Kể cả khi TPP không được Quốc hội Mỹ thông qua tại cuộc họp cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Obama, thì cũng không hẳn là đã hết hy vọng. Vẫn có những khả năng dù nhỏ nhoi để ông Trump có thể thay đổi ý định về hiệp định thương mại này sau khi nhậm chức.

Ông D.Trump đắc cử tổng thống Mỹ: Đừng vội mất hy vọng về TPP

Nhàn Đàm | 10/11/2016, 14:11

Kể cả khi TPP không được Quốc hội Mỹ thông qua tại cuộc họp cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Obama, thì cũng không hẳn là đã hết hy vọng. Vẫn có những khả năng dù nhỏ nhoi để ông Trump có thể thay đổi ý định về hiệp định thương mại này sau khi nhậm chức.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đầy kịch tính cuối cùng cũng đã kết thúc, và vị tỷ phú ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump đã là người giành chiến thắng, vào hôm qua 9.11. Chiến thắng của ông Trump tuy vậy lại đang trở thành tiền đề cho những tranh cãi trên khắp thế giới, mà một trong số đó là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – hiệp định thương mại có quy mô lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. 11 nước thành viên đã ký kết TPP giờ đây đang hướng về nước Mỹ với sự lo ngại, khi vị tân tổng thống đã thể hiện thái độ chống đối kịch liệt hiệp định này trong suốt một năm qua; và nếu dựa vào những gì đã thể hiện trong thời gian qua, gần như chắc chắn ông Trump sẽ phủ quyết TPP sau khi nhậm chức. Nhưng, cũng không nên vì thế mà vội vàng mất hy vọng.

Trước hết, cần nói ngay rằng vẫn còn một cơ hội để TPP được Quốc hội Mỹ thông qua mà tân tổng thống Donald Trump không thể can thiệp, đó là kỳ họp Quốc hội cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama sẽ diễn ra trong khoảng thời gian giữa cuộc tổng tuyển cử đầu tháng 11.2016 đến khi Tổng thống mới Donald Trump tuyên thệ nhậm chức vào cuối tháng 1.2017. Tại cuộc họp cuối cùng này, vị tân tổng thống sẽ không thể can thiệp vào các nội dung được bàn bạc và quyết định tại Quốc hội, Tổng thống Obama hoàn toàn có thể vận động thông qua TPP nếu như có đủ khả năng. Hiện tại, ông Obama đang có khá nhiều đồng minh tiềm năng trong vấn đề này là các nghị sĩ ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện. Có không ít nghị sĩ của đảng Cộng hòa không đồng ý với ông Trump về các vấn đề thương mại, chắc chắn họ sẽ ủng hộ Tổng thống Obama thông qua TPP trong cơ hội cuối cùng này.

Ngoài ra, kể cả khi TPP không được Quốc hội Mỹ thông qua tại cuộc họp cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Obama, thì cũng không hẳn là đã hết hy vọng. Vẫn có những khả năng dù nhỏ nhoi để ông Trump có thể thay đổi ý định về TPP sau khi nhậm chức. Nguyên nhân chính khiến ông Trump phản đối TPP trong quá trình tranh cử là vì các hiệp định thương mại tự do đã lấy đi nhiều việc làm và cơ hội tăng thu nhập của người dân thông qua việc các doanh nghiệp Mỹ chuyển nhà xưởng sang các quốc gia khác, mà điển hình là Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Để giải quyết vấn đề này không nhất thiết phải tẩy chay các hiệp định thương mại. Trong cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ 2 với bà Hillary Clinton, khi được hỏi làm thế nào để giữ lại và đem việc làm trở lại Mỹ, ông Trump đã trả lời ngắn gọn: “giảm thuế”. Nếu đề xuất giảm thuế của ông Trump từ mức 35% xuống còn 15% với thuế thu nhập doanh nghiệp, thì các công ty sẽ ở lại và thậm chí chuyển nhà xưởng quay trở lại Mỹ, do nó sẽ có lợi hơn là đặt nhà xưởng tại các thị trường khác. Nói cách khác, giảm thuế mới là giải pháp quan trọng nhất của ông Trump để giữ việc làm ở lại Mỹ, còn việc tẩy chay các hiệp định thương mại chỉ là phụ. Nếu không giảm thuế đủ thuận lợi để thu hút doanh nghiệp quay trở về Mỹ, thì có phản đối các hiệp định thương mại cũng là vô ích.

Vì thế, nếu giải pháp giảm thuế phát huy tác dụng, thì Tổng thống Trump có thể sẽ thay đổi quan điểm về TPP, khi hiệp định này hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Mỹ. Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson ước tính TPP sẽ đem lại kinh tế Mỹ khoảng 78 tỉ USD mỗi năm, Ủy ban Thương mại Mỹ thì cho rằng nó sẽ vào khoảng gần 60 tỉ USD. Đó là chưa kể các lợi ích địa chính trị khác, mà điển hình là với Trung Quốc. Quan điểm của ông Trump là tăng vai trò của các đồng minh tại khu vực và giảm sự hiện diện chính trị và quân sự của Mỹ, nhưng gây sức ép lên Trung Quốc thông qua con đường kinh tế mà không cần nhiều chi phí duy trì quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương lại là điều mà ông Trump không thể không cân nhắc.

Ngoài ra, khi trở thành tổng thống, ông Trump cũng sẽ phải xem xét nhiều hơn đến quan điểm của đại bộ phận người dân Mỹ thay vì chỉ tập trung vào những người ủng hộ trong quá trình tranh cử. Theo khảo sát của hãng Pew, 40% người dân Mỹ ủng hộ thông qua TPP, trong khi số phản đối chỉ chiếm khoảng 35%. Một cuộc thăm dò được Hội đồng bang Chicago tiến hành vào tháng 9vừa qua cho kết quả 60% số người tham gia ủng hộ TPP. Ngoài người dân, thì các doanh nghiệp Mỹ vốn được xem là đối tượng hưởng lợi ích chính từ TPP gần như chắc chắn sẽ tiếp tục vận động để Quốc hội thông qua hiệp định này. Ông Trump có thể rất mạnh mẽ khi tuyên bố phản đối TPP trong giai đoạn tranh cử, nhưng khi đã ngồi vào chiếc ghế tổng thống và phải đối mặt với những sức ép và tác động từ mọi phía, thì mọi chuyện sẽ không còn dễ dàng như trước.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông D.Trump đắc cử tổng thống Mỹ: Đừng vội mất hy vọng về TPP