Nhà trên, nhà dưới, nhà bếp đều lợp bằng rơm hoặc rạ tất tật nên rơm rạ của một vụ chả bao giờ đủ cho việc lợp cùng một lúc. Cứ phải luân phiên. Hôm lợp nhà vui lắm.

Chuyện vặt thời đã qua: Chuyện rơm rạ (tiếp)

05/07/2017, 14:55

Nhà trên, nhà dưới, nhà bếp đều lợp bằng rơm hoặc rạ tất tật nên rơm rạ của một vụ chả bao giờ đủ cho việc lợp cùng một lúc. Cứ phải luân phiên. Hôm lợp nhà vui lắm.

Khách du lịch về những vùng quê rất thích ghi lại những kỷ niệm với hình ảnh quen thuộc thời thơ ấu - Ảnh: N.T

>> Chuyện vặt thời đã qua: Chuyện rơm rạ

Phải mất mấy chục năm sau, nông thôn miền Bắc vùng lên làm tiếp cuộc cách mạng nữa sau cuộc cách mạng ngói hóa của những năm 60. Đó là cách mạng mái bằng những năm 1980. Những hình ảnh thân thuộc quen mắt của vùng nông thôn, nhất là mái rơm mái rạ, cứ mất dần; rồi ngay cả mái ngói mới từng được nhà thơ Xuân Diệu nức nở khen ngợi cũng bị mái bằng xô sập. Lúc đầu cũng háo hức lắm. Làng này ganh đua với làng kia về số lượng nhà mái bằng. Không mái bằng thì không phải hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Nhiều căn nhà mái bằng đổ bê tông chắc chắn nhưng bên trong chả có gì. Nhà trên mái bằng, nhà dưới mái bằng, bếp cũng mái bằng. Tôi còn nhớ ông Trác anh họ tôi lúc chưa đủ tiền làm được cái mái bằng nhà trên hoặc nhà dưới thì tạm làm cái mái bằng nhà bếp đã. Có cả cầu thang nho nhỏ để leo lên. Một buổi tối mùa hè, dịp về thăm quê, cơm nước xong xuôi tôi xin phép thày bu đi chơi cho mát. Xuống nhà bác Trác chả thấy người nhớn đâu, hỏi bọn trẻ bố bu chúng mày đi đâu cả rồi, chúng khoe bố bu cháu đang ngồi chơi trên… mái bếp. Hóa ra các vị ấy lên đó hóng mát.

Nhưng có lẽ mái bằng chẳng hợp với nông thôn, cũng chả khác ở nhiều thành phố nước ta có đận chỗ nào cũng mọc lên nhà lắp ghép theo công nghệ Triều Tiên, Trung Quốc. Nhìn rất chướng. Lại nhớ hôm 27.6.2017 vừa rồi, tôi cùng đám bạn cũ đồng môn đi chơi mấy xã vùng duyên hải Kiến Thụy, Đồ Sơn (TP.Hải Phòng). Cô bạn người Hà Nội vừa ngắm cảnh nông thôn đổi mới vừa tấm tắc khen nhà quê giờ hiện đại quá, nhà cửa khang trang đẹp đẽ chả khác gì phố. Lão nhà báo Xuân Ba ngồi sau nghe vậy liền hắng giọng đọc bài thơ của nhà thơ Trần Ngọc Thụ từng công tác ở Đài tiếng nói Việt Nam. Sinh thời, nhà thơ đi nhiều, chả vùng nông thôn nào ở miền Bắc ông không tới. Ông Thụ thở than: “Mái bằng. Mái bằng. Lại mái bằng/Tôi đi như cá lạc trong đăng/Ba mươi năm về thăm quê cũ/Cả làng là một khối xi măng”. Đăng là cái dụng cụ bằng tre, đan quây tròn để bắt cá. Người ở nông thôn cũng không khác gì cá, đến chết ngộp với cái đăng làm bằng đống xi măng vô hồn kia. Bây giờ làm gì còn hàng rào leo dây tơ hồng, dậu mùng tơi, mái tranh rơm rạ ẩn hiện trong khói lam chiều…, muốn qua nhà nhau xin tí lửa như hồi xưa chẳng hạn phải trèo qua bức tường bê tông chằng dây thép gai nhọn hoắt.

Cả một xã như xã Thụy Hương (H.Kiến Thụy, Hải Phòng) quê tôi những năm ấy (thập niên 1960 - 1970) hơn 3.000 nhân khẩu với khoảng 400 hộ nhưng nhà khá giả ít lắm. Nhà nào cũng đông con, phần lớn là nghèo. Nhà cửa phổ biến tường đất, mái rơm rạ. Gọi mái rạ là theo thói quen chứ lợp bằng rơm cũng có, bằng rạ cũng có. Phần rạ của cây lúa tuy to và cứng nhưng lợp nhà dễ bị dột. Rơm mà phơi nỏ, đánh rơm cho thẳng, mái lợp trông mịn lắm, nước mưa chả thể thấm qua. Mà rất bền, giữ màu tươi sáng hơn mái rạ. Hình ảnh những mái nhà vàng óng thấp thoáng trong vườn xanh là vẻ đẹp suốt bao năm của làng quê Việt. Khi tôi lớn, đi xa quê lâu ngày, lúc về đến đầu làng gặp lại những mái rơm rạ thân thương ấy, lòng bỗng trào lên niềm xúc động khó tả.

Giờ lâu rồi, tôi cũng chả nhớ cứ phải bao lâu thì lợp lại mái nhà. Có khi 2 năm, có khi 3 hoặc 4 năm, tùy điều kiện. Nhà trên, nhà dưới, nhà bếp đều lợp bằng rơm hoặc rạ tất tật nên rơm rạ của một vụ chả bao giờ đủ cho việc lợp cùng một lúc. Cứ phải luân phiên. Hôm lợp nhà vui lắm. Thày tôi trước đó đã trông trời trông đất, dự đoán thời tiết, coi ngày định lợp liệu có mưa gió gì không. Cả nhà tôi tinh những người vụng về, chỉ biết rút rơm rút rạ, vận chuyển, còn việc trèo lên mái nhà lợp cho khéo, cho dày đều, cho phẳng phiu thì phải nhờ thợ. Nào có ai xa xôi gì, thợ cũng người nhà hoặc hàng xóm láng giềng, lần thì cậu Thê, lần thì chú Chung, khi thì ông Đính, anh Mởi... Khó nhất là đánh nóc, chỗ ấy hay bị gió tốc lên, dễ bị dột nhất. Các ông thợ đúng là những nghệ sĩ nông dân. Cậu Thê tôi lợp xong còn lấy cái kéo to xén một đường thẳng băng, mép rơm vuông chằn chặn, trông mái nhà chả khác cái đầu húi cua. Thường chỉ một ngày đã xong, căn nhà có mái rơm mới lợp lúc đầu trông cứ lạ lạ quen quen, tối ngủ sực nức mùi rơm thơm, đến bây giờ vẫn còn cảm giác thật dịu dàng, bồi hồi.

Tôi hồi chưa xa nhà còn được nghe chuyện ông Ngư lấy vợ. Thấy bảo lúc chưa lấy chú Ngư, thím ấy được một ông giáo làng săn đón dữ lắm nhưng bà cụ mẹ thím còn phân vân. Giáo làng thuộc diện đẳng cấp sạch sẽ bảnh bao, chỉ phải cái tội thẳng lưng tốn vải, không biết làm lụng việc nhà nông, “rồi có ngày chết đói con ạ”, bà cụ bảo con gái thế. Một lần chú Ngư đến chơi “tìm hiểu” (hồi xưa yêu nhau, để ý nhau gọi là tìm hiểu), trúng lúc nhà nàng bị dột, mái rơm hở toang hoác, nhìn thấy cả mây trôi lững thững trên trời. Bà cụ vừa nhờ vừa thử tài: “Anh dặm lại cho tôi cái mái nhà, dột quá, nhà tinh đàn bà, chả biết nhờ ai”. Thanh niên Ngư nhà ta vốn thạo khoản này, tót lên mái ngay. Hai mẹ con nàng làm nhiệm vụ rút rơm, chuyển lên; chú Ngư cứ thoăn thoắt thoăn thoắt, chả mấy mà xong, tim đập thình thịch. Tháng sau làm đám cưới. Nghe chú Ngư kể, bọn tôi cứ đùa nhờ bà mối rơm. Bây giờ bọn trẻ xài vi tính, laptop, ma phôn nhoay nhoáy nhưng giá bảo lợp được cái nhà như chú Ngư, chắc chúng nó kéo cờ trắng hết. Mỗi thời người ta có những cái tài riêng đắc dụng, chả thời nào giống thời nào.

Nhà nuôi trâu ắt phải có đống rơm. Ban ngày trâu đi kéo cày kéo bừa ngoài đồng, lúc nghỉ thì chúng gặm cỏ, ăn dây khoai lang, lá ngô ở ruộng, nhưng đêm về đói thì chỉ có rơm. Rơm giống như thứ mì ăn liền bây giờ, dành cho trâu. Chúng cứ trệu trạo nhai suốt đêm, đuôi đập muỗi phành phạch. Thế mà đêm nào cũng xơi hết cả ôm rơm to. Chả hiểu chúng tọng cái thứ bột xen lu lô ấy vào bụng thì tẩm bổ được cái gì nhỉ.

Rút rơm đun bếp hoặc đem cho trâu ăn là cả một nghệ thuật. Thày bu tôi dặn phải rút từ dưới lên, rút đều xung quanh, có như thế đống rơm mới tròn, mới không đổ. Đống rơm nào đánh chặt, rút từ dưới nặng không khác chi kéo co, còng lưng dè chân trèo mới rút ra được một nắm. Những đứa lười hay rút từ trên xuống, cho nó nhẹ. Có năm vào mùa đông anh Uy tôi nghịch ngợm rút hẳn sâu vào giữa đống rơm thành một cái hang, rồi ngụy trang phủ rơm bên ngoài, thỉnh thoảng chúng tôi lại chui vào đó nằm ấm lắm. Một lần tôi ngủ quên trong hang cả nửa buổi chiều, tỉnh dậy thì đã nhọ mặt người, gà đã lên chuồng, thày bu và anh chị tôi sang nhà hàng xóm nhờ giã gạo, nhà vắng tanh vắng ngắt. Năm qua năm, thời gian trôi đi, những đống rơm cứ cao rồi thấp xuống, còn đám con cái lớn dần lên, đứa đi lấy chồng, đứa vào bộ đội, đứa đi học xa… bỏ lại thày bu ở lại với căn nhà tường đất mái rơm và đống rơm nhỏ xíu. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết, 5 người bị thương tại Đồng Nai.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện vặt thời đã qua: Chuyện rơm rạ (tiếp)