Hiện tại phần lớn các vườn cam ở Hà Tĩnh đều đã được thu hoạch và bán gần hết. Tuy nhiên, có nhiều chủ trang trại trồng cam không muốn thu hoạch ngay mà họ đang áp dụng kỹ thuật hãm cam chín để bán vào dịp tết sẽ có giá cao hơn.

Nông dân dùng kỹ thuật “cam chín hai thì” để hãm cam chín chờ tết

Bài, ảnh: Quang Cường | 06/12/2022, 21:11

Hiện tại phần lớn các vườn cam ở Hà Tĩnh đều đã được thu hoạch và bán gần hết. Tuy nhiên, có nhiều chủ trang trại trồng cam không muốn thu hoạch ngay mà họ đang áp dụng kỹ thuật hãm cam chín để bán vào dịp tết sẽ có giá cao hơn.

Từ tháng 9 đến tháng 11 là thời điểm vào vụ thu hoạch chính của những người trồng cam ở Hà Tĩnh. Đây là lúc các vườn cam chín rộ, nông dân hái bán cho thương lái từ các nơi về thu mua.

Năm nay thời tiết thuận lợi, cây cam cho năng suất tốt, sản lượng cao. Tuy nhiên, việc cam chín rộ vào cùng một thời điểm cũng gây nên nhiều mối lo về khâu tiêu thụ, nhất là phải hạ giá bán.

Ông Nguyễn Trọng Dương, người trồng cam ở thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết, hiện nay giá cam bình quân khoảng 30.000-40.000 đồng/kg, loại tốt nhất thì 70.000-80.000 đồng/kg. Nhưng nếu cùng loại cam này mà để đến giáp tết sẽ bán với giá 80.000-90.000 đồng/kg, loại tốt nhất được bán hơn 100.000/kg.

img_3673.jpg
Ông Nguyễn Trọng Dương bên cây cam đang được hãm chín để chờ bán vào dịp tết

Được biết, tại huyện Can Lộc có hàng trăm hộ trồng cam theo mô hình trang trại tại các xã Thượng Lộc, Nhân Lộc, Phú Lộc, Nga Lộc, thị trấn Đồng Lộc... Đến thời điểm này, phần lớn các chủ vườn cam đã thu hoạch và bán gần hết.

Riêng tại xã Thượng Lộc, có khoảng 60 vườn cam, hiện tại chỉ còn 8 vườn đang để dành bán vào dịp tết.

Kỹ thuật “cam chín hai thì” chờ tết

Thường thì các loại quả đều có chu kỳ chín và rụng trong một thời gian nhất định. Vì vậy, các hộ trồng cam lo lắng việc cam chín rộ vào cùng một thời điểm sẽ bị hạ giá bán. Trong khi đó, ai cũng muốn kéo dài thời gian chín của cam đến sát tết sẽ có giá bán cao hơn, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Để hóa giải nỗi lo này, Hợp tác xã cam Trà Sơn (xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc) đã nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp cả về quảng bá thương hiệu, khâu nối thị trường lẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm kéo dài thời gian thu hoạch của cây cam. Hiện tại, các chủ hộ trồng cam trong hợp tác xã đã thành công với kỹ thuật hãm cam chín để chờ tết.

img_3772.jpg
Anh Nguyễn Xuân Hòa, người tìm tòi, đúc rút ra bí quyết "cam chín hai thì"

Anh Nguyễn Xuân Hoà, người du nhập và phát triển thành công giống cam giòn nổi tiếng trên đất Thượng Lộc, cũng là người có nhiều kinh nghiệm về trồng cam của của Hợp tác xã Trà Sơn. Từ thực tiễn sản xuất, anh đã đúc rút ra những kỹ thuật đặc biệt để cam có thể bền sức, khoẻ cây, tiếp tục duy trì độ xanh của quả đến tận thời điểm cận tết mới cho thu hoạch. Kỹ thuật này được anh gọi là “cam chín hai thì”.

Trước đó, anh Hoà đã trải qua thực tiễn nhiều năm trồng cam mới có thể tìm ra các loại chế phẩm sinh học và công thức pha chế phù hợp, đúc rút thành bí quyết riêng.

Là kỹ thuật viên của Hợp tác xã cam Trà Sơn, sau khi thử nghiệm thành công và áp dụng trong vườn cam của mình, anh Hòa đã chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên của hợp tác xã.

img_3778.jpg
Anh Hòa hướng dẫn cho bà con xã viên trong hợp tác xã các kỹ thuật chăm sóc cam để kéo dài thời gian thu hoạch

Thành công trong việc kéo dài thời gian chín của cam không chỉ làm cam chín vào dịp tết, mà cam còn có vị ngọt đậm, ngon hơn cam bình thường.

Anh Hòa chia sẻ: “Nỗi trăn trở chung của bà con trồng cam là nó chín đồng loạt, lúc đó giá bán sẽ bị hạ, nên phải nghĩ cách kéo dài thời gian chín của quả cam để thay đổi thời vụ bán mới mong mang lại thu nhập cao hơn cho bà con.

Cách của tôi là tác động bằng thủ thuật trong quá trình chăm sóc cây, làm cho cây cam khỏe, duy trì lâu độ xanh của quả. Cụ thể là hòa tan supe lân trong nước rồi tưới trên gốc, thứ hai là dùng các chế phẩm sinh học để hãm sự chín, cho quả cam xanh lâu hơn, sau đó để nó tiếp tục chín theo phương pháp tự nhiên. Tôi gọi phương pháp này là kỹ thuật hãm cho “cam chín hai thì”.

Sau khi được anh Hòa hướng dẫn kỹ thuật, các hộ trồng cam thực hiện thực hiện tưới supe lân phối hợp cùng các chế phẩm sinh học, nhằm cung cấp dinh dưỡng nuôi bộ rễ khoẻ, từ đó giúp cây cam khoẻ, giữ được quả đến tết. Để đạt hiệu quả hãm cam chín, các chủ vườn cũng cần căn chỉnh theo thời gian, thời tiết cũng như thời điểm chín của cam để xác định việc bón supe lân hợp lý.

img_3788.jpg
Anh Nguyễn Văn Kiên phấn khởi bên những cây cam có quả đang xanh tại thời điểm phần lớn các chủ vườn cam đã thu hoạch

Anh Nguyễn Văn Kiên, chủ vườn cam ở thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, là thành viên của Hợp tác xã cam trà Sơn cho biết, vườn cam của anh có diện tích khoảng 1ha, vụ này cho sản lượng khoảng 12 tấn.

“Hiện tại giá bán khoảng 35.000-40.000 đồng/kg, nhưng tôi đang áp dụng kỹ thuật “cam chín hai thì” nên hiện tại chỉ mới thu hoạch khoảng 1/3, còn lại khoảng 8 tấn quả đang xanh, chờ bán dịp tết. Đến cận tết thì giá bán có thể cao gấp đôi. Trừ các chi phí thì ước tính vụ cam này mang lại lợi nhuận cho gia đình khoảng 300 triệu đồng”, anh Kiên nói.

Các hộ trồng cam thuộc Hợp tác xã Trà Sơn cho hay, cùng với kỹ thuật hãm quá trình chín, thì việc phòng bệnh mềm nhũn quả cũng đang là mối quan tâm của các chủ vườn. Nguyên nhân của bệnh nhũn quả có thể do nấm, tuy nhiên cũng có thể do vào mùa hanh khô, cam bị mất nước dẫn đến mềm nhũn và rụng.

Giải pháp thường được sử dụng để khắc phục vấn đề này là là dùng vôi bột rải đều trên bề mặt nhằm làm sạch đất, chống nấm mốc, tăng độ PH. Bên cạnh đó, cần phải chú trọng tưới nước cho cam; khi tưới nước cần phải tưới phun sương, không được tưới đậm. Phía dưới gốc có thể kết hợp trải nilon để giúp giữ nước.

img_3768.jpg
Những quả cam đang được hãm sẽ chín vào dịp sát tết, giá bán sẽ tăng cao

Ông Đặng Tịnh, Chủ tịch Hội nông dân xã Thượng Lộc cho hay: “Trong quá trình đầu tư sản xuất cam, bà con trên địa bàn xã đã có nhiều kinh nghiệm. Đến nay trên diện tích cam của các chủ vườn trong hợp tác xã Trà Sơn, các hộ dân đã đầu tư thâm canh, áp dụng biện pháp kỹ thuật để thu hoạch vào dịp tết.

Giống cam giòn Thượng Lộc có chất lượng tốt nên rất làm thỏa mãn khách hàng, để bán dịp tết sẽ có giá rất cao. Đây là một tín hiệu mừng cho bà con. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương định hướng cho bà con sản xuất đại trà, tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế”.

img_3764.jpg
Ông Nguyễn Tịnh, Chủ tịch Hội nông dân xã Thượng Lộc: "Chính quyền địa phương đang định hướng cho bà con sản xuất đại trà đi đôi với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế từ cây cam".

Việc giữ được cây cam khoẻ, quả cam tốt và dưỡng được đến cận tết mới cho thu hoạch như phương pháp “cam chín hai thì” của Hợp tác xã Trà Sơn là một kỹ thuật khá đặc biệt góp phần kéo dài thời gian thu hoạch, kéo dài năng suất mùa vụ cho cây cam. Kỹ thuật này góp phần giúp người trồng cam ổn định hơn về thu nhập, hạn chế tình trạng cam được mùa rớt giá, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nghề trồng cam một cách bền vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân dùng kỹ thuật “cam chín hai thì” để hãm cam chín chờ tết