Quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel được Israel ca ngợi nhưng vấp phải sự phản đối lớn từ Palestine và các nước Ả Rập. Vì sao Jerusalem lại quan trọng như vậy? Và vì sao Tổng thống Mỹ Donald Trump lại bất chấp những rủi ro có thể phát sinh để đưa ra quyết định gây tranh cãi nói trên?

Những điều cần biết quanh việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel

08/12/2017, 07:07

Quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel được Israel ca ngợi nhưng vấp phải sự phản đối lớn từ Palestine và các nước Ả Rập. Vì sao Jerusalem lại quan trọng như vậy? Và vì sao Tổng thống Mỹ Donald Trump lại bất chấp những rủi ro có thể phát sinh để đưa ra quyết định gây tranh cãi nói trên?

Quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel được Israel ca ngợi nhưng vấp phải sự phản đối lớn từ Palestine và các nước Ả rập - Ảnh: Reuters.

Ngày 6.12 (theo giờ Mỹ, tức 7.12 - theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tuyên bố công nhận thánh địa Jerusalem là thủ đô của Israel. Quyết định của ông Trump ngay lập tức được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên tiếng ca ngợi là “cột mốc lịch sử”. Mặc dù vậy, động thái này lại bị Tổng thống Palestine gọi là “nụ hôn tử thần” với tiến trình hòa bình Trung Đông và bị cả thế giới Arab chỉ trích.

Những yếu tố lịch sử ở Jerusalem

Sau chiến tranh Thế giới thứ hai, xung đột giữa cộng đồng người Arab và Do Thái ở Palestine do Anh cai trị ngày càng gia tăng. Năm 1947, Liên Hợp Quốc đã thông qua phân chia lãnh thổ ủy trị Palestine thành hai quốc gia riêng biệt là Israel của người Do Thái và Palestine của người Arab; đồng thời trao chế độ quốc tế đặc biệt cho thành phố Jerusalem.

Israel theo kế hoạch này thành lập Nhà nước của mình vào tháng 5.1948. Trong khi đó, phe Arab trên toàn khu vực phản đối kế hoạch, tiến hành cuộc chiến tranh với Israel năm 1948 - 1949. Kết quả, Israel giành phần thắng, kiểm soát Tây Jerusalem và nhiều phần đất vốn thuộc về Palestine theo phân chia của Liên Hợp Quốc.

Sau cuộc chiến, Israel kiểm soát 78% diện tích đất thay vì 55% như phân bổ ban đầu. 22% còn lại, gồm Dải Gaza và khu Bờ Tây (bao gồm Đông Jerusalem) lúc này do Ai Cập và Jordan kiểm soát.

Năm 1967, sau cuộc Chiến tranh Sáu ngày giữa các nước Arab và Israel, Israel giành quyền kiểm soát 22% diện tích còn lại gồm Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza. Kể từ đó, Israel tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của nước này, trong khi người Palestine cũng tuyên bố khu vực phía đông thành phố, bị Israel chiếm đóng từ năm 1967 là thủ đô nhà nước tương lai của họ. Cả Israel và Palestine đều khẳng định đây là những nguyên tắc không thể mang ra đàm phán.

Cho đến nay, hầu hết các nước, bao gồm cả Vương quốc Anh không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và vẫn đặt sứ quán của họ ở Tel Aviv.

Tại sao Jerusalem lại quan trọng với cả hai bên?

Chủ yếu là vì lịch sử tôn giáo của thành phố này. Theo Kinh Thánh Hebrew, đây là nơi vua David xây dựng thủ đô của Vương quốc Israel thống nhất và vua Solomon xây Đền Thờ Đầu tiên. Núi Đền (Temple Mount) tại khu vực Thành phố Cổ (Old City) ở Jerusalem là địa điểm linh thiêng nhất đối với Do Thái giáo.

Khu vực Thành phố Cổ (Old City) ở Jerusalem có ý nghĩa linh thiêng đối với nhiều tôn giáo - Ảnh: Daily Mail.

Địa điểm này cũng là nơi thờ tự linh thiêng thứ ba trong đạo Hồi vốn được người Hồi giáo biết đến với tên gọi Haram al-Sharif (Khu bảo tồn Cao quý) - nơi nhà tiên tri Muhammad lên thiên đàng. Quần thể Haram al-Sharif bao gồm đền thờ Al-Aqsa và Dome of the Rock (Mái Vòm đá).

Còn theo Kitô giáo, tại Jerusalem, Chúa Jesus đã bị đóng đinh trên thập tự giá.

Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng hơn cả là thành phố này có ý nghĩa “sống còn” đối với tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.

Ông Trump đã làm gì và tại sao sự can thiệp của ông lại nguy hiểm?

Cho đến giờ, các nhà bình luận quốc tế đều khẳng định rằng Jerusalem đã, đang và sẽ là một phần của thỏa thuận tổng thể tìm kiếm hòa bình cho Trung Đông. Việc Mỹ công nhận thành phố này là thủ đô của Israel khiến không ít người lo ngại rằng nó sẽ làm suy yếu cơ hội đàm phán hòa bình. Hơn thế nữa, nó cũng có thể làm tổn thương vị thế của Mỹ như là một “nhà trung gian hòa giải công tâm”.

Cần phải nhớ là khu vực này vốn được mô tả như thùng thuốc súng, có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào nếu chỉ cần một mồi lửa nhỏ. Năm 2000, khi chính trị gia cánh hữu Ariel Sharon thăm Núi Đền, nơi có thánh đường Al Aqsa và Vòm đá Linh thiêng của người Hồi giáo, những cuộc đụng độ đẫm máu nổ ra, kéo theo phong trào nổi dậy của người Palestine khiến khoảng 3.000 người Palestine và 1.000 người Israel thiệt mạng trong 5 năm.

Làm thế nào để giải quyết tình hình Jerusalem?

Jerusalem được mô tả là phần khó nhất trong cuộc xung đột khó giải quyết nhất trên thế giới hiện nay. Một trong những kế hoạch chính của tiến trình hòa bình đó là giải pháp hai nhà nước, trong đó, Jerusalem sẽ đồng thời là thủ đô của cả hai quốc gia: Đông Jerusalem cho Palestine và Tây Jerusalem cho Israel.

Khoảng 1.3 số dân đang sinh sống ở Jerusalem là người Palestine. Cuộc sống hàng ngày của những người này không hề thoải mái khi mọi sinh hoạt của họ đều bị đặt dưới sự kiểm soát của lực lượng vũ trang Israel.

Ở Jerusalem, người Do Thái và Palestine có thể di chuyển tự do, mặc dù hàng rào chắn do Israel xây hơn một thập kỷ trước đang phân cách một số khu vực định cư của người Hồi giáo, khiến cho hàng chục nghìn người Palestine phải đi qua các trạm kiểm soát đông đúc để tới được trung tâm thành phố.

Từ năm 1967 đến nay, Israel đã xây dựng hàng chục khu định cư ở Đông Jerusalem, là nơi cư trú của khoảng 200.000 người Do Thái. Đây được coi là hành động vi phạm luật pháp quốc tế dù Israel đã bác bỏ điều này.

Jerusalem được điều hành dưới quyền của một thị trưởng và hội đồng thành phố với các thành viên được bầu có nhiệm kỳ 4 năm. Người Arab Palestine ở Đông Jerusalem có quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử của Israel nhưng đa số họ từ chối làm điều này.

Ông Trump biện minh thế nào cho việc dời ĐSQ Mỹ?

Việc Tổng thống Trump tuyên bố di chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv đến Jerusalem là một hành động mang tính biểu tượng cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với Israel, đồng thời chẳng khác nào chống lại người Palestine.

Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật lập pháp, ông Trump có một khuôn khổ pháp lý để làm điều này. Theo một đạo luật do Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1995, Tổng thống phải công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và bắt đầu di chuyển sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới đây, hoặc cứ 6 tháng một lần phải tuyên bố việc di chuyển này sẽ mâu thuẫn với các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Hồi tháng 6 năm nay, ông Trump đã thực hiện quyền miễn trừ này 1 lần, trước khi quyết định tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel hôm 6.12.

Tại sao lại là lúc này?

Động thái của Tổng thống Trump dường như không phải là một tính toán ngoại giao mà là hành động cụ thể hóa lời hứa trong chiến dịch tranh cử, đặc biệt trong bối cảnh mức độ tín nhiệm đối với ông đang ở mức thấp,

Năm 2016, trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng, ông Trump đã kêu gọi những tín đồ Kitô giáo và những người Do Thái bỏ phiếu cho ông với lời cam kết dời Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem nếu thắng cử. Với cam kết này, ông Trump đã thuyết phục được cả ông trùm casino Sheldon Adelson quyên góp 25 triệu USD cho chiến dịch tranh cử.

Nếu như hồi tháng 6.2017, Adelson đã rất tức giận khi Tổng thống Trump không làm được như lời hứa thì lần này, dường như ông Trump đã làm tốt cam kết của mình.

Tại sao thế giới Ả Rập lại thất vọng với quyết định của Mỹ?

Các cuộc thăm dò ý kiến dư luận cho thấy, có ít nhất 90% người Arab coi Israel là kẻ thù chính của họ. Chính vì thế, khó có chính thể Arab nào lại mạo hiểm đánh đổi sự ổn định về chính trị trong nước lấy việc sát cánh với Mỹ trong vấn đề Jerusalem.

Với quyết định của mình, ông Trump không chỉ hủy hoại tiến trình hòa bình giữa Israel với Palestine mà còn giữa Israel với người Hồi giáo dòng Sunni ở Ả Rập Saudi.

Ông Trump muốn Ả Rập Saudi tiếp tục sứ mệnh ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng gia tăng của người Hồi giáo dòng Shiite ở Iran và các đồng minh của họ ở Iraq, Syria và Lebanon. Tuy nhiên, quyết định của ông Trump rõ ràng sẽ làm tổn thương không nhỏ cho Ả Rập Saudi – quốc gia vốn không ưa gì Israel.

Các quốc gia khác có công nhận Jerusalem là thủ đô Israel?

Cả thế giới, bao gồm cả Trung Quốc gần như thống nhất quan điểm không công nhận tuyên bố của Israel cho rằng Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của nước này.

Vị thế của Nga trong tình huống này cũng còn khá mơ hồ, dường như Moscow vẫn để ngỏ khả năng công nhận thành phố Jerusalem là thủ đô của Israel trong trường hợp Palestine và Israel đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Chỉ có một ngoại lệ duy nhất là Vanuatu, quốc đảo ở Thái Bình Dương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Cố Tổng thống Vanuatu Baldwin Lonsdale được mô tả là người có mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền Do Thái Israel.

Hùng Cường/VOV

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Nếu để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước và nhân dân'
2 giờ trước Sự kiện
Sáng 20.1 tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức gặp mặt các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang 95 năm xây dựng, trưởng thành của Đảng (3.2.1930 - 3.2.2025); tri ân, tôn vinh đảng viên có nhiều công lao đóng góp cho Đảng, cho đất nước; thông tin về tình hình đất nước và chúc tết nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những điều cần biết quanh việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel