Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, sau thời gian TP.HCM thực hiện quy hoạch giao thông đã bộc lộ nhiều điểm nghẽn rất lớn, không chỉ phạm vi ngành giao thông mà còn ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. Không chỉ riêng TP.HCM mà các khu vực và vùng đều bị ảnh hưởng.

Ông Phan Văn Mãi: Chậm xây dựng hạ tầng giao thông liên kết vùng là điểm nghẽn phát triển kinh tế

Tú Viên | 20/08/2022, 18:32

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, sau thời gian TP.HCM thực hiện quy hoạch giao thông đã bộc lộ nhiều điểm nghẽn rất lớn, không chỉ phạm vi ngành giao thông mà còn ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. Không chỉ riêng TP.HCM mà các khu vực và vùng đều bị ảnh hưởng.

Ngày 20.8, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo chuyên đề về quy hoạch ngành giao thông vận tải TP.HCM để đánh giá lại quy hoạch đang thực hiện và chuẩn bị cho việc điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, quy hoạch phát triển giao thông vận tải của Thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, điều chỉnh năm 2013. Đến nay, tình hình thực hiện các công trình giao thông kết nối vùng theo quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 còn chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số và tương xứng với vị trí, vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Việc chậm xây dựng hạ tầng giao thông là điểm nghẽn trong sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của TP.HCM mà của cả vùng.

ha-tang-khu-dong.jpeg
Việc thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2030 còn chậm - Ảnh: P.V

Đánh giá về thực trạng quy hoạch giao thông của TP.HCM hiện nay, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Trường đại học Việt Đức cho rằng, TP.HCM chưa có quy hoạch và thiết kế đô thị phù hợp với định hướng giao thông công cộng nhanh sức chở lớn (mô hình TOD). Tại TP.HCM, quy hoạch dân số trong phạm vi bán kính 500m, khoảng cách đi bộ từ các nhà ga đường sắt đô thị là rất thấp so với chuẩn quốc tế.

Theo ông Tuấn, mô hình đầu tư hợp tác công - tư (PPP) phát triển đô thị gắn với nhà ga đường sắt đô thị (TOD) sẽ là chìa khóa để giải bài toán về vốn cho đầu tư hạ tầng. TP.HCM có thể triển khai mô hình TOD theo hướng phát triển đô thị mật độ cao, chức năng hỗn hợp tại các tiểu trung tâm, là các nhà ga đường sắt đô thị chính và các ga đầu mối giao thông liên vùng.

Về quy hoạch giao thông của TP, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn xác định: TP.HCM là trung tâm kinh tế trọng lực của cả nước, vì là trung tâm của vùng Đông Nam Bộ, đóng góp cho sự phát triển của GDP 34%, nguồn thu ngân sách 60% ngày càng có vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị… Đây là vùng hạt nhân phát triển kinh tế của cả nước. Vì vậy xác định quy hoạch hạ tầng giao thông TP.HCM và vùng hết sức quan trọng để định hướng.

Theo Thứ trưởng Tuấn, đối với quy hoạch tổng thể quốc gia về lĩnh vực giao thông đường bộ hiện nay đã được Thủ tướng phê duyệt 4 quy hoạch: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và đang hoàn chỉnh quy hoạch hàng không.

Giao thông TP.HCM khu vực Đông Nam Bộ cơ bản giữ nguyên. Việc vận chuyển bằng đường hàng không ở khu vực Đông Nam Bộ rất lớn, đến năm 2050 dự báo là 150 triệu hành khách, cùng với đó là nâng cấp cảng sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng mới cảng sân bay Long Thành.

“Điều chỉnh quy hoạch thống nhất nhưng cũng phải linh động, quy hoạch giao thông đô thị gắn kết quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch sát thực tiễn, sát mục tiêu của thành phố càng tốt. Chẳng hạn nút giao An Phú của thành phố nghiên cứu khi làm xong thì những nút giao khác có ùn tắc không, làm thế nào để liên hoàn với nhau”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, quan điểm của Thành phố là giao thông luôn đi trước để mở đường dẫn dắt phát triển kinh tế xã hội không chỉ của Thành phố mà cho cả vùng Đông Nam Bộ.

Ông Mãi thừa nhận, thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng các công trình giao thông vì cần số vốn rất lớn, giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến nhiều người dân. Nếu chỉ dựa vào ngân sách Thành phố hay Trung ương thì các dự án phải rất lâu nữa mới hoàn thành.

“Giao thông của thành phố không chỉ nằm trong địa giới TP.HCM mà phải kết nối với các tỉnh, vùng lân cận, rộng hơn nữa là kết nối với quốc tế. Do đó những định hướng, những điểm mới cho quy hoạch sắp tới cần được nhìn nhận trong mối liên kết lớn hơn”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Từ thực trạng bất cập hiện nay, Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn được lắng nghe gợi ý của các chuyên gia về các mô hình đầu tư với tư duy là làm kinh tế giao thông chứ không đơn thuần là dự án giao thông. Việc đầu tư hạ tầng giao thông không chỉ là vấn đề kinh tế đất đai mà cần giải quyết hài hòa quyền lợi của người dân, nhà đầu tư, nhà nước để đẩy nhanh được các dự án giao thông.

Việc thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2030 còn chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số và tương xứng với vị trí, vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế của Thành phố.

Hiện khu vực phía Nam đã hoàn thành 2/6 đường cao tốc, đang xây dựng 1 tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025. Các tuyến Quốc lộ và các tuyến đường tỉnh chưa được nâng cấp, mở rộng đủ lộ giới theo quy hoạch. Đường Vành đai 2 vẫn chưa khép kín chỉ hoàn thành 13,75 km/64,1km, các đường Vành đai 3, 4 chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Các nút giao thông xây dựng hoàn thành một số nút giao khác mức An Sương, Mỹ Thủy, Một số cầu thép…, đang triển khai đầu tư 11 nút giao khác mức.

Về diện tích, hệ thống bến bãi theo quy hoạch trên địa bàn thành phố hiện có chỉ đạt tỷ lệ khoảng 20% trong 1.146ha. Tỷ lệ quỹ đất bến bãi phục vụ cho hoạt động xe buýt, đạt khoảng 37,42% so với quy hoạch phân bổ không đồng đều ở các quận, huyện đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Các tuyến metro số 1 và 2 vẫn chưa hoàn thành. Các tuyến đường sắt đô thị khác chỉ mới đang trong quá trình nghiên cứu hoặc đang tìm nguồn vốn đầu tư. Tuyến BRT số 1 được triển khai đầu tư trong dự án Phát triển Giao thông xanh TP.HCM, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

Các tuyến còn lại chỉ mới đang trong quá trình nghiên cứu hoặc đang tìm nguồn vốn đầu tư. Hiện đang khai thác luồng sông Sài Gòn - Vũng Tàu có chiều dài 80,4km, luồng Soài Rạp có chiều dài 66,6km; luồng sông Đồng Tranh 1 có chiều dài 25,5km.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Phan Văn Mãi: Chậm xây dựng hạ tầng giao thông liên kết vùng là điểm nghẽn phát triển kinh tế