm nhẹ - Ảnh: Internet

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tuần qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện hút ròng 11.000 tỉ đồng qua thị trường mở (OMO). Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành mới 11.000 tỉ đồng tín phiếu mới (kỳ hạn 91 ngày với mức lãi suất duy trì ở mức 2,65%) và không có lượng tín phiếu đáo hạn nào. Trên kênh OMO, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục không thực hiện hoạt động phát hành mới nào và không có lượng đáo hạn nào. Như vậy, lượng tín phiếu đang lưu hành hiện đã tăng lên mức 120.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng trong tuần giảm nhẹ ở cả 3 kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần giảm lần lượt 0,07%; 0,08% và 0,14% xuống mức 2,02%/năm; 2,42%/năm và 2,36%/năm. Thanh khoản tiếp tục dồi dào giúp lãi suất liên ngân hàng tiếp tục ổn định ở mức thấp

Đáng chú ý, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các nhóm ngân hàng đều có xu hướng giảm nhẹ trong tháng 2. Cụ thể, lãi suất của nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước giảm trung bình 0,1%, nhóm ngân hàng thương mại có vốn trên 5.000 tỉ đồng giảm 0,07%, nhóm ngân hàng thương mại có vốn dưới 5.000 tỉ đồng giảm 0,01%.

Trong tháng 2, kinh tế vĩ mô Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi diễn biến của dịch cúm Covid-19. Các hoạt động sản xuất, dịch vụ đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Đáng lưu ý nhất là 2 tháng đầu năm, tác động tiêu cực của bệnh dịch đã gây ảnh hưởng khiến gần 16.000 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Do hoạt động kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng giảm xuống nên nhu cầu vay vốn, tín dụng cũng giảm xuống. Việc này khiến nhu cầu huy động của ngân hàng không còn lớn và lãi suất có xu hướng giảm trong tháng 2.

“Trong thời gian tới, nếu diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát thì có thể khiến hoạt động sản xuất, dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực. Trước diễn biến trên, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho vay cũng như khoanh nợ, giãn nợ đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trên cơ sở đó, lãi suất huy động có thể tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong thời gian tới”, BVSC nhận định.

Trên thị trường ngoại hối, tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 15 đồng xuống mức 23.224 đồng/USD, tỷ giá tại ngân hàng thương mại cũng giảm 6 đồng xuống mức 23.231 đồng/USD. Đồng USD giảm giá mạnh khiến tỷ giá VND/USD cũng hạ nhiệt.

Đặc biệt, nguồn cung ngoại tệ trong tháng 2 bắt đầu có dấu hiệu yếu đi khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 3.500 tỉ đồng trên 3 sàn HSX, HNX và UPCOM. Vốn FDI đăng ký cấp mới từ đầu năm tới ngày 20.2 cũng giảm 23,6%, vốn FDI thực hiện giảm 5%. Về cán cân thương mại hàng hóa, nhập siêu ước tính đạt khoảng 452 triệu USD trong 2 tháng đầu năm.

BVSC cho rằng nếu diễn biến dịch Covid-19 tiếp tục xấu đi thì có thể sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam trong thời gian tới.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động vì Covid-19