Mâm cơm người Việt có khá nhiều quy tắc, từ những nguyên tắc nhỏ bé nhất như cách cầm đũa, cách ăn uống. Những quy tắc này được xem là phép lịch sự tối thiểu mà ai cũng cần nắm rõ.
Dùng đũa sao cho đúng
Trong bữa ăn, bạn cần lưu ý đến một hành động tuy nhỏ nhưng thường bị nhiều người rất kiêng kỵ là cắm thẳng đũa vào bát cơm. Nguyên nhân là vì hành động này làm liên tưởng đến việc cúng cơm cho người đã khuất. Ngoài ra, bạn cần phải trở đũa trước khi định gắp thức ăn cho người khác cũng như tránh để đũa chấm trực tiếp vào bát nước chấm hay tô canh dùng chung.
Một số hành vi kém tế nhị khác mà bạn cần tránh có thể kể đến như là ngậm đũa, liếm đầu đũa… Nếu bạn phân vân rằng hành vi nào đó dường như là không được đẹp mắt và kém tinh tế thì tốt nhất là đừng làm nhé.
Cách bới cơm lịch sự
Nhiều người có cách bới cơm là bới nguyên một lần đầy chén cho nhanh gọn. Tuy nhiên, bạn không nên bới xong cơm bằng một lần bới. Điều này được khuyên dạy là chỉ dành cho việc cúng người đã mất. Ngoài ra, bạn hãy chỉ bới khoảng 2/3 chén cơm thay vì bới cơm quá đầy. Điều này sẽ khiến người khác cảm thấy bất tiện khi muốn gắp thức ăn vào bát, thậm chí một số người sẽ cảm thấy bạn không lịch sự.
Chú ý tư thế khi ăn
Khi ngồi ăn thì bạn nên chú ý đến tư thế ngồi sao cho chỉnh tề một chút. Bạn cần giữ cho lưng thẳng, đặc biệt là không cúi đầu vào món ăn khi bạn ngồi ăn ở trên ghế. Ngoài ra, bạn tuyệt đối không nên rung đùi vì đây được xem là hành động vô lễ. Bạn cũng không nên để tay dưới bàn hoặc chống tay lên bàn mà hãy bưng bát và cầm đũa, khi chưa bưng bát thì bạn có thể đặt phần cổ tay trên bàn nhẹ nhàng.
Mời người lớn hơn dùng bữa
Việc chờ đợi người khác cùng ngồi vào bàn ăn trước khi đụng đũa là phép lịch sự tối thiểu. Bạn nên thực hiện điều này, không chỉ ở bên ngoài xã hội mà đối với cả những người trong gia đình. Hãy chờ đợi tất cả mọi người ngồi đông đủ rồi mới bắt đầu tiến hành việc ăn uống.
Khi làm khách, bạn không được gắp đồ ăn trước chủ nhà hay người chiêu đãi bữa cơm. Điều này chỉ ngoại trừ trường hợp bạn được đề nghị gắp trước vì nếu không bạn sẽ bị đánh giá là tham ăn và không tôn trọng người khác.
Không trò chuyện khi đang nhai
Thói quen trò chuyện khi miệng còn đầy thức ăn là hành vi bất lịch sự và khiến người khác khó nghe rõ được nội dung bạn muốn nói. Do vậy, bạn cần ăn hết cơm rồi hãy nói điều bạn muốn ngay sau đó.
Bạn cũng lưu ý không nói về những vấn đề dễ gây tranh cãi trong giờ ăn cơm như vấn đề chính trị hay tôn giáo vì đây là quan điểm riêng của mỗi người và nếu có tranh luận gay gắt thì bữa ăn sẽ mất ngon.
Chú ý để muỗng trong tô canh
Muỗng múc canh nếu để trong bát canh nên để ngửa để muỗng chìm xuống bát không gây vướng, bất tiện. Còn nếu để ngoài thì muỗng canh phải úp xuống, gác cạnh miệng bát hoặc trên mâm.
Không sử dụng điện thoại
Ai cũng biết việc sử dụng điện thoại tại bàn ăn là hành vi không được lịch sự chút nào. Bạn nên chú tâm vào bữa ăn và những người cùng ăn chung với bạn. Ngoài ra, bạn cũng không nên để các vật dụng không cần thiết trên bàn ăn để tránh gây phiền hà cho người khác, ví dụ như cái túi xách hay xấp giấy tờ…
Trường hợp bạn thực sự cần phải dùng điện thoại ngay lúc đó, hãy nói lời xin lỗi người cùng bàn và nhờ họ thông cảm. Bạn có thể đi ra ngoài nếu cần nghe điện thoại để tránh làm ồn, gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Ngồi lại dù đã ăn xong trước
Nếu bạn ăn xong rồi ngồi dậy liền thì sẽ khiến những người còn ăn cảm thấy ngại ngùng và khó tiếp tục dùng bữa một cách tự nhiên. Vì vậy, bạn cần ngồi lại và vui vẻ thư giãn ngay tại chỗ ngồi. Đây là cách tôn trọng người còn cần sử dụng bữa ăn, đặc biệt là đối với người lớn tuổi hơn bạn.
Thu Thủy (t/h)