Theo lời khai của bị cáo Quyết tại tòa, ông chưa bao giờ có ý định chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Sự kiện

Ông Trịnh Văn Quyết nói ‘chưa bao giờ có ý định chiếm đoạt’

Nhật Anh 23/07/2024 13:24

Theo lời khai của bị cáo Quyết tại tòa, ông chưa bao giờ có ý định chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

Sáng 23.7, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) và 49 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Trở lại phòng xét xử sau thời gian bị cách ly, bị cáo Trịnh Văn Quyết cho biết bản thân ông tôn trọng cáo trạng, chấp nhận sự phán quyết của HĐXX.

Khai rõ về hành vi phạm tội, ông Quyết thừa nhận việc chỉ đạo Doãn Văn Phương (Tổng giám đốc FLC, đang bỏ trốn) mua lại Công ty Green Belt (tiền thân của Công ty Faros), đồng thời chỉ đạo việc nâng vốn sở hữu của công ty này.

Theo lời khai của bị cáo Quyết, ông chưa bao giờ có ý định chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Chủ trương mua lại công ty này là để khai thác lĩnh vực xây dựng, chủ động trong hoạt động đầu tư, xây dựng của cả hệ thống Tập đoàn FLC.

Cũng trong phần xét hỏi, bị cáo Quyết thừa nhận bản thân không nhớ được số tiền đã sử dụng, số tiền hưởng lợi mà “tôn trọng cáo trạng”.

flc1.jpg
Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại tòa - Ảnh: N.A

Cơ quan tố tụng cáo buộc bị cáo Trịnh Văn Quyết đã có hành vi nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, rồi chỉ đạo bán, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Ngoài ra, từ năm 2017 - 2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái ruột) cùng nhiều thuộc cấp mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.

Các hành vi thao túng trên bị cáo buộc tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu, thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng.

Tại tòa, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế cho rằng bản thân chỉ làm theo sự chỉ đạo của anh trai. Theo lời khai của Huế, ông Quyết là người đưa danh sách có đánh dấu sẵn các cá nhân sở hữu cổ phần, Huế chỉ đánh máy lại, kèm tiêu đề “Danh sách cổ đông của Công ty Faros” rồi đưa lại cho Quyết. Ngoài ra, Huế khẳng định “bản thân không biết gì thêm”.

Liên quan đến hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, bị cáo Huế cho biết anh Quyết là người bảo bị cáo đi mượn giấy tờ của người thân, người quen rồi mang về báo cáo Quyết, và tiếp tục làm làm theo sự chỉ đạo của ông Quyết.

Ngoài ra, em gái của cựu Chủ tịch FLC cũng nói rõ ông Quyết là người chọn sẵn tài khoản để giao dịch trong ngày, bà Huế chỉ thao tác trên máy tính; khi nào anh trai nhắn tin “mua/bán” thì bà bắt đầu thao tác đặt lệnh và “làm ngay khi anh Quyết nhắn tin”.

Cuối phần khai báo, bị cáo Huế khẳng định bản thân không hưởng lợi, đồng thời mong HĐXX xem xét các số liệu trong hồ sơ mà bị cáo đã xác nhận.

Trong vụ án này, cả ông Quyết và bà Huế đều bị truy tố về 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”.

anh-1(2).jpg
Phiên tòa dự kiến kéo dài trong nhiều ngày - Ảnh: N.A

Cựu lãnh đạo HOSE thừa nhận hành vi phạm tội

Trình bày trước tòa vào sáng nay, bị cáo Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM - HOSE) thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã xác định.

Theo cáo trạng, ông Sinh đã chỉ đạo các bị cáo cấp dưới chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn HOSE trái pháp luật, qua đó để bị cáo Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, gây thiệt hại hơn 3.621 tỉ đồng của 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Hành vi của bị cáo Sinh đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tại tòa, bị cáo Sinh khai rằng có nghe cấp dưới báo cáo việc Công ty Faros “có vấn đề về kiểm toán”. Tuy nhiên, trong vai trò HĐQT của HOSE, ông không có quyền quyết định việc niêm yết hay không.

Ông Sinh trình bày, xét duyệt hồ sơ niêm yết là nhiệm vụ chuyên môn sâu thuộc Ban điều hành và Hội đồng thẩm định niêm yết. Khi 2 đơn vị này đã xem xét và đề nghị cho Công ty Faros niêm yết, hồ sơ mới chuyển lên HĐQT trong một cuộc họp giao ban tháng.

Trả lời HĐXX, bị cáo Lê Hải Trà (cựu Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM) thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tại tòa, bị cáo Lê Hải Trà khai quen biết với Trịnh Văn Quyết từ thời còn ở Ủy ban Chứng khoán nhà nước, thường chơi tennis với nhau. Ông Trà khẳng định không chỉ đạo nhân viên thẩm định hồ sơ Faros phải làm nhanh hay tạo điều kiện cho công ty.

Theo cáo buộc, ông Lê Hải Trà biết rõ không đủ cơ sở xác định số vốn thực góp của Công ty Faros là 4.300 tỉ đồng theo báo cáo tài chính kiểm toán và Công văn số 4298 của Ủy ban Chứng khoán nhà nước nhưng Trà đã gây sức ép cho cấp dưới đề xuất chấp thuận hồ sơ niêm yết của Công ty Faros trong khi chưa đủ cơ sở xác định vốn góp, sử dụng vốn và khả năng thu hồi các khoản ủy thác đầu tư của Công ty Faros.

Ngoài ra, là thành viên Hội đông niêm yết, Lê Hải Trà đã ký phiếu đồng ý niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros. Là Phó tổng giám đốc sàn HOSE, Lê Hải Trà đã họp HĐQT, đồng ý niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros trái pháp luật.

Hành vi của Lê Hải Trà bị xác định đã giúp sức, tạo điều kiện để cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán, từ đó Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Bài liên quan
Họ hàng của ông Trịnh Văn Quyết khai chỉ cho mượn giấy tờ, ‘không hưởng lợi’
Nhiều bị cáo là họ hàng của ông Trịnh Văn Quyết khai rằng họ chỉ cho mượn giấy tờ tùy thân; không được hưởng lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Trịnh Văn Quyết nói ‘chưa bao giờ có ý định chiếm đoạt’