Nhơn Mỹ, một xã nằm trên Cù lao Ông Chưởng, huyện Chợ Mới (An Giang), từ lâu đã được biết đến như một biểu tượng của tinh thần học tập ở miền Tây Nam Bộ.
Giáo dục

Nhơn Mỹ - nơi viết nên câu chuyện lớn từ giáo dục

Lê Phong Phú 11/02/2025 11:20

Nhơn Mỹ, một xã nằm trên Cù lao Ông Chưởng, huyện Chợ Mới (An Giang), từ lâu đã được biết đến như một biểu tượng của tinh thần học tập ở miền Tây Nam Bộ.

Trước đây, Nhơn Mỹ là vùng đất nghèo khó, nơi người dân chủ yếu sống bằng nghề nông và thường xuyên đối mặt với khó khăn do mùa lũ. Tuy nhiên, bằng ý chí vươn lên và sự đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, Nhơn Mỹ đã trở thành một “làng hiếu học” đáng tự hào.

nhon-my-3.jpg
Thầy Cao Phước Đông và bà Đặng Thị Láng xem lại những hình ảnh sinh động của Hội khuyến học xã

Ông Cao Phước Đông (80 tuổi), người được cả xã trìu mến gọi “thầy”, là một trong những người đặt nền móng cho phong trào khuyến học tại Nhơn Mỹ. Hành trình của ông Đông bắt đầu từ năm 2002, khi ông nghỉ hưu sau hàng chục năm gắn bó với sự nghiệp trồng người.

“Thầy” Đông kể lại: “Trong quá trình xây dựng và phát triển các chương trình khuyến học, tôi nhận thấy rằng, bên cạnh việc hỗ trợ vật chất cho học sinh khó khăn, việc tạo động lực từ những tấm gương thành công là vô cùng quan trọng. Vì vậy, năm 2012, tôi đã đề xuất với Đảng ủy - UBND xã tổ chức lễ vinh danh những người thành đạt của địa phương. Đến nay, Hội khuyến học xã đã vinh danh hàng trăm học sinh giỏi, thạc sĩ, tiến sĩ, góp phần tạo nên một không khí học tập sôi động”.

nhon-my-2.jpg
Xã Nhơn Mỹ tổ chức vinh danh tân sinh viên năm học 2024-2025

Từ một xã thuần nông, Nhơn Mỹ giờ đây đã trở thành một điển hình về phong trào khuyến học ở Đồng bằng sông Cửu Long. Các chi hội khuyến học được thành lập rộng khắp, các gia đình đều coi trọng việc học và hỗ trợ con em mình đến trường. Đặc biệt, việc thành lập các chi hội khuyến học dòng họ đã tạo nên một sức mạnh cộng đồng lớn, giúp nhiều học sinh vượt qua khó khăn.

“Toàn xã hiện có 43 chi hội khuyến học được thành lập rộng khắp ở các ấp, tổ tự quản, các trường, đoàn thể và doanh nghiệp tư nhân... Xã còn xây dựng thành công 24 chi hội khuyến học dòng họ, tham mưu UBND xã công nhận trên 4.600 gia đình đạt danh hiệu học tập. Đặc biệt vào năm 2024, lần đầu tiên Hội khuyến học xã tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ khuyến học khuyến tài và nhận được hơn 750 triệu đồng ủng hộ từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm”, bà Đặng Thị Láng, Chủ tịch Hội khuyến học xã Nhơn Mỹ thông tin thêm.

nhon-my.jpg
Tinh thần học tập ở Nhơn Mỹ rất cao trong học sinh, sinh viên

Giờ đây, nhắc đến Nhơn Mỹ, người ta nghĩ ngay đến một biểu tượng của sự kiên trì học vấn, một minh chứng sống động cho tinh thần vượt khó, vươn lên của những con người bình dị miền sông nước. Dẫu cuộc sống chủ yếu dựa vào đồng ruộng, giản dị và chân chất, người dân nơi đây lại mang trong mình một truyền thống quý báu: coi trọng việc học. Từ thế hệ ông bà, cha mẹ đến con cháu, việc học luôn được đặt lên hàng đầu, như một chiếc chìa khóa vàng mở ra tương lai.

Trong câu chuyện với thầy Đông, tôi như được đưa về hơn hai thập kỷ trước, khi Nhơn Mỹ còn là một vùng đất nghèo khó. Nhiều gia đình thiếu thốn, thậm chí không đủ ăn. Vậy mà, khi đến mùa đóng học phí, cha mẹ nào cũng quyết tâm bán lúa, vay mượn để con cái được đến trường. Có những gia đình ba đời đều đỗ đạt, góp phần làm rạng danh quê hương.

Một trong những câu chuyện truyền cảm hứng nhất là câu chuyện của gia đình ông Hồ Văn Bổ, ấp Nhơn Hiệp. Ông tâm sự: “Ngày xưa tôi không được đi học, nên tôi luôn mong muốn con cái mình sẽ có một cuộc sống tốt hơn. Tôi đã quyết tâm nuôi 5 người con ăn học, và giờ đây, các con tôi đều đã thành đạt. Nhìn các con trưởng thành, tôi thấy mọi vất vả đều xứng đáng”.

Ông Nguyễn Công Minh, Chi hội trưởng Chi hội khuyến học dòng họ Lương Văn Cù, cho biết thêm: “Việc học được xem là con đường duy nhất để thoát nghèo. Nhờ sự động viên của Chi hội, các thế hệ trẻ trong dòng họ đều được định hướng rõ ràng, không ai bỏ học giữa chừng. Bên cạnh gia đình ông Bổ, còn có nhiều gia đình khác cũng rất hiếu học như gia đình ông Trương Phú Hữu, với ba người con đều tốt nghiệp đại học và có cuộc sống ổn định. Không những vậy, khi họ thành đạt thì cũng ủng hộ nhiệt tình các phong trào, chương trình khuyến học ở địa phương, kịp thời giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác”.

Nguồn quỹ khuyến học đã đến đúng nơi cần đến, giúp các bạn trẻ Nhơn Mỹ tìm thấy và định hướng tương lai tươi sáng. Em Phan Như Quỳnh, ấp Nhơn Hiệp, chia sẻ: “Gia đình em rất khó khăn. Từ nhỏ, em đã mơ ước trở thành giáo viên. Năm nay em quyết tâm thi vào ngành Sư phạm tiếng Anh của Đại học An Giang. Nhờ sự hỗ trợ của Hội khuyến học xã, em đã nhận được suất học bổng “Chắp cánh ước mơ” với số tiền 9 triệu đồng. Khoản tiền này đã giúp em rất nhiều trong việc theo đuổi con đường học vấn”.

nhon-my-1.jpg
Nhơn Mỹ giờ được xem là "Làng hiếu học"

Một điều chắc chắn rằng, bất cứ học sinh nào đạt thành tích cao tại Nhơn Mỹ đều được xã vinh danh và khích lệ để tiếp tục con đường học vấn. Đến nay, truyền thống hiếu học cùng tinh thần học tập không ngừng được duy trì và lan tỏa rộng rãi. Các trường học tại địa phương ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của con em. Không chỉ dừng lại ở các trường trong nước, nhiều bạn trẻ Nhơn Mỹ còn vươn ra học tập tại các quốc gia khác.

Bà Đặng Thị Láng, Chủ tịch Hội khuyến học xã, chia sẻ: “Chúng tôi luôn tự hào về truyền thống hiếu học lâu đời của địa phương. Việc khuyến học, khuyến tài và vinh danh những người thành đạt không chỉ là niềm tự hào của riêng Nhơn Mỹ mà còn trở thành mô hình đáng học hỏi cho nhiều địa phương khác”.

Bỏ lại sau lưng những chuyến đò qua sông Hậu, tôi mang theo trong lòng hình ảnh tươi sáng của Nhơn Mỹ - một vùng đất đã đổi đời nhờ vào giáo dục. Làng hiếu học Nhơn Mỹ đã viết nên một câu chuyện đẹp về sự vươn lên từ khó khăn, minh chứng hùng hồn rằng giáo dục chính là chìa khóa vàng mở ra tương lai.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chủ trì hội nghị với các ngân hàng để thúc đẩy tăng trưởng
1 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị lấy đòn bẩy ngân hàng để phát huy, khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực, xung lực phát triển đất nước.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhơn Mỹ - nơi viết nên câu chuyện lớn từ giáo dục