Từ đầu tháng 4 đến nay, ốc hương giống mới thả trong nhiều ao nuôi của người dân xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân.
Cồn Vạn (xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên) là vựa ốc hương lớn nhất Hà Tĩnh. Mấy ngày gần đây, người nuôi ốc đang thu gom ốc hương bị chết từ các ao nuôi cho vào thùng xốp lớn để đem đi tiêu hủy tránh gây ô nhiễm môi trường ao nuôi và vùng nuôi.
Anh Lê Xuân Diệu (hợp tác xã Thiên Phú, xã Cẩm Lĩnh) cho biết, tính đến thời điểm này đã có 6/8 hồ nuôi ốc hương của hợp tác xã bị chết hàng loạt và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo anh Diệu, tỷ lệ ốc bị chết trong các ao từ 70-100%. Số ốc chết này là ốc giống mới được thả nuôi nuôi khoảng 1 tháng rưỡi. Số lượng ốc hương bị chết khoảng 15 triệu con, ước tính tổng thiệt hại hơn 1,5 tỉ đồng.
Những người nuôi ốc hương ở xã Cẩm Lĩnh cho hay, họ mua 1 triệu con ốc giống với giá khoảng 75 triệu đồng; mỗi tháng phải chi hàng trăm triệu đồng để mua thức ăn cho ốc. Thông thường ốc hương nuôi từ 5-6 tháng sẽ thu hoạch, hiện nay ốc giống mới thả hơn một tháng đã chết hàng loạt khiến người nuôi ốc bị thiệt hại nặng nề.
Hiện tại, mặc dù người nuôi đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hy vọng cứu sống được ốc hương nhưng đều không có kết quả. Các chủ ao hồ nuôi ốc còn phải bỏ kinh phí thuê người thu gom, xử lý tiêu hủy, tiêu độc khử trùng để đảm bảo vệ sinh môi trường ao nuôi.
Ốc giống mới thả nuôi hơn 1 tháng bị chết hàng loạt khiến người nuôi ốc bị thiệt hại hàng tỉ đồng
Theo báo cáo của UBND xã Cẩm Lĩnh, toàn xã có 21,7ha mặt nước với 51 hồ nuôi ốc hương tại khu vực Cồn Vạn. Hiện các hộ và hợp tác xã nuôi ốc hương đã thả 124,1 triệu con giống, trong đó có 10,8ha của 33 ao nuôi với 84,6 triệu con ốc giống đã bị chết.
Ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch BND xã Cẩm Lĩnh cho biết xã đã báo cáo và huyện về kiểm tra lấy mẫu gửi cho cơ quan chức năng để tìm hiểu, xác định nguyên nhân, song chưa có kết quả. Ngoài ra, xã cũng kiến nghị cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ kỹ thuật, hóa chất để giúp các hộ nuôi xử lý, cải tạo lại ao hồ nuôi; có chính sách hỗ trợ các hộ bị thiệt hại để khuyến khích việc tái sản xuất.
>> Nghệ An: Nông dân mướt mồ hôi mót dưa lê chết rũ để bù lỗ
>> Người trồng dứa méo mặt vì giá bán quá rẻ
Tin, ảnh: Quang Cường