Mặc dù liên tục có những chỉ đạo của Chính phủ và thành phố Hà Nội, song việc triển khai phá dỡ giai đoạn 2 của phần sai phạm vẫn chưa thể khởi động. Vậy đâu là nguyên nhân?
Sau hơn 1 năm triển khai việc phá dỡ phần vi phạm trật tự xây dựng tại công trình cao ốc 8B Lê Trực (với 3 lần thay đổi đơn vị được giao thi công phá dỡ), đến cuối tháng 10.2016, các cấp chính quyền quận Ba Đình, TP.Hà Nội và Công ty cổ phần Tập đoàn Phương Bắc đã hoàn thành việc phá dỡ giai đoạn 1 (tầng 19) của tòanhà.
Bó taykhi chủ đầu tư không cung cấp hồ sơ
Dư luận thủ đô đánh giá cao việc phá dỡ phần sai phạm giai đoạn 1 công trình 8B Lê Trực đã được hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo an toàn về người và tài sản cũng như các phương tiên giao thông qua lại khu vực này. Sai phạm đã được xử lý theo đúng tinh thần chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Trông chờ vào giai đoạn 2 sẽ được triển khai quyết liệt như giai đoạn 1 nhưng dư luận Hà Nội đang khá bất ngờ khi chính đơn vị thi công phá dỡ giai đoạn 1 chính thức đề xuất dừng phá dỡ giai đoạn 2 với lý do đưa ra là: Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng chậm lập phương án phá dỡ giai đoạn 2, hay lý do “nguy cơ mất an toàn là rất cao nếu tiếp tục phá dỡ công trình này”.
Ở một diễn biến khác, lãnh đạo UBND phường Điện Biên đã nhiều lần yêu cầu Công ty cổ phần May Lê Trực cung cấp các loại hồ sơ liên quan đến công trình như thiết kế, kết cấu, hoàn công...để Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2, nhưng đến thời điểm này, chủ đầu tư vẫn cố tình không hợp tác.
Theo đơn vị tư vấn, việc phá dỡ giai đoạn 2 của tòanhà sẽ phải thực hiện giật cấp và sẽ phải bỏ hầu hết các cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà… Nhưng ngặt một nỗi, để tư vấn chuẩn, đảm bảo các yếu tố kỹ - mỹ thuật sau khi phá dỡ, công ty phải có bản vẽ trong tay, nhất là bản vẽ về kết cấu chịu lực thì mới có căn cứ khoa học để "cắt gọt" tòa nhà. Chính cái vòng luẩn quẩn này khiến cho việc phá dỡ giai đoạn tiếp theo của tòa nhà chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, nguồn kinh phí phá dỡ công trình này cũng là một vấn đề hết sức khó khăn, mặc dù theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của thành phố, chủ đầu tư phải chi trả toàn bộ kinh phí phá dỡ phần sai phạm. Đặc biệt, để đẩy nhanh kế hoạch xử lý vi phạm, UBND quận Ba Đình đã tạm ứng cho Công ty Phương Bắc khoảng 3 tỉđồng từ nguồn vốn ngân sách để thực hiện thi công phá dỡ. Tuy nhiên, cho đến nay, các cơ quan chức năng của thành phố vẫn chưa thống nhất, phê duyệt được dự toán đã phá dỡ để làm cơ sở thanh quyết toán cho đơn vị thi công.
Một phần dầm, cột và mặt sàn tầng 19 đã được phá dỡ xong. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN |
Không để sai phạm thành tiền lệ xấu
Sai phạm của chủ đầu tư xây dựng tòa nhà 8B Lê Trực là quá rõ ràng, việc xử lý vi phạm đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND thành phố Hà Nội thực hiện. Mới đây, người đứng đầu thủ đô cho rằng vi phạm tại công trình 8B Lê Trực là trường hợp rất điển hình mà cả nước biết đến và thành phố đã kỷ luật nhiều cán bộ. Đồng thời, chính quyền cũng đưa ra thông điệp chỉ đạo các lực lượng chức năng của thành phố, quận Ba Đình phải có giải pháp thiết kế an toàn, rồi tiếp tục phá dỡ theo phê duyệt của Bộ Xây dựng. Qua đây cho thấy, quan điểm chỉ đạo của thành phố là không dung túng cho sai phạm, tạo thành tiền lệ xấu trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Nhiều người cho rằngviệc phá dỡ phần sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực không dễ dàng khi mà vừa phá dỡ vừa phải đảm bảo kết cấu của tòa nhà lúc đưa vào sử dụng. Tất nhiên, để đáp ứng yêu cầu đó với tiến bộ khoa học hiện nay hoàn toàn cho phép. Nhưng vấn đề không nằm ở kỹ thuật phá dỡ mà cơ chế cho việc phá dỡ thế nào cho ổn thỏa, phù hợp với các quy định hiện hành.
Và điều đáng nói là trong khi chủ đầu tư chưa chịu cung cấp hồ thiết kế khiến đơn vị tư vấn gặp khó khăn thì các cấp chính quyền quận Ba Đình hay Sở Xây dựng Hà Nội loay hoay chưa có cách gì xử lý. Trường hợpchủ đầu tư cứ tìm nhiều cách để "câu giờ" phá dỡ và thống thiết kể khổ, liệu rằng có khiến "quan trên" mủi lòng, để rồi sự việc rơi vào quên lãng, "để lâu cứt trâu hóa bùn". Dư luận thủ đô cũng đang xôn xao đặt nhiều câu hỏi xoay quanh việc chậm phá dỡ giai đoạn 2 của tòa nhà.
Thời gian vừa qua, quan điểm chỉ đạo công việc của thành phố Hà Nội là: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Nhưng xem ra ở vụ việc 8B Lê Trực chưa được như vậy. Nên chăng để đốc thúc công việc, nhất là việc phá dỡ sai phạm của tòa nhà trên, thành phố Hà Nội cần lập một ban chỉ đạo hoặc tổ công tác để chỉ đạo xuyên suốt công việc, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm.
Ở một khía cạnh khác cũng liên quan đến việc phá dỡ công trình này, mặc dù từ ngày 10.3 vừa qua, Hà Nội đã đồng loạt ra quân lập lại trật tự đô thị, tập trung xử lý các trường hợp dừng đỗ phương tiện lấn chiếm lòng đường vỉa hè, yêu cầu các đơn vị, tổ chức, các hộ kinh doanh và người dân nghiêm túc chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng ban đầu cho hè phố, lòng đường. Song, tại hiện trường sáng 14.3, bãi phế thải xây dựng“khủng” phát sinh trong quá trình tháo dỡ sai phạm tại công trình 8B Lê Trực vẫn “án binh bất động”, chiếm giữ cả trăm mét vỉa hè trên phố Trần Phú kéo dài.
Tại khu vực này, hàng trăm khúc bê tông cỡ lớn sau khi cắt khúc đã được vận chuyển từ tầng 19 tòa nhà xuống mặt đất, vẫn chưa được chuyển đi, gây mất mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Đáng chú ý, số phế thải xây dựng này nằm ngay đối diện UBND phường Điện Biên.
Tòa nhà số 8B Lê Trực. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Đảm bảo quyền lợi người mua nhà
Sai phạm nghiêm trọng, chỉ đạo xử lý đã rõ ràng, công trình 8B Lê Trực không thể vì lợi ích của chủ đầu tư mà để kỷ cương phép nước bị lơi lỏng, tạo tiền lệ xấu trong quản lý đô thị. Đặc biệt, điều đó gây ảnh hưởng xấu tới hàng trăm hộ dân mua nhà hợp pháp phải chờ đợi mỏi mòn nhiều năm qua nhưng chưa biết đến bao giờ mới có thể về ở.
Xét về mặt lợi ích, cho tới thời điểm này, chính những khách hàng đã đóng tiền mua căn hộ tại dự án 8B Lê Trực đang là phía thiệt thòi nhất trong mối quan hệ giữa đối tượng sai phạm và cơ quan quản lý sai phạm.
Nhiều người đã tham gia góp vốn tới 90% giá trị căn hộ nhưng trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã xây dựng sai với giấy phép dẫn đến hậu quả không lường trước được. Trong bối cảnhchưa biết đến bao giờ mới chính thức được cầm chìa khóa căn hộ mà mình đã bỏ tiền ra mua, hàng chục khách hàng đã có đơn “kêu cứu” gửi tới các cơ quan chức năng.
Cần nhìn nhận rằngviệc khách hàng đóng tiền mua căn hộ tại dự án này là hoàn toàn đúng pháp luật. Việc chủ đầu tư sai phạm ở khâu nào, hạng mục nào thì phải xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan.
Điều khách hàng lo lắng nhất là việc phá dỡ phần sai phạm của công trình dù ở tầng trên cao hay giật cấp phía mặt ngoài nhưng chắc chắn ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến công trình. Vì vậy, quyền lợi của người mua nhà cần được các cơ quan chức năng tính đến trong quá trình xử lý sai phạm.
Theo TTXVN/Tin tức