Các nhà khoa học tại Đại học Oxford đã phát triển một bàn tay giả thế hệ mới dành cho trẻ em. Thiết bị này sẽ được cung cấp năng lượng và kiểm soát bằng hơi thở của người đeo.
Các nhà nghiên cứu cho biết thiết bị gọn nhẹ này không quá đắt tiền, thoải mái, dễ bảo trì và sử dụng. Nó đặc biệt giúp ích cho những trẻ còn quá nhỏ hoặc có cơ thể không thích hợp với chi giả sử dụng dây nịt và cáp. Các nhà nghiên cứu đã công bố thiết bị này trên tạp chí Prosthesis.
Để sử dụng thiết bị, trẻ em thở và cung cấp năng lượng cho một tua bin không cánh có thể điều khiển chuyển động của ngón tay giả. Trẻ có thể dễ dàng tạo ra lượng không khí cần thiết để cung cấp năng lượng cho tay giả và chuyển động của nó sẽ quyết định tốc độ bám vào vật gì đó.
Hầu hết các tay giả sử dụng dây cáp và được cung cấp năng lượng từ cơ thể đã xuất hiện từ đầu thế kỷ 19. Tuy nhiên, có rất ít tiến bộ trong việc tìm ra cách mới để cung cấp năng lượng cho các bộ phận giả này. Ngoài ra, việc bảo trì loại tay giả này có thể tốn kém nhiều vì cần phải được lắp và sửa chữa một cách chuyên nghiệp.
Bàn tay giả mới do nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford phát triển có thể được sử dụng bởi trẻ em đang lớn, dễ dùng và bảo quản so với các tay giả khác. Thiết bị này sẽ đặc biệt giúp đỡ trẻ em ở các nước nghèo vốn không được tiếp cận với công nghệ cáp.
Tác giả chính của nghiên cứu Jeroen Bergmann cho biết: “Thiết bị hỗ trợ của chúng tôi cung cấp một công nghệ tay chân giả mới, có thể sử dụng mà không hạn chế bất kỳ chuyển động cơ thể nào của người dùng. Đây là một trong những thiết kế mới cho sức mạnh và khả năng điều khiển của một bộ phận giả”.
Video cách thức hoạt động của tay giả
Nhóm nghiên cứu đã hợp tác với LimbBo, tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ trẻ em khuyết tật tay chân, để phát triển thiết bị này. Jane Hewitt, người được ủy thác của LimbBo, cho biết: “Một trong những mục tiêu của chúng tôi tại Quỹ LimbBo là đảm bảo rằng tất cả trẻ em đều có quyền truy cập vào bất kỳ thiết bị nào hỗ trợ cuộc sống hàng ngày của chúng”.
“Hiện tại có nhiều lựa chọn liên quan đến chân tay giả nhưng một số trẻ em cần một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Đối với nhiều người, việc họ không có khớp khuỷu tay đã hạn chế nghiêm trọng khả năng tiếp cận các thiết bị giả và vì vậy chúng tôi cần xem xét các phương pháp tiếp cận khác nhau”, cô nói thêm.
Nhiều chuyên gia cho rằng đây là một sự phát triển thú vị và hữu ích đối với nhiều trẻ em. Nghiên cứu được nhiều người ủng hộ như một cách tiếp cận hoàn toàn khác để tạo điều kiện cho trẻ em có được sự trợ giúp cần thiết cho cuộc sống hàng ngày.
Vikranth Nagaraja, tác giả đầu tiên của nghiên, cho biết: “Ước tính hơn 40 triệu cá nhân trên toàn thế giới có sự khác biệt về chân tay. Hầu hết trong số đó không được tiếp cận với bất kỳ hình thức chăm sóc chân tay giả nào. Các bộ phận chi giả cho bệnh nhân thường có giá quá cao cũng như không phù hợp, đặc biệt là ở những nơi có nguồn lực thấp.
Chúng tôi hy vọng nghiên cứu mới là một bước thay đổi trong việc đưa các bộ phận giả được tiếp cận rộng rãi hơn và giúp các bệnh nhân vượt qua những thách thức với các lựa chọn hiện tại”.