Hiện nay giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) luôn ở mức cao, gây nhiều khó khăn cho nông dân. Để duy trì sản xuất, người dân vùng ĐBSCL đã linh hoạt, chủ động áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng nông sản.
Ông Thạch Phi Rùm, cán bộ ấp Trà Kim, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cho biết: “Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng phi mã đã làm cho nông dân nhất là người trồng lúa gặp nhiều khó khăn, thậm chí không có lãi. Tôi cùng nhiều nông dân trong ấp chuyển sang trồng cây ớt theo mô hình liên kết để có hiệu quả hơn”.
Với giá phân bón hiện tại tăng gần gấp đôi (50%), nhiều nông dân Trà Vinh chuyển sang trồng các loại cây màu để có hiệu quả kinh tế cao như bầu, bí, ớt, dưa leo, khổ qua. Ngành nông nghiệp Trà Vinh hướng dẫn nông dân sử dụng ít phân hóa học lại để giảm bớt chi phí, sử dụng nhiều phân chuồng, phân hữu cơ.
Ông Trần Thiện Thanh, thành viên Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Trường Phát (Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) cho biết, HTX chuyên canh tác sầu riêng với diện tích 30 ha. Hằng năm thu nhập từ sầu riêng giúp các thành viên trong hợp tác xã ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do giá vật tư đầu vào tăng cao, khiến cho thu nhập của nông dân giảm nhiều. Nếu trước đây phân bón, thuốc BVTV chiếm khoảng 15% chi phí thì nay đã tăng lên tới 25% đến 30%, bởi nhiều loại phân bón đã tăng giá gấp 2 đến 3 lần. Vì giá phân bón tăng cao, người dân cũng đã thay đổi tập quán canh tác, chuyển sang sử dụng phân hữu cơ, giảm chi phí, sản phẩm làm ra chất lượng vẫn đảm bảo.
Thật vậy, giá phân bón tại ĐBSCL tăng khoảng 50-60% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, phân DAP, Kali giá tăng gần 100%. Hai loại phân bón thông dụng giá luôn ở mức cao là: phân Urê hiện khoảng 750 nghìn đồng/bao, phân DAP giá 1,4 triệu đồng/bao. Riêng thuốc BVTV tăng ít hơn phân bón nhưng hơn 20% so cùng kỳ năm ngoái. Giá phân bón tăng vọt trong khi đầu ra nông sản bấp bênh, nhất là trái cây nên doanh nghiệp, đại lý kinh doanh phân, thuốc bán chậm, khó thu hồi nợ nông dân. Đối với phân bón hóa học, đa phần phải nhập từ nước ngoài nên đôi khi xảy ra tình trạng khan hiếm.
Ông Lê Anh Giáp, Giám đốc Công ty phân bón Anh Giáp tại phường 9, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang giải bày: “Phân bón bây giờ tăng giá, khan hiếm trong khi đó nông sản không có giá. Giá phân bón so năm rồi tăng gần 100%, bán ra thì thu tiền không được. Vì nông dân không có nguồn thu nên không trả tiền, đó là cái khó hiện nay”.
Trước tình trạng phân bón, thuốc BVTV sốt giá, nông dân vùng ĐBSCL đã linh hoạt, áp dụng đồng bộ các biện pháp như: tiết kiệm phân, bón phân đúng kỹ thuật, nhà vườn sử dụng phân hữu cơ, phân gia súc gia cầm đã được xử lý thay thế phân bón hóa học.
Ông Võ Thanh Nhàn, chủ vườn ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre có sáng kiến khả thi nuôi gà trên mặt ao. Ông Nhàn tận dụng phân gà cho cá ăn. Sau đó lấy nước trong ao tưới cây, bùn ở đáy ao bón cho cây. Nhờ vậy, vườn bưởi xa danh của ông tươi tốt, không sử dụng phân hóa học.
Ông Nhàn chia sẻ: “Mô hình này tôi đã nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ sinh học, nhiều nơi đã áp dụng. Tôi đào ao nuôi cá trước rồi nuôi gà, trồng cây. Diện tích vườn cây trên 2.000 m2, nếu bón phân hóa học mỗi năm mất vài chục triệu đồng nhưng áp dụng cách nói trên, tôi không tốn tiền cho phân bón, thuốc BVTV. Mô hình này tiết kiệm phân bón, sản phẩm trồng là sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng”.
Trước thực trạng phân bón tăng giá, các cơ quan chức năng của vùng ĐBSCL đã tăng cường công tác kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chỉ tại tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường đã phát hiện gần chục trường hợp kinh doanh phân bón giả, vi phạm nhãn hiệu. Các trường hợp vi phạm đã bị xử phạt hành chính, buộc cam kết không được tái phạm.