PSG.TS.BS Lê Hành - Chủ tịch Hội phẫu thuật Thẩm mỹ Việt Nam đã thừa nhận như thế về nhu cầu học bác sĩ thẩm mỹ hiện nay tại Hội nghị khoa học quốc tế thường niên IMAPS 2019 với chủ đề: “Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ vùng mắt-mũi và thẩm mỹ nội khoa” do Hội thầy thuốc trẻ TP.HCM phối hợp với Bệnh viện quận 2 tổ chức hôm 9.11.
Trong thời gian qua, các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM liên tục để xảy ra những tai biến, nhiều trường hợp đã phải tử vong, trong đó có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân lớn nhất chính là năng lực, trình độ của các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Nhiều bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ không có chuyên môn, sử dụng chứng chỉ phẫu thuật thẩm mỹ giả để hành nghề đã gây ra những tai biến, thậm chí chết người như trong những ngày gần đây.
Theo PSG.TS.BS Lê Hành, từ năm 2002 công tác đào tạo phẫu thuật thẩm mỹ đã được thực hiện tại Khoa tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy. Khoa này ngoài nhiệm vụ phẫu thuật thẩm mỹ tại bệnh viện, chữa trị những biến chứng gây ra do các cơ sở thẩm mỹ từ các nơi khác chuyển đến còn là nơi nhận và đào tạo học viên.
Đến năm 2007, Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM được thành lập với chức năng chính là đào tạo. Mỗi năm hội này tổ chức khoảng 2, 3 hội nghị, nhiều đợt huấn luyện, hội thảo cho tất cả các phân ngành của thẩm mỹ. Đến năm 2009, tiếp tục thành lập Bộ môn tạo hành thẩm mỹ, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và sau đó là Trường Đại học Y dược TP.HCM cũng thành lập bộ môn tạo hình thẩm mỹ.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Hành hiện nay nhu cầu về đào tạo về bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đang tăng lên chóng mặt. Trong khi đó, hiện nay cả nước chỉ có 4 cơ sở đào tạo chính quy về phẫu thuật thẩm mỹ nên không thể nào đáp ứng nhu cầu.
Chỉ tính riêng tại Bộ môn tạo hình thẩm mỹ, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ban đầu chỉ có 20 học viên, rồi tăng lên 40 học viên, 60 học viên, 80 học viên... và những năm gần đây con số này đã lên đến trên 160 học viên khiến việc đào tạo ở đây đang trở nên quá tải.
“Đây chính là lý do xuất hiện những lớp học phẫu thuật thẩm mỹ chui, lậu. Nói thật, dân mình rất dễ tin lắm, chỉ cần thấy anh chàng đẹp trai như nam vương, cô nàng đẹp gái như hoa hậu là có thể tin và làm theo cách dạy của những người này mà không biết họ có kiến thức, chuyên môn gì về phẫu thuật thẩm mỹ hay không”, bác sĩ Lê Hành chia sẻ.
PSG.TS.BS Lê Hành cho biết, để đào tạo một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ chính quy tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, các học viên ở đây ngoài học lý thuyết với cuốn giáo trình phẫu thuật thẩm mỹ dày 600 trang về định hướng chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ. Sau đó, các học viên được gửi đến ở các bệnh viên có khoa thẩm mỹ hoặc bộ môn thẩm mỹ để thực hành. Chương trình đào tạo vừa lý thuyết và thực hành đầy đủ. “Đào tạo như thế mới ra được một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ thực thụ”, bác sĩ Lê Hành nói.
Để đáp ứng nhu cầu đào tạo bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ rất lớn như hiện nay, bác sĩ Lê Hành cho biết, trong thời gian tới, Hội phẫu thuật Thẩm mỹ Việt Nam sẽ kết hợp với những hội nhỏ, hoặc thành lập những chi hội như: chi hội về mặt, chi hội về mắt, chi hội thẩm mỹ bụng, chi hội thẩm mỹ ngực, chi hội tiêm filler...
Trong khi đó, TS.BS Phan Minh Hoàng - Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ TP.HCM cho biết Hội thầy thuốc trẻ TP vừa ký kết hợp tác với Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM để được hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật trong vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ. Trước mắt, Hội thầy thuốc trẻ TP.HCM và Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM sẽ hợp tác để đào tào chuyên môn về phẫu thuật và nội khoa thẩm mỹ, thức đẩy các chương trình trao đổi chuyên môn giữa 2 bên.
Đây là cơ hội để các bác sĩ trẻ có nhu cầu đào tạo về phẫu thuật thẩm mỹ được đào tạo một cách chính quy, bài bản, có chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, hạn chế những tai biến xảy ra trong phẫu thuật thẩm mỹ.
Hồ Quang