Nhân sắp triển khai Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ vào ngày 4.7 tới, mới đây Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã nêu ra một số điểm đáng chú ý về sản phẩm phái sinh mới này đến các nhà đầu tư.

Những điều cần chú ý về Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ phiên bản Việt

27/06/2019, 10:56

Nhân sắp triển khai Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ vào ngày 4.7 tới, mới đây Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã nêu ra một số điểm đáng chú ý về sản phẩm phái sinh mới này đến các nhà đầu tư.

Ảnh minh họa từ Internet

Sau gần 2 năm khai trương thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam (10.8.2017) với sản phẩm đầu tiên là Hợp đồng tương lai Chỉ số cổ phiếu, vào ngày 4.7 tới, nhà đầu tư sẽ được đón nhận thêm một sản phẩm phái sinh mới là Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ.

Việc ra mắt sản phẩm này là kết quả mà cơ quan quản lý thị trường đã thống nhất quyết định sau khi nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về thị trường trái phiếu cơ sở kết hợp với kinh nghiệm quốc tế tại các thị trường chứng khoán phái sinh phát triển trên thế giới.

Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ (một số nước gọi là sản phẩm Hợp đồng tương lai trên lãi suất) là thỏa thuận mua hoặc bán tài sản cơ sở là Trái phiếu chính phủ tại một mức giá xác định trước tại thời điểm cụ thể trong tương lai. Hai bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng đó tại thời điểm đáo hạn.

Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ đầu tiên trên thế giới ra mắt tại Mỹ vào ngày 29.10.1975 và kể từ thời điểm đó nó trở thành sản phẩm phòng ngừa rủi ro quan trọng trên thị trường tài chính thế giới.

Tại Việt Nam, theo Nghị định 42/2015/NĐ-CP ngày 5.5.2015 về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh thì Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ được định nghĩa là hợp đồng tương lai dựa trên tài sản cơ sở là Trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu giả định có một số đặc trưng cơ bản của Trái phiếu chính phủ.

Một trong những cấu phần quan trọng nhất khi thiết kế Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ 5 năm là việc lựa chọn tài sản cơ sở để tạo ra sự kết nối giữa thị trường cơ sở và thị trường phái sinh, giúp nhà đầu tư định giá hợp đồng tương lai. Tài sản cơ sở đó có thể là một mã Trái phiếu chính phủ thực cụ thể đang lưu hành trên thị trường cơ sở hoặc cũng có thể là một Trái phiếu chính phủ giả định có đầy đủ các đặc điểm cơ bản (loại trái phiếu, lãi suất danh nghĩa, kỳ hạn…).

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tất cả các thị trường trên thế giới có giao dịch Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ như Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan… đều sử dụng trái phiếu giả định là tài sản cơ sở.

Trái phiếu giả định này sẽ tương đối đại diện cho xu hướng thị trường tại thời điểm sản phẩm được đưa ra giao dịch. Việc thanh toán được thực hiện bằng cách chuyển đổi các trái phiếu giả định sang các trái phiếu thực thông qua hệ số chuyển đổi tính cho ngày thanh toán cuối cùng (đối với trường hợp thanh toán theo phương thức chuyển giao vật chất) hoặc dựa trên giá bình quân của các trái phiếu trong rổ trái phiếu thanh toán (đối với trường hợp thanh toán theo phương thức thanh toán bằng tiền).

Việc lựa chọn sử dụng trái phiếu giả định là phù hợp vì: giao dịch Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ là hoạt động phòng ngừa rủi ro, trên thực tế rất khó để tìm được trái phiếu thực có thể phòng ngừa rủi ro chính xác cho từng giao dịch nên việc lựa chọn 1 trái phiếu đang lưu hành là không cần thiết; việc sử dụng trái phiếu giả định đi kèm với một rổ trái phiếu thanh toán là nhằm hạn chế khả năng xảy ra tình trạng short squeeze (tạm dịch là bán non") đối với 1 trái phiếu cụ thể.

Sau khi nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về thị trường trái phiếu cơ sở kết hợp với kinh nghiệm quốc tế tại các thị trường chứng khoán phái sinh phát triển trên thế giới, dựa trên ý kiến tham vấn của các thành viên thị trường, cơ quan quản lý thị trường đã đi đến thống nhất quyết định xây dựng sản phẩm Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ 5 năm.

Sản phẩm Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ 5 năm có tài sản cơ sở trái phiếu chính phủ có kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 100.000 đồng, lãi suất danh nghĩa 5% năm, trả lãi định kỳ 12 tháng/lần, trả gốc một lần khi đáo hạn. Việc lựa chọn tài sản cơ sở cho Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ 5 năm là Trái phiếu Kho bạc Nhà nước có kỳ hạn 5 năm do trái phiếu này có tỷ lệ trúng thầu cao nhất, tính thanh khoản cao hơn so với các loại trái phiếu khác và phù hợp định hướng của Nghị quyết số 78/2014/NQ-QH ngày 11.10.2014 về phát hành Trái phiếu chính phủ có kỳ hạn 5 năm trở lên kể từ năm 2015.

Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, việc lựa chọn tài sản cơ sở cho Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ 5 năm là Trái phiếu Kho bạc Nhà nước có kỳ hạn 5 năm phù hợp với nhu cầu và định hướng phát hành. Theo đó, trái phiếu Kho bạc Nhà nước có khối lượng niêm yết lớn, tính thanh khoản cao hơn so với các loại trái phiếu khác. Trái phiếu Kho bạc Nhà nước được sử dụng làm tài sản cơ sơ là trái phiếu giả định có kỳ hạn 5 năm. Trái phiếu giả định là trái phiếu không có thật tuy nhiên có những đặc điểm tương tự như trái phiếu thật về lãi suất danh nghĩa, kỳ hạn, mệnh giá, trả lãi định kỳ…

Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong thời gian đầu triển khai sản phẩm Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ, đối tượng tham gia giao dịch sản phẩm này chỉ giới hạn trong phạm vi các nhà đầu tư tổ chức.

Những năm qua, thị trường Trái phiếu Chính phủ tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và độ sâu thị trường. Tốc độ tăng trưởng về quy mô bình quân đạt 15%/năm (trong vòng 5 năm trở lại đây), tương đương khoảng 20% GDP; thanh khoản thị trường bình quân phiên đạt mức 8,72 nghìn tỷ đồng trong năm 2018. Tỷ trọng giao dịch repo tăng mạnh, chiếm 53,6% giá trị giao dịch toàn thị trường. Do đó, việc triển khai sản phẩm Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm được kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu phòng vệ rủi ro của nhà đầu tư cũng như sự phát triển thị trường Trái phiếu chính phủ.

Để hoàn thiện những bước chuẩn bị cần thiết nhằm đưa sản phẩm Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ vào giao dịch trong thời gian sớm nhất, HNX đã phối hợp với Trung tâm Lưu ký chứng khoán và các công ty chứng khoán tập trung nghiên cứu, thiết lập hệ thống giám sát và sắp xếp nguồn nhân sự nhiều kinh nghiệm sẵn sàng phục vụ công tác giám sát giao dịch.

Hoạt động giám sát được tổ chức liên tục hàng ngày, theo sát diễn biến của thị trường và nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu giao dịch bất thường để báo cáo Ủy ban chứng khoán nhà nước xem xét, tiếp tục xử lý theo quy định tại Thông tư 115/2017/TT-BTC ngày 25.10.2017. Hoạt động trao đổi thông tin 2 chiều giữa HNX Hà Nội và Ủy ban chứng khoán nhà nước cũng được đẩy mạnh, diễn ra thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả giám sát và đảm bảo sự minh bạch, công bằng trên thị trường.

HNX cũng đã đã đăng tải các tài liệu giới thiệu về sản phẩm và hướng dẫn giao dịch Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ trên website chính thức (www.hnx.vn) để công chúng đầu tư có thể tìm hiểu, tiếp cận sâu hơn về sản phẩm mới này.

A.T.T

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
34 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những điều cần chú ý về Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ phiên bản Việt