Tết phương Nam, mùa về nhẹ nhàng và thơ thới. Thơ thới như những buổi chợ quê ngày cuối tháng chạp trong ký ức của một người Sài Gòn “không còn trẻ”.

Những phiên chợ Tết xưa trong nỗi nhớ một người Sài Gòn

Ngo Thu Van | 22/01/2017, 10:05

Tết phương Nam, mùa về nhẹ nhàng và thơ thới. Thơ thới như những buổi chợ quê ngày cuối tháng chạp trong ký ức của một người Sài Gòn “không còn trẻ”.

Không biết tự bao giờ, với tôi, Sài Gòn giống như một con tàu không tải, hành thiện, ở đó cho dù là người Sài Gòn hay người tứ xứ đổ về Sài Gòn, ai cũng có chỗ cho riêng mình. Vì thế, Sài Gòn quanh năm ì ạch mặc dù gương mặt lúc nào cũng rạng rỡ, phởn phơ.

Buổi sáng, thành phố vẫn còn ngáy ngủ, yên ả, ngoan ngoãn, thanh sạch và lương thiện. Không gian bên ngoài khung cửa mang đến cho tôi một cảm giác rất khác biệt. Sự khác biệt bắt đầu từ gió, gió chướng dịu dàng rời rợi hanh khô. Cùng với gió là cảm nhận về một Sài Gòn phút chốc nhẹ tênh.

Chuyến tàu hành thiện ấy sau một năm sấp ngữa đã trả hết những người con tha hương xa xứ về với quê nhà khi một mùa tết nữa lại về.

Mùa về an nhiên, tự tại mặc cho bao nhiêu thế sự đang diễn ra bề bộn ngoài kia, mặc cho bao nhiêu nỗi lo âu sóng sánh trong đáy mắt, oằn nặng trên đôi vai của mỗi phận người…

Mùa về thanh xuân và thơ trẻ, mặc cho ai đó tóc ngả màu buồn, mắt môi phai nhạt ngồi tiếc mãi sợi khói bếp chiều bảng lảng phía hoàng hôn.

Chợ hoa Nguyễn Huệ xưa gắn liền với Tết của người Sài Gòn

Tôi loanh quanh qua nhiều góc phố, Sài Gòn nhẹ tênh và lòng tôi cũng nhẹ tênh. Dưới những tán cây dọc dài theo đại lộ là những vòm hoa trang trí. Sắc vàng của mai, của cúc, của hướng dương chỉ cần buổi đêm nhấp nháy ánh đèn nữa thôi là đất vào xuân lộng lẫy. Vậy đó, tết phương Nam, mùa về nhẹ nhàng và thơ thới.

Thơ thới như những buổi chợ quê ngày cuối tháng chạp trong ký ức của một người “không còn trẻ”. Ngôi chợ ngó mặt ra dòng sông quanh năm đỏ đục phù sa và dựa lưng vào con lộ đất lầy lội đêm mưa, gồ ghề ngày nắng.

Ngôi chợ nhỏ như lòng bàn tay với những gian hàng chồng chéo nhau tựa những đường chỉ tay ngoằn ngoèo nhưng với tôi đấy chính là một thế giới bao la, đầy màu sắc, huyền hoặc và bí ẩn.

Phố chợ là hai dãy với mươi căn nhà nhà lá lụp xụp. Duy nhất chỉ có tiệm chạp phô của ông Tài Phú là lợp mái ngói âm dương. Ông Tài Phú là người Hoa kiều nói tiếng Việt còn ngọng líu, ông rất thương trẻ con, thường hay dúi vào tay trẻ nhỏ mấy cái kẹo mút “xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng”.

Trong lúc, bà cùng các các dì tranh thủ đi mua hàng hóa thì tôi được dịp tha thẩn ngắm nhìn. Lạ thay, với tôi chợ tết không phải là dãy bán hoa kiểng, không phải là gian hàng bánh mứt, tranh lịch hay liễn pháo, cũng không phải sạp quần áo, giày dép mà là chỗ góc chợ bày hàng của cha con chú sơn đông mãi võ, chỗ xe bán kẹo bông đường và cái bàn tò he xanh vàng tím đỏ.

Tôi có thể đứng hàng giờ, ngắm nhìn say sưa chết bỏ chú bán kẹo, lưng áo đẫm mồ hôi, luôn chân đạp vào chiếc bàn đạp bên dưới (hồi đó chưa có máy như bây giờ) cho ra những cây kẹo bông đường thật đẹp và hấp dẫn, chỉ cần bỏ vào miệng là lập tức vị ngọt thanh tan ngay đầu lưỡi, chép một cái, trời ơi, thấu tận tâm can.

Gian hàng tò he của cậu bé kế bên cũng làm tôi mê mẫn không kém (cậu bé khi ấy ước chừng nhỉnh hơn tôi đôi ba tuổi và cao hơn tôi một cái đầu). Qua bàn tay thoăn thoắt ma mị của cậu, những cục bột đủ màu sắc kia chỉ tích tắt đã biến thành những hình thù ngộ nghĩnh với đủ các thể loại nhân vật và đồ vật theo yêu cầu của khách từ đơn giản nhất như nhành hoa hồng đến chi tiết phức tạp rắc rối như thầy trò Đường Tăng… cậu chưa bao giờ lắc đầu với bất kỳ lời đặt hàng nào.

Cho đến lúc mặt trời lên, tôi mới theo bà xuống bến sông. Bến sông chen chúc xuồng ghe nhưng trên xuồng phần đông là con nít được cho đi chơi chợ tết chứ hàng hóa không có bao nhiêu. Chợ tết đi chủ yếu là để trẻ con được vui chơi, người lớn gặp nhau giao lưu hoặc sắm sửa thêm chút đỉnh mấy đồ hàng trang trí chứ lương thực thực phẩm, hàng gia dụng, vải vóc, quần áo, hoa kiểng hầu như đã chuẩn bị từ mươi hôm trước rồi.

Trên đường về, tiếng mái dầm khua nước, tiếng cười nói, tiếng kể chuyện rộn ràng cả một khúc sông. Mặt trời lên cao, phả ánh nắng loang loáng trên mặt nước đầy. Không thấy ai hối hả, gấp gáp. Mọi người xởi lởi, hồn hậu và khoan thai…

Thêm mấy lần chợ tết nữa thì ông Tài Phú qua đời, chú kẹo bông đường tóc lơ phơ điểm bạc, cậu tò he đã trở thành anh thanh niên, tay nặn tò he, miệng cười, mắt liếc, đưa tình với mấy cô thôn nữ. Năm đó tôi mười bốn tuổi, chỉ dám đứng xa xa nhìn anh nặn tò he, thầm ước được anh liếc mắt cười với mình một lần. Tết năm sau nữa, nghe nói anh tò he đã vô bưng theo giải phóng quân, tôi như người vừa đánh rớt giấc mơ, hồn phách chơi vơi…

Đất nước thống nhất, tôi rời quê lên thành phố, bước qua cánh cổng sau của Sài Gòn – chốn dung thân cho những phận đời cơ cực mưu sinh.

Thời bao cấp, mặc dù không đến nỗi tem phiếu khắc nghiệt như ở miền Bắc nhưng chợ tết Sài Gòn cũng chủ yếu tập trung vào các cửa hàng thương nghiệp. Ở đó, các mặt hàng thiết yếu ngày tết được phân phối theo tiêu chuẩn và định mức cho người dân.

Sự “bình đẳng” ấy như một phần an ủi khiến người ta bớt đi thói tị nạnh, ghen ghét nhau. Tình làng nghĩa xóm hiện hữu trong tiếng í ới gọi nhau đi xếp hàng khi trời còn mờ hơi sương sớm. Quanh năm cơm độn bo bo, khô dưa, mắm muối, chỉ ba ngày tết mới rủng rỉnh “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.

Vì thế, ai cũng thấy phấn khởi, hồ hởi, thấy cõi lòng bỗng chốc nhẹ thênh thênh, nghe thương yêu độ lượng tràn trề, bất kể đang xếp hàng cùng thể loại với mấy cục gạch vô tri giác, bất kể đôi mắt hình viên đạn cùng gương mặt hình cây thông và giọng nói đầy hình… sự của mấy cô mậu dịch viên.

Gần mươi cái tết như vậy qua đi, so với một đời người không đáng là bao nhưng cũng đủ cho những đứa trẻ đắm mình trong niềm sung sướng mỗi năm được mấy ngày ăn đã miệng, được xúng xính quần áo mới, được cầm trên tay phong bao lì xì mỏng dính, được nhặt pháo xịt hả hê, cũng đủ cho người lớn bây giờ hồi tưởng lại vẫn thấy bồi hồi nhớ về một thời nghèo khó nhưng thanh bình và ấm áp.

Bây giờ, thời đại của ấm no, ăn ngon, mặc đẹp, quanh năm thịt cá chán chê, cao lương mỹ vị thuộc hàng sâm nhung, dãi yến khiến việc ăn uống giữa ngày thường và ngày tết không còn sự cách biệt rõ rệt. Chợ bây giờ hầu như ngày nào cũng ngựa xe mắc cưỡi, hàng hóa ê hề không kể hệ thống siêu thị phát triển dày đặc về tận cả các tỉnh xa xôi với cung cách bán mua hiện đại.

Nhưng chợ Tết vẫn không hề mất đi ý nghĩa. Chợ Tết vẫn cứ khiến con người ta nôn nao, chờ đợi, vun vén thời gian cho nó.

Với người Sài Gòn, kể từ khi chợ hoa Nguyễn Huệ mang một diện mạo mới, một cái tên khác – đường hoa – thì hình như đi chợ Tết còn bao gồm cả việc đi tham quan đường hoa Nguyễn Huệ.

Đã hơn mười năm trôi qua, mặc dù đường hoa mỗi năm mỗi mang một chủ đề khác nhưng bao giờ tôi cũng tìm thấy ở đó bàng bạc một chút Sài Gòn xưa lẫn trong hồn thiêng sông núi.

Giữa không gian tràn ngập sắc màu, tôi hay chọn cho mình một góc nhỏ trên con đường hoa, lặng lẽ ngồi ngắm lũ trẻ tung tăng, tua lại một góc ký ức thời thơ ấu. Ở đó, hiện ra âm thanh tiếng cười nói, tiếng rao hàng, tiếng mặc cả… hiện ra hình ảnh ông kẹo bông đường với mái tóc lơ phơ bạc, cả nụ cười rạng rỡ của anh tò he cùng đôi mắt liếc đưa tình chưa bao giờ dành cho tôi.

Tản mạn về những phiên chợ Tết đi qua cuộc đời với một chút bồi hồi trước thềm năm mới khi ngoài kia những chiếc thuyền hoa lộng lẫy sắc màu bắt đầu lục đục đổ về các bến sông.

Hoa Hóc Môn (TP.HCM) bày ra. Hoa miệt Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre) đổ lên. Hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) đổ xuống. Thậm chí hoa từ Hà Nội bay vào. Tất cả tạo nên một không gian hoa thấm đẫm hương vị Tết, thấm đẫm niềm tin của người dân thành phố về một Sài Gòn hòn ngọc viễn đông.

Lương Gia Cát Tường
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những phiên chợ Tết xưa trong nỗi nhớ một người Sài Gòn