Nếu như một trái dưa hấu tại Nhật Bản có thể lên đến gần 100 USD thì ở Việt Nam, dưa hấu chỉ có vài nghìn đồng/kg, hoặc vứt đi không ai nhặt. Câu chuyện về xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc bị ép giá không phải mới mẻ gì, nhưng sẽ còn tồn tại đến bao giờ?

Nông sản xuất sang Trung Quốc: Còn bị chèn ép dài dài

29/06/2014, 15:01

Nếu như một trái dưa hấu tại Nhật Bản có thể lên đến gần 100 USD thì ở Việt Nam, dưa hấu chỉ có vài nghìn đồng/kg, hoặc vứt đi không ai nhặt. Câu chuyện về xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc bị ép giá không phải mới mẻ gì, nhưng sẽ còn tồn tại đến bao giờ?

Vải rớt giá, thanh long, dưa hấu bị chèn ép
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNOT), trong 6 tháng đầu năm 2014, tốc độ tăng trưởng về giá trị tổng sản lượng của ngành nông sản là 3,4%, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,5%, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 6%, thủy sản tăng 6%. Tốc độ tăng trưởng nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,96% (so với 2,14% của năm 2013).
Tuy nhiên, do có những căng thẳng trên Biển Đông, nên từ tháng 5.2014 việc trao đổi một số loại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc gặp khó khăn và xuất khẩu có sự giảm sút.
Chỉ cần khi phía bạn "không vui" là nông sản Việt Nam sẽ ứ tắc "vô thời hạn" tại cửa khẩu, cho chờ hư hỏng mà đổ đi.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, hiện nay, đầu ra của một số nông sản phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc như lúa gạo và cao su (xuất sang Trung Quốc chiếm 40% tổng số lượng xuất khẩu hai mặt hàng này). Đặc biệt, với một số mặt hàng như thanh long, bột sắn, Trung Quốc chiếm tới 80-90% thị phần xuất khẩu.
Riêng vải thiều Lục Ngạn vốn là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang và đang vào mùa thu hoạch cũng bị rớt giá, lượng hàng xuất khẩu giảm sút. Cụ thể, Bắc Giang đã xuất khẩu sang Trung Quốc 23.000 tấn, giảm 10% so với cùng kỳ và nếu như năm 2013, giá vải xuất khẩu của Lục Ngạn đạt trung bình 22.000 – 30.000 đồng/kg thì năm nay chỉ đạt 18.000 – 22.000 đồng/kg.
Có thể thấy, không chỉ riêng vải thiều mà nhiều loại trái cây khác của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chưa mấy khi được giá mà chủ yếu là rơi vào tình trạng bị o ép. Bài học xuất khẩu dưa hấu, thanh long sang thị trường Trung Quốc trong thời gian vừa qua vẫn còn nguyên giá trị. Với cách thức buôn bán không rõ ràng, không có hợp đồng, hóa đơn, không có sự kiểm định về chất lượng đã khiến nông sản Việt Nam ngày càng rớt giá và ngày càng lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Chỉ cần khi phía bạn "không vui" là nông sản Việt Nam sẽ ứ tắc "vô thời hạn" tại cửa khẩu, cho chờ hư hỏng mà đổ đi.
Nông sản Việt còn bị o ép dài
Một chuyên gia kinh tế khi trao đổi với Một Thế Giới cho rằng, chừng nào Việt Nam chưa nâng cao chất lượng nông sản, chưa đổi mới cách thức bảo quản và tư duy buôn bán thì chừng ấy nông sản Việt Nam vẫn còn bị o ép khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nói riêng và các nước khác nói chung.
"Cần phải hiểu tại sao hàng nông sản của nước ta xuất khẩu sang Trung Quốc lại bị chèn ép? Đó không đơn thuần là lỗi của người nông dân mà là bởi phương thức tổ chức hoạt động của chúng ta còn rất kém. Ví dụ như ở Nhật Bản, mặc dù tài nguyên thiên nhiên của họ không thể bằng được chúng ta, nhưng nông sản của họ lại rất được giá. Trên những mảnh đất cằn cỗi họ vẫn tạo ra những sản phẩm mang lại giá trị cao, bởi họ có một tổ chức buôn bán rõ ràng và chất lượng luôn được đảm bảo. Có thể nói đơn giản là họ biết cách tạo ra "thương hiệu" cho các sản phẩm của mình.
Người dân Nhật rất quý trọng nông dân và luôn ý thức phải nâng niu, trân trọng những sản phẩm nông sản được làm ra. Mỗi địa phương đều có một tổ chức đứng ra chỉ huy, đảm nhận cung cấp các khâu từ hạt giống, phân bón... cho đến khoa học kỹ thuật cho người dân. Khi đến vụ thu hoạch thì chính tổ chức này lại mua nông sản từ các hộ dân theo một mức giá cố định và người nông dân chỉ được bán sản phẩm cho tổ chức đó mà không được tự ý bán cho thương lái hay doanh nghiệp nào khác.
Sau đó, tổ chức này sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm thị trường, định mức giá cả và phân phối đi khắp các nơi. Hệ thống sản xuất của họ rất hoàn hảo, khép kín và chỉ có một tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm toàn bộ mọi việc nên chất lượng sản phẩm của họ được đảm bảo, không có chuyện mỗi hộ dân có thể tự ý nhập một loại giống hay sử dụng một loại phân bón mà mình thích. Cho nên người nông dân không phải lo bị ép giá hay phải tự trồng rồi tự lo đầu ra cho sản phẩm như người dân ở nước ta.
Nông dân Việt Nam rất đa năng và quá giỏi. Vừa là một kỹ sư nông nghiệp lại vừa làm một chuyên gia kinh doanh. Bởi toàn bộ các khâu người dân phải tự mua bán và tự chịu trách nhiệm.
Tôi đã từng sang Nhật và đã phải bỏ ra gần 100 USD để mua một quả dưa hấu. Tôi cũng đã phải trả 1 triệu đồng cho 1 củ khoai tây được chế biến cùng một vài loại gia vị. Nguyên việc phải bỏ ra một đống tiền để ăn cũng đủ thấy nó ngon đến mức nào rồi, chứ tạm chưa xét đến chất lượng. Còn ở chúng ta nông sản xuất sang thị trường Trung Quốc mà qua được hải quan cũng là may mắn lắm rồi, chứ tình trạng ùn tắc ở cửa khẩu khiến bao nhiêu gia đình mất trắng không còn quá lạ lẫm" - vị chuyên gia chia sẻ.
Cũng bởi vậy mà không ít chuyên gia trong nước đã từng lên tiếng khuyến cáo về cách thức tổ chức, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Mọi quan điểm đều chỉ ra rằng, chừng nào quy trình sản xuất chưa được nâng cao thì chừng đó người nông dân vẫn còn phải lo mất trắng. Mặc dù hiện nay đã có một số doanh nghiệp, cơ sở trong nước quan tâm đến chất lượng, đứng ra trồng hay thu mua nông sản và áp dụng phương pháp bảo quản tốt, nhưng chủ yếu là tự phát. Khi xảy việc gì thì doanh nghiệp chỉ cần biến mất và mọi hậu quả người nông dân phải gánh chịu.
Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tin vui cho ngành thủy sản: Xuất khẩu thu hơn 1 tỉ USD/tháng
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Lần đầu tiên sau 27 tháng (kể từ tháng 6.2022), xuất khẩu thủy sản theo tháng đã trở lại đạt mức 1 tỉ USD - dấu mốc đáng mừng cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông sản xuất sang Trung Quốc: Còn bị chèn ép dài dài