Alibaba Group Holding đã sa thải gần 10.000 nhân viên trong 3 tháng kết thúc vào ngày 30.6, khi gã khổng lồ thương mại điện tử phải vật lộn với doanh số bán hàng trì trệ trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng yếu và những khó khăn kinh tế ở Trung Quốc.

Nguồn cơn Alibaba sa thải gần 10.000 nhân viên trong quý 2

Sơn Vân | 06/08/2022, 09:11

Alibaba Group Holding đã sa thải gần 10.000 nhân viên trong 3 tháng kết thúc vào ngày 30.6, khi gã khổng lồ thương mại điện tử phải vật lộn với doanh số bán hàng trì trệ trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng yếu và những khó khăn kinh tế ở Trung Quốc.

Tổng cộng 9.241 nhân viên đã rời Alibaba có trụ sở tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) trong quý 2/2022 để cắt giảm nhân sự tổng thể của công ty xuống còn 245.700, giảm từ 254.941 vào cuối tháng 3.2022 và 254.702 vào ngày 30.6.2021. Điều đó khiến tổng số nhân viên Alibaba, chủ sở hữu của tờ South China Morning Post, giảm xuống còn 13.616 người trong vòng 6 tháng tính đến tháng 6.2022, đánh dấu lần giảm quy mô biên chế đầu tiên của công ty kể từ tháng 3.2016.

Việc giảm biên chế phản ánh những nỗ lực đổi mới của Alibaba nhằm cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, vì hãng phải đối mặt với áp lực pháp lý liên tục, tiêu thụ chậm chạp và nền kinh tế đang phát triển chậm lại ở Trung Quốc - thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Ngược lại, một năm trước, Alibaba đang thúc đẩy mở rộng quy mô nhân sự khi tăng gấp đôi hoạt động Freshippo - chuỗi bán lẻ độc quyền của tập đoàn này về hàng tạp hóa và hàng tươi sống. Từ tháng 9 đến tháng 12.2020, số lượng nhân viên của Alibaba đã tăng hơn gấp đôi lên 252.084, từ 122.399 người, khi doanh số bán hàng của Freshippo lần đầu tiên tăng trưởng hai con số.

Theo Cheng Yu, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kandong Bắc Kinh, cắt giảm một số nhân viên và các hoạt động không cần thiết có thể giúp Alibaba tăng cường tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi cũng như tăng cường biên lợi nhuận của mình.

Cheng Yu nói: “Alibaba có nhiều mảng kinh doanh khó kiếm được lợi nhuận và không phục vụ các mảng kinh doanh cốt lõi của mình. Điều cần thiết là phải loại bỏ những đơn vị như vậy để công ty có thể giảm chi phí và tăng hiệu quả”.

Hôm 4.8, Alibaba báo cáo thu nhập ròng giảm 50% xuống 22,74 tỉ nhân dân tệ (3,4 tỉ USD) trong quý 2/2022, giảm so với 45,14 tỉ nhân dân tệ cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu về cơ bản không đổi ở mức 205,56 tỉ nhân dân tệ trong quý trước, so với mức 205,74 tỉ nhân dân tệ cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Alibaba - Daniel Zhang Yong sau đó cho biết công ty sẽ bổ sung gần 6.000 sinh viên mới tốt nghiệp đại học vào đội ngũ nhân sự trong năm nay, như một phần của nỗ lực cân bằng giữa việc tối ưu hóa và kiểm soát chi phí.

Hồi tháng 5.2022, Alibaba được cho đã bắt đầu sa thải nhân viên thông qua nhiều đợt cắt giảm việc làm tại các đơn vị kinh doanh bao gồm Taobao Marketplace, DingTalk và Alibaba Cloud, theo báo cáo của tờ Economics Weekly, trích dẫn các nguồn tin công ty giấu tên.

Đó cũng là tháng khi làn sóng cắt giảm việc làm mới ập đến với các hãng công nghệ lớn khác của Trung Quốc, bao gồm cả Tencent Holdings, trong bối cảnh áp lực pháp lý tiếp tục và lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở nước này.

alibaba-sa-thai-gan-10000-nhan-vien.jpg
Việc giảm số lượng nhân viên của Alibaba Group Holding trong quý 2/2022 cho thấy quyết tâm của công ty trong việc cắt giảm chi phí ở những nơi có thể - Ảnh: Shutterstock

Tháng 12.2021, Alibaba đã công bố cuộc cải tổ quản lý lớn nhất của mình phù hợp với nỗ lực của Daniel Zhang Yong để làm cho công ty gọn nhẹ hơn và đạt được sự rõ ràng về chiến lược. Tháng sau, Alibaba đã tái cấu trúc các hoạt động phụ trợ của các nền tảng bán lẻ trực tuyến cốt lõi ở Trung Quốc là Taobao và Tmall.

Dù mảng kinh doanh đám mây được coi là động lực tăng trưởng mới của Alibaba, tăng trưởng doanh thu của đơn vị này đã chậm lại còn 10% trong quý trước, so với mức tăng 20% ​​trong quý 4/2021 và mức tăng 12% trong quý 1/2022.

Về việc cắt giảm nhân sự tiềm năng tại Alibaba Cloud, Zhang Chengyu - người đứng đầu Trung tâm Kỹ thuật số Doanh nghiệp tại công ty nghiên cứu Analysys, cho biết Alibaba Cloud vẫn là một đơn vị đầy hứa hẹn. Chẳng hạn, Alibaba Cloud vẫn là nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất tại Trung Quốc.

Zhang Chengyu nói: “Xu hướng chuyển đổi số của các doanh nghiệp là không thể đảo ngược, dù nó bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế vĩ mô và môi trường kinh tế vi mô, dẫn đến biến động về tốc độ tăng trưởng”.

Alibaba bị thêm vào danh sách theo dõi hủy niêm yết chứng khoán Mỹ

Cuối tháng 7.2022, Alibaba Group Holding bị thêm vào danh sách ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc có khả năng bị hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Động thái diễn ra vài ngày sau khi gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc công bố kế hoạch tìm kiếm niêm yết chính trên thị trường chứng khoán Hồng Kông với mục đích đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư của mình.

Theo luật đó, các công ty nước ngoài có thể bị hủy niêm yết nếu không nộp tài liệu kiểm toán cho cơ quan giám sát kế toán Mỹ 3 năm liên tiếp. Điều này có nghĩa là thời gian đếm ngược 3 năm để Alibaba tuân thủ yêu cầu đã bắt đầu.

Alibaba có thể trở thành công ty Trung Quốc lớn nhất bị hủy niêm yết tại Mỹ nếu không đáp ứng yêu cầu pháp lý.

Động thái của Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đã khiến cổ phiếu lưu ký của Alibaba tại Mỹ giảm 11% vào ngày 29.7. Alibaba đã mất gần 2/3 mức định giá kể từ khi đạt đỉnh vào cuối năm 2020 trong bối cảnh áp lực pháp lý ở cả Trung Quốc và Mỹ cùng môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu suy yếu.

Ngoài Alibaba, 3 công ty internet Trung Quốc đại lục khác gồm Mogu, Cheetah Mobile, Boqii Holding và hãng dập kim loại Highway Holdings (Hồng Kông) bị SEC thêm vào danh sách theo dõi vào ngày 29.7.

Hơn 150 công ty Trung Quốc hiện nằm trong danh sách của SEC có khả năng bị hủy niêm yết, bao gồm cả các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử JD.com và Pinduoduo, nhà điều hành nền tảng chia sẻ video Bilibili và nhà sản xuất ô tô điện Nio.

Chúng được thêm vào danh sách theo dõi của SEC về các công ty “được coi là chịu trách nhiệm với HFCAA (Đạo luật yêu cầu các công ty nước ngoài chịu trách nhiệm)” sau khi mỗi công ty nộp báo cáo hàng năm của họ. Alibaba đã nộp báo cáo vào ngày 19.7.

Theo báo cáo của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung, đã có 261 công ty Trung Quốc, với tổng định giá 1.300 tỉ USD, được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán lớn của Mỹ cuối tháng 3.2022.

Với việc được đưa vào danh sách theo dõi bị hủy niêm yết của SEC, kế hoạch của Alibaba để nâng cấp sự hiện diện trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông từ danh sách thứ cấp lên danh sách chính trước khi kết thúc năm nay đã được chứng minh là có cơ sở.

Việc niêm yết chính ở Hồng Kông có thể giảm thiểu rủi ro và sự không chắc chắn liên quan đến yêu cầu kiểm toán của Mỹ, cho phép Alibaba tiếp tục là công ty giao dịch công khai trong trường hợp bị loại khỏi Sở giao dịch chứng khoán New York.

Quan trọng hơn, kế hoạch đó dự kiến ​​sẽ thúc đẩy “cơ sở nhà đầu tư rộng lớn, đa dạng hơn để chia sẻ với sự tăng trưởng và tương lai của Alibaba, đặc biệt là từ Trung Quốc và các thị trường khác ở châu Á”, ông Daniel Zhang Yong cho biết vào tuần trước.

Chủ tịch SEC - Gary Gensler gần đây chỉ ra rằng không rõ liệu có thể đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về yêu cầu kiểm toán của Mỹ hay không. “Tôi thực sự không biết ngay bây giờ. Đó sẽ là sự lựa chọn của các nhà chức trách ở đó", ông Gary Gensler nói.

Các cơ quan quản lý của Mỹ và Trung Quốc đã tham gia vào các cuộc thảo luận để giải quyết vấn đề về kế toán. Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cho biết đã trình bày đề xuất hợp tác với ban giám sát kế toán Mỹ kể từ năm 2019 để dung hòa các quy tắc kiểm toán địa phương với các tiêu chuẩn kế toán toàn cầu.

Tháng 11.2021, SEC đã thông qua một khuôn khổ để xác định những công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ hoàn toàn không cho phép kiểm tra kiểm toán và do đó sẽ bị hủy niêm yết trên thị trường vốn Mỹ.

SEC cho phép Ủy ban giám sát kế toán công ty đại chúng, tổ chức phi lợi nhuận chuyên giải quyết các vấn đề kế toán của các công ty đại chúng, xác định xem có cần kích hoạt quy trình hủy niêm yết hay không.

Bài liên quan
Trung Quốc đàn áp Alibaba với nhiều hãng công nghệ, làn sóng sa thải và thất nghiệp tăng cao
Chiến dịch đàn áp các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc trong 1 năm đã gây ra tổn thất nặng nề và đang phủ bóng đen lên thị trường việc làm, sự phát triển trái ngược với mục tiêu của chính phủ là tạo ra sự thịnh vượng kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguồn cơn Alibaba sa thải gần 10.000 nhân viên trong quý 2