Trong 143 năm trị vì của vương triều nhà Nguyễn (1802-1945) đã trải qua những giai đoạn thăng trầm cùng năm tháng trong các quá trình của lịch sử.
Những di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ tế Xã Tắc, Lễ tế Nam Giao, Nhã nhạc Cung đình… và những di sản vật thể như: các quần thể lăng tẩm, kinh thành Huế… mà triều Nguyễn để lại cho Huế nói riêng và cả nước nói chung là tài sản rất đồ sộ và kho tư liệu phong phú có nhiều giá trị rất lớn về khoa học, lịch sử, về đời sống tâm linh…
Những nhà nghiên cứu lịch sử đã có nhiều phát hiện độc đáo từ những kho tư liệu này, còn du khách luôn bị cuốn hút bởi vẻ đẹp thơ mộng, trầm lắng và sự cổ kính, trang nghiêm của những di tích đất thần kinh. Vì vậy, việc trùng tu và gìn giữ các di sản mà triều Nguyễn để lại thể hiện được sự trân trọng cội nguồn, tính bền vững trong phát triển văn hóa và kinh tế, xã hội.
Người dân đất thần kinh luôn tự hào với phong cảnh hữu tình và các di sản của đất cố đô. Đó là một niềm kiêu hãnh và một nét văn hóa tinh thần của những người con xứ Huế với sông Hương, núi Ngự, điệu hò.. đã ăn sâu trong máu thịt từ thuở lọt lòng. Dù có tha hương thì tinh thần ấy luôn luôn được gìn giữ và thể hiện nét đặc trưng trong mỗi người con xứ Huế.
Những di sản để lại của triều Nguyễn
Chuỗi giá trị mà vương triều Nguyễn để lại không chỉ ở tầm quốc gia mà còn vươn tầm ra thế giới. Cụ thể vào ngày 11 tháng 12 năm 1993, cả nước hân hoan đón mừng Quần thể di tích Cố đô được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, bao gồm các quần thể di tích trong kinh thành như: Hoàng thành, Ngọ Môn, Đàn Xã Tắc, Phu Văn Lâu… và ngoài kinh thành là những quần thể di tích lăng tẩm: Lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Đàn Nam Giao, Cung An Định…
Hoàng thành (Đại Nội) Huế
Quần thể Lăng vua Tự Đức chụp từ trên cao
UNESCO, Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc được thành lập ngày 16 tháng 11 năm 1945 là một trong những tổ chức chuyên môn lớn của Liên hiệp quốc, hoạt động với mục đích "thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa để đảm bảo sự tôn trọng công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo" (trích Công ước thành lập UNESCO).
UNESCO hiện có 195 quốc gia thành viên và 9 quan sát viên. Trụ sở chính đặt tại Paris, Pháp, với hơn 50 văn phòng và vài viện trực thuộc đặt khắp nơi trên thế giới.
Một số các dự án nổi bật của UNESCO là duy trì danh sách các di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới, di sản tư liệu thế giới, công viên địa chất toàn cầu, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại...
Để được sự công nhận của UNESCO, phải trải qua một quá trình đánh giá khắt khe. Cụ thể, tính toàn vẹn của quy hoạch đô thị và thiết kế xây dựng đã đưa Huế trở thành một mẫu mực hiếm có về quy hoạch đô thị vào cuối thời phong kiến. Đồng thời, quần thể di tích cố đô Huế cũng được xem là một ví dụ nổi bật về một loại công trình xây dựng, một quần thể kiến trúc hoặc kỹ thuật hoặc một cảnh quan minh chứng cho một (hoặc nhiều) giai đoạn trong lịch sử nhân loại (tiêu chí thứ iv) theo Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới.
Vì vậy, tính quần thể trong di sản là một trong những điều kiện tiên quyết để các di sản Huế được UNESCO công nhận. Có thể dễ dàng thấy được vấn đề này qua bố cục quần thể của Hoàng Thành Huế. Bao quanh Hoàng Thành là một hệ thống các quần thể di tích: Phu Văn Lâu, Cửu Vị Thần Công, Đình Phú Xuân, Ngọ Môn, Hồ Tịnh Tâm…
Một ví dụ rõ nét nữa về tính quần thể di tích mà trong thời gian vừa qua báo chí và dư luận đã lên tiếng qua vụ chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ Chuỗi Giá trị (TP.Huế) đã ủi bay lăng mộ là của một bà phi của vua Tự Đức để xây dựng bãi đỗ xe. Đây là khu vực kế cận với trung tâm lăng vua Tự Đức (Khiêm Lăng), tiếp giáp với Đồi Vọng Cảnh, sông Hương . Từ đây, có thể đi đến các lăng Đồng Khánh, Minh Mạng và các di tích khác.
Quần thể khu vực Hoàng thành (Đại Nội) Huế chụp từ trên cao
Bản đồ lăng Tự Đức và các quần thể di tích lân cận
Bên cạnh đó, Huế cũng sở hữu nhiều di sản vật thể khác có giá trị rất lớn mà, dù chưa có những đánh giá một cách nghiêm túc nhưng việc bảo tồn và gìn giữ là một trong những vấn đề cấp thiết cần phải thực hiện.
Một số di tích đình và miếu khai canh làng Thế Lại Thượng, đình làng An Cựu, di tích Thanh Bình Từ Đường… đang bị xuống cấp trầm trọng và không được sự quan tâm của các cấp chính quyền, rơi vào tình trạng bị bỏ hoang.
Cũng cần nhắc lại trong khu vực lân cận của Khiêm Lăng là nơi chôn cất của 103 phi tần của vua Tự Đức cũng đang trong tình trạng tương tự.
Cảnh hoang tàn nơi các lăng mộ của phi tần vua Tự Đức
Mộ bà Học Phi còn dấu tích bị san ủi sát bờ thành
Thừa Thiên - Huế có gần 900 di tích, trong đó có 87 di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia và 60 di tích cấp tỉnh. Thực trạng còn rất nhiều di tích đang trong tình trạng hoang phế. Vì đâu nên nỗi?
(Còn tiếp)
QUANG LONG
Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của một giảng viên đại học, hiện sống tại TP.HCM.