Hãng AP chỉ ra trong tranh luận tổng thống Mỹ thường xuất hiện những khoảnh khắc đáng chú ý có thể khiến ứng viên tranh cử trông đặc biệt hay lạc lõng đến mức vô vọng, quyết định thành bại của họ ở cuộc bỏ phiếu.
Theo giáo sư báo chí Alan Schroeder (Đại học Northeastern): “Tranh luận là sự kiện được truyền hình trực tiếp, không kịch bản, không cách nào để biết trước diễn biến nên bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra”.
Đối đáp câu hỏi về tuổi tác
Sau khi thể hiện kém ở lần tranh luận đầu tiên, Tổng thống Ronald Reagan đã giành được thắng lợi ở lần tranh luận thứ hai năm 1984.
Thời điểm đó ông 73 tuổi, cạnh tranh với đối thủ Walter Mondale 56 tuổi. Ở lần tranh luận đầu Tổng thống Reagan không nhớ hết dữ kiện nên đôi lúc khá bối rối. Một trong số cố vấn hàng đầu là thượng nghị sĩ Paul Laxalt nhận xét đội ngũ trợ lý đã chuẩn bị quá nhiều dữ kiện và số liệu.
Rút kinh nghiệm, họ dùng cách tiếp cận dễ dàng hơn khi “tái đấu”. Tổng thống Reagan khi nhận được câu hỏi về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bản thân đã đưa ra câu trả lời ngoài dự đoán: “Tôi không xem tuổi tác là vấn đề. Tôi sẽ không lợi dụng tuổi trẻ lẫn sự thiếu kinh nghiệm của đối thủ vì mục đích chính trị”.
Ông dừng lại một chút rồi nói tiếp: “Seneca hay Cicero (hai nhà triết học La Mã cổ đại) từng nói nếu không có người lớn tuổi sửa chữa sai lầm của người trẻ tuổi thì sẽ chẳng có nhà nước”.
Qua câu trả lời, Tổng thống Reagan chứng minh rằng ứng viên dù lớn tuổi vẫn có thể tiến bộ hơn theo thời gian.
Nói hớ
Năm 1976 trong cuộc tranh luận với đối thủ Jimmy Carter, Tổng thống Gerald Ford phát biểu rằng: “Sẽ không có chuyện Liên Xô thống trị Đông Âu chừng nào còn chính quyền Ford”.
Lời phát biểu khiến người chủ trì Max Frankel phải hỏi lại, vì thời điểm đó Đông Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô. Tổng thống Ford giữ nguyên câu trả lời, chiến dịch tranh cử của ông sau đó phải cố gắng giải thích nó với công chúng. Năm đó ông thất cử.
Theo nhà bình luận chính trị Aaron Kall (Đại học Michigan): “Càng gần ngày bầu cử càng xuất hiện nhiều phát ngôn gây tranh cãi. Chúng không chỉ ảnh hưởng đến thắng thua mà còn ảnh hưởng cả nỗ lực gây quỹ lẫn chu kỳ truyền thông”.
Không phải lời nói hớ nào cũng có tác động xấu. Ứng viên Barack Obama trong một cuộc tranh luận năm 2008 đã thẳng thừng nói với đối thủ Hillary Clinton rằng: “Bà đủ đáng mến rồi”. Phát ngôn ngạo mạn nhận phải phản ứng dữ dội nhưng ông vẫn đắc cử.
Nói vấn đề cá nhân
Năm 1988, người dẫn chương trình đài CNN Bernard Shaw đề cập đến vợ của ứng viên Michael Dukakis khi hỏi: “Nếu Kitty Dukakis bị hãm hiếp và sát hại, ông có ủng hộ án tử hình không thể hủy bỏ cho kẻ giết người không?”.
Dukakis tỏ chút phản ứng rồi đáp: “Tôi không thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy tử hình là biện pháp răn đe hữu hiệu”. Sau đó ông tuyên bố vợ cùng gia đình là thứ quý giá nhất với mình.
Cuộc tranh luận phó tổng thống năm đó cũng gây ấn tượng. Khi ứng viên Dan Quayle so sánh bản thân với Tổng thống John F.Kennedy, đối thủ Lloyd Bentsen đáp trả mạnh mẽ: “Tôi từng làm việc với Kennedy. Tôi biết ông ấy. Ông ấy là bạn của tôi, ông không phải Kennedy đâu”. Phát biểu khiến khán giả cười lớn và vỗ tay.
Hành động nhỏ làm mất điểm
Năm 1992, Tổng thống George H.W.Bush bị máy quay ghi lại cảnh nhìn đồng hồ trong lúc ứng viên Bill Clinton trò chuyện với một khán giả. Khoảnh khắc này tạo nên ấn tượng Bush buồn chán và xa cách.
Lúc tranh luận với ứng viên George W.Bush năm 2000, Phó tổng thống Al Gore liên tục thở dài. Ở lần đối đầu thứ hai ông tiến lại gần khiến đối thủ phải nhìn sang.
Khoảnh khắc tương tự xảy ra vào năm 2016, khi Hillary Clinton đối mặt với khán giả để trả lời câu hỏi thì ứng viên Donald Trump tiến lại từ phía sau, trừng mắt nhìn bà.